Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Phạt lao động công ích để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông!

Thứ tư - 15/05/2019 22:21
Cà phê sáng chủ nhật vừa rồi, nhóm bạn chúng tôi rôm rả chuyện trò chung quanh ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều 9/5.

Cà phê sáng chủ nhật vừa rồi, nhóm bạn chúng tôi rôm rả chuyện trò chung quanh ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều 9/5. Tại cuộc họp này, ông kiến nghị “cần tăng mức hình phạt, trong đó có phạt buộc đi lao động công ích đối với người uống rượu, bia khi lái xe”. Tất nhiên là đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội nhận được sự đồng tình tuyệt đối của cả nhóm…

 

Buộc lao động công ích là một loại hình phạt đã được nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng. Thậm chí có quốc gia như Singapore, ngoài lao động công ích, người vi phạm còn bị phạt đánh roi nữa. Các hình phạt lao động công ích rất phong phú, có thể là đi dọn vệ sinh công cộng (quét đường phố; nhổ cỏ, tưới cây, nhặt rác ở công viên), nạo vét kênh mương, chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện..., trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.

 

Người bị phạt lao động công ích luôn đặt dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng (bây giờ có thêm hệ thống camera) và thường xuyên thu hút sự “dòm ngó” của rất nhiều người hiếu kỳ. Khi lao động công ích giữa thanh thiên bạch nhật, người vi phạm (nhất là những người nổi tiếng, có vị thế trong xã hội) sẽ cảm thấy xấu hổ vì hành động sai trái của mình đang được nhiều người biết. Vì thế, sẽ có nhận thức đúng đắn hơn, biết lái xe sao cho an toàn để không tái phạm lỗi lầm trong tương lai nữa.

 

Tìm hiểu mới hay, trong các nước, có lẽ Thái Lan là quốc gia có hình phạt lao động công ích mang tính “khủng bố” nhất. Theo Báo Tuổi Trẻ, từ năm 2016, Quốc hội Thái Lan thông qua biện pháp “những người dân nào thường xuyên vi phạm luật giao thông hoặc lái xe khi say rượu sẽ được làm việc trong nhà xác các bệnh viện, chăm sóc các nạn nhân nhập viện vì tai nạn giao thông”.

 

Báo dẫn lời một quan chức Sở Y tế công Thái Lan “Người vi phạm nên tận mắt nhìn thấy những tổn hại về tinh thần lẫn thể xác (từ tai nạn giao thông). Trong nhà xác, họ phải vệ sinh và di chuyển các thi thể. Hy vọng điều này sẽ giúp họ hiểu được nỗi đau, có ý thức tốt hơn để lái xe an toàn hơn” cho thấy tính răn đe và hiệu quả mạnh mẽ của biện pháp “khủng bố” này!

 

Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới, rất cần các biện pháp quyết liệt và triển khai đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở trong cả nước. Với tác dụng thiết thực như đã nêu, hình phạt lao động công ích nên được quy định trong Bộ luật Hình sự.

 

Nếu được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản liên quan như người vi phạm sẽ lao động công ích ở đâu, trong thời gian bao nhiêu, cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện hình thức xử phạt… thì cách phạt này chắc chắn sẽ góp phần hạn chế, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông do lái xe say xỉn vì uống rượu, bia gây ra. Đây là vấn đề mới mẻ nhưng nếu có những cách làm thích hợp thì sẽ thành công.

 

Còn nhớ trước đây, khi Chính phủ quy định cấm đốt pháo hay buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không ít ý kiến cho rằng rất khó khả thi, thậm chí phản đối rất mạnh mẽ. Nhưng thực tế cho thấy, đến nay, nhờ sự giám sát, quản lý, xử lý kiên quyết, nghiêm minh, không “đánh trống bỏ dùi” của các cơ quan chức năng và các địa phương, hai việc này đã được nhân dân cả nước thực hiện khá tốt, góp phần bảo đảm cuộc sống an toàn hơn cho cộng đồng dân cư.

 

Theo thông tin của Báo An ninh thủ đô, tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, số vụ vi phạm an toàn giao thông đã giảm đến 90% kể từ khi nhà chức trách triển khai hình phạt lao động công ích vào tháng 3/2017. Vì thế, phạt lao động công ích đối với người uống rượu, bia khi lái xe cần sớm được bổ sung vào luật để triển khai thực hiện.

 

ĐỖ NHẬT VŨ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp