Kết hôn là việc trọng đại của đời người. Vì vậy, việc tổ chức lễ cưới như thế nào để thật vui, thật trang trọng, làm kỷ niệm để đời là điều mà các đôi uyên ương và gia đình hai bên đều hết sức quan tâm.
Tuy nhiên, khác với trước kia, đám cưới nào cũng có tiệc trà; còn hiện nay, kể cả vùng nông thôn lẫn thành thị, tiệc trà hầu như không còn mà tập trung cho tiệc mặn là chính. Mặt khác, vì lượng khách mời đông, có khi cả ngàn người nên để đỡ vất vả, nhiều người chọn cách đãi tiệc tại nhà hàng hoặc dựng rạp và thuê dịch vụ trọn gói để tổ chức.
Hơn nửa đời người, được dự khá nhiều đám cưới ở nhiều vùng miền khác nhau, tôi nhận thấy rằng có nhiều đám việc tổ chức ǎn uống hết sức gọn nhẹ nhưng đầm ấm và không kém phần sang trọng. Những người dự tiệc chuyện trò với nhau thân mật, cùng cụng ly chúc mừng hạnh phúc cô dâu chú rể trong không khí hết sức vui vẻ, tình cảm và lịch sự. Song cũng có không ít đám cưới tổ chức rất linh đình, khách mời lên đến cả ngàn nhưng người ngồi chung bàn ít biết nhau hoặc không ai biết ai, âm thanh thì chát chúa… nên kém vui.
Điều dễ thấy là trong các tiệc cưới “hiện đại” có sự trùng lắp, rập khuôn về hình thức tổ chức, với một kịch bản theo kiểu “thay tên đổi họ” rất nhàm chán. Mở đầu tiệc cưới (mà bao giờ khách mời cũng phải chờ khoảng 1 tiếng đồng hồ nếu đến đúng giờ theo thiệp mời), sau phần kính thưa, kính chào của người dẫn chương trình (MC) mà hầu như lúc nào cũng bắt đầu bằng từ “vâng” là tiết mục múa của một vũ đoàn hay một nhóm múa nào đó. (Ở phần này nhà hàng thường sử dụng những bài hát Việt nhưng cũng có nơi sử dụng nhạc nước ngoài để làm nền).
Tiếp đến, cô dâu chú rể và cha mẹ đôi bên (hoặc ngược lại) lần lượt được MC mời lên sân khấu để ra mắt họ hàng, quan khách và tiến hành hàng loạt các nghi thức cắt bánh, rót rượu, dâng rượu… kèm theo những lời thơ như: … (Vâng!) Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha/ Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha/ Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn/ Mang cả thân gầy cha che chở đời con. Hay: Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh đem gạch Bát Tràng về xây/ Xây dọc rồi lại xây ngang/ Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân… Những lời thơ này thật dễ thương nhưng nếu đám cưới của cặp đôi nào cũng dùng đến thì sẽ thật nhàm chán.
Điều đáng nói là với người Việt chúng ta, chuyện phòng the riêng tư giữa nam nữ, vợ chồng không nên để cho người khác thấy, càng không thể thể hiện ở nơi đông người. Thế nhưng, không ít MC có “sáng kiến” mời cô dâu chú rể “trao nhau nụ hôn nồng cháy” ngay trên sân khấu. Điều này thật không hợp với văn hóa Việt chút nào.
Một điều cần trao đổi nữa là trước khi mời dùng tiệc, MC đều mời mọi người rót đầy ly bia/rượu và đếm “1, 2, 3 zôôôôôô!”. Cách mời bia/rượu này không phù hợp với một đám cưới được tổ chức nghiêm túc, trong đó có người dự ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Có chăng nó chỉ phù hợp với một nhóm bạn nhậu gồm những bạn trẻ cùng trang lứa.
Ở phần văn nghệ góp vui, trong lúc cô dâu chú rể và cha mẹ đôi bên đến từng bàn để cụng ly, chụp hình với quan khách, chỉ có một số ít tiệc cưới sử dụng nhạc không lời (ban nhạc chơi trực tiếp hoặc mở băng, đĩa) với âm thanh vừa phải, rất sang trọng, còn hầu hết đều hát nhạc sống với công suất hết cỡ và người hát như tra tấn người nghe, thiếu sự đồng cảm với nhau.
Lại nói về MC, là người dẫn chương trình, song không phải MC nào cũng có chuyên môn, năng khiếu, được đào tạo bài bản. Nhiều MC bất đắc dĩ hoặc MC nửa mùa, nói ngọng, nói đớt, phát âm không chuẩn nhưng lúc nào cũng “lên gân”, “gồng mình”, nói như thét vào tai người nghe. Vâng! xin mời ví quỵ (quý vị) cùng thưởng thức ca khúc thật sôi động: Đám cưới trên đường vơ (quê) do ca sĩ… trình bày. Có MC đã phát âm như thế.
Ngoài ra ở phần trang trí sân khấu, thay vì “Tiệc mừng lễ thành hôn” thì thường bị lược bớt thành “Lễ thành hôn”, trong khi nghi lễ này đã hoặc sẽ được tiến hành tại gia đình đôi bên. Nhiều người cho rằng, lâu lâu dự một đám cưới thì… ráng chịu, cố gắng ngồi đến cuối được. Còn nếu một tuần mà dự vài ba đám, nhất là cùng một nhà hàng, cùng một MC thì đúng là… như bị tra tấn.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tổ chức tiệc cưới quy mô lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào điều kiện, mối quan hệ của từng gia đình, song điều cốt lõi nhất là vui vẻ, trang trọng và giữ được nét đẹp truyền thống. Mong rằng các nhà tổ chức tiệc cưới lưu tâm, làm thế nào để có một kịch bản linh hoạt, nhẹ nhàng, trang trọng, phù hợp với văn hóa Việt.
LƯƠNG NGỌC PHÚ
(phường 7, TP Tuy Hòa)