Hát giữa biển khơi, hát cùng lính đảo Trường Sa

Thứ sáu - 04/06/2021 21:57
Chuyến đi thăm Trường Sa năm ấy của tôi đến nay cũng đã gần 5 năm. Một khoảng lặng thời gian đủ để những kỷ niệm lưu lại và ùa về trong ký ức, để khi mở ra, nó vẫn nóng bỏng, bồi hồi.

Chuyến đi thăm Trường Sa năm ấy của tôi đến nay cũng đã gần 5 năm. Một khoảng lặng thời gian đủ để những kỷ niệm lưu lại và ùa về trong ký ức, để khi mở ra, nó vẫn nóng bỏng, bồi hồi. Tiếng hát giữa biển khơi, lính đảo hát và hát cùng lính đảo trở nên trong trẻo, bay bổng. Có gì tuyệt vời hơn khi đứng giữa Trường Sa, cất lên từ trái tim những lời hát về biển đảo, Tổ quốc biên cương…

 

Trường Sa bao la biển trời, những điểm đảo, cụm đảo chìm, đảo nổi như những điểm xuyết trên bức tranh đại dương mênh mông. Đặt chân lên các đảo là đến với một thế giới vô cùng phong phú, xanh tươi; một cuộc sống tràn đầy sức sống như những cây phong ba, bão táp; một cuộc sống tràn ngập niềm tin yêu với Tổ quốc biên cương, phên dậu của đất mẹ thiêng liêng.

 

Tiếng hát yêu đời

 

Hát trong liên hoan văn nghệ, hát trong sinh nhật đồng đội, hát sau giờ thao trường…, với bộ đội Trường Sa, tiếng hát càng trở nên thân thương, ý nghĩa trong cuộc sống thường ngày giữa nơi mênh mông sóng gió. Đặc biệt, trong những dịp đón đoàn công tác từ đất liền, tiếng hát của các chiến sĩ Trường Sa, những cư dân của đảo, những người con từ đất liền lại cất lên hòa nhịp cùng nhau, trong dàn nhạc thiên nhiên sóng biển lúc rì rào, khi dào dạt.

 

Đoàn công tác của chúng tôi ra Trường Sa trong dịp giáp Tết Nguyên đán. Đây cũng là chuyến đi thăm chúc Tết của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đến cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo, chuyến đi mang quà Tết từ đất liền ra đảo xa và cũng là chuyến đi thăm, chung vui cùng lính đảo đón Tết sớm.

 

Và dĩ nhiên trong các chương trình đón mừng năm mới, mùa xuân mới đang về trên biển đảo quê hương không thể thiếu những chương trình văn nghệ, đầy ắp cảm xúc và tiếng cười vui. Điểm đảo nào cũng tổ chức giao lưu văn nghệ đón mừng năm mới giữa bộ đội với đoàn công tác. Ngay cả với những đảo chìm, lính đảo vẫn tổ chức giao lưu văn nghệ.

 

Ấn tượng nhất trong chuyến đi năm ấy là chương trình văn nghệ ở các đảo Sơn Ca, chương trình được tổ chức ở Công viên tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn, sân khấu ngoài trời được bố trí ở ngay trung tâm đảo.

 

“…Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua/ Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền/ Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi…” (Nơi đảo xa - nhạc sĩ Thế Song). Tiếng hát của các chiến sĩ đảo Sơn Ca cất lên trầm hùng nhưng cũng đầy lãng mạn về đời lính đảo với biển khơi đầy phong ba.

 

Để rồi sau đó, một tiết mục khác lại nhẹ nhàng trong nỗi nhớ nhung, tình cảm giữa đất liền với Trường Sa qua những cánh thư, những hình ảnh gần gũi thân thương với những rạn san hô, cánh hải âu biểu tượng của biển. “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương vẫn có loài chim biển/ Sóng vỗ ngàn trùng quanh đảo trúc san hô…” (Gần lắm Trường Sa - Hình Phước Long).

 

“Tuổi 20 chưa từng hò hẹn/ Trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi…” là tâm sự của những chàng lính trẻ ngày đầu nơi đảo xa trong ca khúc Bâng khuâng Trường Sa (nhạc Lê Đức Hùng, phổ thơ Nguyễn Thế Kỷ). Và đây nữa, bùng lên cảm xúc mạnh mẽ, trầm hùng từ những giọng ca chiến sĩ đảo Nam Yết, với bài hát Tổ quốc gọi tên mình (nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai). “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Bão tố dập dồn, giăng lưới bủa vây… Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau…”.

 

Trong chuyến công tác năm ấy, tôi được vinh dự mang món quà tinh thần đặc biệt của nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên với bộ CD 10 ca khúc “Thương lắm Trường Sa” tặng các đảo. “Tiến quân ca vang lên từ biển/ Từ nhà giàn át bão tố phong ba/ Mỗi người lính là một pháo đài cột mốc/ Dáng Thiên vương Phù Đổng giữa sơn hà…/ Lính nhà giàn đang hát Quốc ca/ Hồn đất nước chập chùng trên cánh sóng/ Nhà giàn nghiêng chúng tôi đứng thẳng/ Vẫn trang nghiêm màu đỏ lá quốc kỳ…” (Lính nhà giàn hát Quốc ca).

 

Ai một lần đến Trường Sa, dù hát hay, hát chưa hay, chưa thuộc lời cũng đều hòa giọng ca cho sóng biển dạt dào, cùng hát lên từ trái tim, tận đáy lòng của những công dân nước Việt để khẳng định chủ quyền và ngợi ca những người lính biển!

 

Lễ chào cờ và hát Quốc ca ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Thiêng liêng hát Quốc ca ở Trường Sa

 

Chính tinh thần dân tộc, tự hào biên cương Tổ quốc, mỗi người con đất Việt càng thấy vinh dự, trách nhiệm khi được Tổ quốc gọi tên, cả dân tộc đứng lên để đổi lấy hòa bình, độc lập. “Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông”. Và tinh thần dân tộc kiên cường bất khuất ấy qua thời gian, trước mọi kẻ thù với ý đồ lăm le bờ cõi, biên cương, một lần nữa như ngọn đuốc cháy sáng rực lửa, những ngọn đuốc yêu chuộng hòa bình. “Biết bao triệu người thao thức tiếng Việt Nam/ Biết bao triệu người lấy thân mình che chở…” - tất cả vì hai chữ Tổ quốc linh liêng.

 

Thế nên, trong lễ chào cờ, việc hát Quốc ca ở Trường Sa với cán bộ, chiến sĩ khiến chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Cũng lời bài Quốc ca hào hùng, cũng màu cờ thắm máu đào, khi được hát ở Trường Sa luôn gợi lên cảm xúc mãnh liệt, xúc động trong từng nhịp đập của trái tim, từng hơi thở. “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Lá cờ Tổ quốc bay lồng lộng trên cột mốc chủ quyền đã tiếp thêm cho những người lính đảo Trường Sa lòng dũng cảm và tình yêu Tổ quốc Việt Nam, che chở cho họ nơi đầu sóng ngọn gió.

 

Quốc ca vang lên như truyền lửa từ những người lính, người dân trên đảo sang những người vừa từ đất liền ra. Như cảm nhận của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn trong nhịp hành khúc: “Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa/ Mới thấy thiêng liêng tận đáy tim ta/ Cờ Tổ quốc tung bay giữa nước non trời mây/ Là ngọn sóng trong ta đang vỗ về đảo xa…”

 

Trong lễ chào cờ, việc hát Quốc ca ở Trường Sa với cán bộ, chiến sĩ khiến chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Cũng lời bài Quốc ca hào hùng, cũng màu cờ thắm máu đào, khi được hát ở Trường Sa luôn gợi lên cảm xúc mãnh liệt, xúc động trong từng nhịp đập của trái tim, từng hơi thở.

 

Ai một lần đến Trường Sa, dù hát hay, hát chưa hay, chưa thuộc lời cũng đều hòa giọng ca cho sóng biển dạt dào, cùng hát lên từ trái tim, tận đáy lòng của những công dân nước Việt để khẳng định chủ quyền và ngợi ca những người lính biển!

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp