Đừng sính hàng ngoại một cách thái quá

Thứ hai - 19/10/2020 01:06
Gần đây, không chỉ trong đời sống thường ngày mà chỉ cần ngồi nhà lướt facebook, chúng ta sẽ thấy nhang nhảng việc quảng cáo, rao bán hàng hóa mang tên những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Gần đây, không chỉ trong đời sống thường ngày mà chỉ cần ngồi nhà lướt facebook, chúng ta sẽ thấy nhang nhảng việc quảng cáo, rao bán hàng hóa mang tên những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Nào là túi Gucci, LV 220K một cái; giày Adidas, Osso 139K một đôi; nước hoa Chanel 99K một chai..., rồi thì hàng xách tay các nước đang tràn ngập trên thị trường.

 

Một tài khoản facebook rao bán hàng do Nhật Bản sản xuất. Ảnh: NGUYỄN KIM

 

Đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại nên nhiều mặt hàng được lên đời, gắn nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng nhằm móc hầu bao người tiêu dùng. Bởi thử hỏi hàng ngoại thì lấy đâu ra cái giá một hai trăm ngàn đồng.

 

Theo một người bạn bán hàng oder Mỹ, Nhật gom sale kính Dior So Real, dù là giảm giá đến 78%, nhưng mỗi chiếc kính mát cũng có giá không dưới 2 triệu đồng. Hàng tốt dĩ nhiên là giá cao. Người tiêu dùng trong nước mua được hàng ngoại, đắt tiền là điều đáng mừng, chứng tỏ đời sống được nâng cao, kinh tế đang phát triển; đồng thời những mặt hàng kém chất lượng sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường, buộc các nhà sản xuất, kinh doanh phải xem lại cách làm ăn của mình, để cho ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, cộng đồng cùng hưởng lợi.

 

Sản phẩm đa dạng đem lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn. Nhưng cũng như hàng Việt, hàng ngoại cũng có hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi... đòi hỏi người mua phải sáng suốt lựa chọn. Đừng vì tâm lý dùng hàng ngoại mới sang trọng, đẳng cấp rồi sính hàng ngoại một cách thái quá để tiền mất tật mang.

 

Tinh thần yêu nước qua việc dùng hàng nội địa của người Nhật Bản, người Hàn Quốc đã được đánh giá cao. Dù sống và làm việc ở đâu, họ vẫn ưu tiên tìm đến những điểm bán các mặt hàng do nước họ sản xuất để mua sắm, tiêu dùng; ưu tiên sử dụng dịch vụ vui chơi giải trí do các doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh ở nước sở tại.

 

Phải nói rằng sản phẩm của họ tốt, an toàn cho sức khỏe người sử dụng nên họ yên tâm lựa chọn. Đồng thời đó cũng là cách họ ủng hộ sản phẩm của mình, kích cầu tiêu dùng nhằm giúp kinh tế trong nước phát triển hơn nữa.

 

Ở Việt Nam, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai từ 10 năm nay. Từ cuộc vận động này, hệ thống phân phối hàng Việt phát triển nhanh chóng với tỉ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị và chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm ở mức cao và dần có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Cuộc vận động đã khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế tự lực tự cường; tạo nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt.

 

Trong bối cảnh khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và tiếp tục là thách thức lớn đối với nền kinh tế, thì việc mỗi người dân Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam càng ý nghĩa và trở nên quan trọng. Muốn làm được điều này, ngoài việc người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên chọn mua và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước thì các doanh nghiệp sản suất, kinh doanh hàng Việt cũng phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, từng bước tạo lòng tin đối với người tiêu dùng nội địa.

 

NGUYỄN KIM (TP Tuy Hòa)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp