Những vị khách đặc biệt của đoàn tàu Không số

Thứ bảy - 07/08/2021 00:18
Trong 14 năm (1961-1975) vượt qua muôn vàn hiểm nguy trên đường Hồ Chí Minh trên biển, ngoài chở 150.000 tấn vũ khí, đoàn tàu Không số còn vận chuyển 80.000 lượt người từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam

Trong 14 năm (1961-1975) vượt qua muôn vàn hiểm nguy trên đường Hồ Chí Minh trên biển, ngoài chở 150.000 tấn vũ khí, đoàn tàu Không số còn vận chuyển 80.000 lượt người từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong đó có những vị khách rất đặc biệt, là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cán bộ cao cấp quân đội.

 

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng vào Nam trên con tàu Không số mang số hiệu 676 vào ngày 13/7/1975, sau khi hai miền Nam - Bắc vừa mới thống nhất. Thủ tướng đi thăm và kiểm tra thềm lục địa vùng biển Vũng Tàu và các đảo phía Nam. Trước đó, các đồng chí: Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh và nhiều đồng chí khác cũng đã vào Nam ra Bắc trên những con tàu Không số trong thời gian biển Đông bị tàu chiến, máy bay Mỹ và hải quân Sài Gòn phong tỏa kiểm soát gắt gao.

 

Một trong những chiếc tàu Không số hiện còn lưu giữ tại Hải Phòng. Ảnh: XUÂN HIẾU (chụp lại)

 

Vị khách “thương gia”

 

Tháng 9/1973, Đoàn 125 Hải quân và Đoàn 371 Quân khu 9 nhận nhiệm vụ đưa đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), lúc này là Bí thư Khu ủy - Chính ủy Quân khu 9 đang ở miền Bắc vào lại miền Nam truyền đạt nghị quyết của Bộ Chính trị cho Trung ương Cục miền Nam, kịp thời chỉ đạo cuộc đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam, sau khi Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.

 

Theo kế hoạch, tàu của Đoàn 125 Hải quân đưa đồng chí Võ Văn Kiệt từ Hải Phòng sang trú đậu ở một cảng phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) gặp tàu cá 1277 KG của Đoàn 371 do đồng chí Thôi Văn Nam làm thuyền trưởng, Nguyễn Sơn làm thuyền phó (Nam và Sơn đều là cán bộ của Đoàn 125 được chuyển về Đoàn 371). Để hợp pháp, đồng chí Võ Văn Kiệt đóng vai một thương gia của công ty Ngũ Long (miền Nam) có đầy đủ giấy tờ căn cước do chính quyền Sài Gòn cấp.

 

Trung tuần tháng 9, gió mùa đông bắc thổi mạnh trên biển Đông. Hai tàu chia tay nhau trong một buổi tiễn đưa đầy cảm động. Chiếc thuyền gỗ chở 10 tấn hàng và một “thương gia” là đảng viên Cộng sản ưu tú biến vào màn đêm lặng lẽ xuôi về Nam. Chuyến đi luôn được sự theo dõi của các phương tiện thông tin ngầm và hệ thống tình báo của ta.

 

Sau hai ngày vượt sóng to gió lớn, chiếc thuyền cá tới ngang vùng biển Cam Ranh thì bị phá nước. Trước tình hình đó, thuyền trưởng Nam hội ý và quyết định cho tàu ghé vào Cà Ná để sửa chữa. Tình hình căng thẳng, làm sao bảo vệ đồng chí Sáu Dân qua trăm ngàn con mắt xoi mói của bọn đặc vụ chỉ điểm trong thời gian dừng lại sửa chữa?! Cũng may, cơ sở này có đông công nhân và thợ lành nghề nên công việc sửa chữa tiến hành rất nhanh.

 

Thuyền hành trình về Nam phải qua trạm kiểm soát Vũng Tàu. Dừng lại trước trạm kiểm soát, thuyền trưởng Thôi Văn Nam bước nhanh về trạm trình giấy. Để được nhanh chóng, Nam kẹp xấp giấy bạc 10.000 đồng và một xâu mực khô cùng chai rượu đã chuẩn bị sẵn biếu “các nhà chức trách” nhậu lai rai. Trạm trưởng Trạm kiểm soát Vũng Tàu ký tên đóng dấu và nhoẻn miệng cười rồi giục Nam cho tàu “về bến sớm kẻo cá ươn”.

 

Trưa hôm sau, tàu 1277 KG chở “thương gia” Sáu Dân về đến Vàm Hố (Cà Mau) trong niềm vui mừng chào đón của cán bộ chiến sĩ ở bến.

 

Tư lệnh Quân khu vào vai “tổng khậu”

 

Hai tháng sau, tháng 11/1973, Đoàn 371 nhận nhiệm vụ đưa đồng chí Lê Đức Anh (Sáu Nam) lúc này là Tư lệnh Khu 9 từ Cà Mau ra Hà Nội báo cáo tình hình với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.

 

Chuyến đi này, Đoàn 371 chuẩn bị hai thuyền để hỗ trợ nhau. Thuyền chỉ huy chở đồng chí Lê Đức Anh, do đồng chí Thôi Văn Nam làm thuyền trưởng. Để che mắt địch, đồng chí Lê Đức Anh đóng vai “tổng khậu”, nghĩa là người nấu ăn trên tàu; đồng chí Tư Mau (tên thật là Phan Văn Nhờ, người Cà Mau, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, mưu trí, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm đi biển, cũng là “linh hồn” của Đoàn 371) đóng vai chủ tàu.

 

Mọi công tác được chuẩn bị và kiểm tra chu đáo, từ dầu, nước, lương thực đến giấy tờ căn cước.

 

Đêm 25/11, thuyền thứ nhất xuất phát từ bến Vàm Hố (Cà Mau). Hành trình được nửa ngày thì vỏ thuyền bị rò, nước tràn vào, máy hút khô không kịp nên thuyền phải vào Trà Vinh khắc phục sự cố. Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, thuyền thứ hai do đồng chí Nguyễn Sơn làm thuyền trưởng đuổi kịp. Để khỏi lỡ công việc, Tư Mau quyết định chuyển toàn bộ thủy thủ từ thuyền thứ nhất qua thuyền thứ hai. Đi được hai ngày thì thuyền thứ hai của Nguyễn Sơn cũng bị rò nước nên đêm 27/11 phải ghé vào bến Đá (Vũng Tàu) để sửa chữa.

 

Lần này phải sửa chữa mất nhiều ngày. Lòng “chủ tàu” Tư Mau nóng như lửa đốt. Vũng Tàu là bãi tắm nghỉ mát lớn, nơi tập trung nhiều thành phần phức tạp, từ sĩ quan cao cấp quân đội Mỹ, các thương gia giàu có cho đến người lao động bình thường. Ở đây cũng tập trung nhiều loại mật thám chỉ điểm. Sợ nhất vẫn là gặp người thân và những tên từ trong hàng ngũ của ta phản bội đầu thú.

 

Ba ngày sau, thuyền thứ hai sửa chữa xong. Tư Mau quyết định toàn bộ thủy thủ thuyền thứ nhất cùng một ít thuyền viên thuyền thứ hai ở lại. Đồng chí Lê Đức Anh và Tư Mau qua thuyền thứ hai tiếp tục hành trình. Ngày 1/12/1973, thuyền thứ hai rời Vũng Tàu hướng về Bắc.

 

Ngày hôm sau một sự cố khác lại ập đến. Không phải thuyền bị phá nước hoặc hỏng máy móc mà là sự phản bội của tên Nguyễn Văn Rớt, người của Đoàn 371 đã khai toàn bộ hoạt động của ta. Địch lùng bắt được Thôi Văn Nam thuyền trưởng và một số thủy thủ của thuyền thứ nhất ở lại rồi triệt phá toàn bộ cơ sở của Tư Mau ở Vũng Tàu.

 

Địch tra tấn dã man và dùng nhiều hình thức dụ dỗ mua chuộc cố tìm cho được tung tích của Tư Mau. Để đánh lạc hướng, anh em đều khai rằng “thuyền của Tư Mau đi vào hướng biển Cà Mau”. Lập tức chúng huy động tàu thuyền giăng lưới quyết bắt cho bằng được Tư Mau.

 

Ít ngày sau, cơ quan tình báo của địch mới phát hiện ra thuyền của Nguyễn Sơn có chở Tư Mau và Lê Đức Anh rời Vũng Tàu hướng ra Bắc rồi. Vì vậy, chúng càng lồng lộn, tức tối tra tấn đánh đập anh em ta rất dã man. Tư lệnh Hải quân Mỹ ra lệnh hải quân miền Trung và Bắc phong tỏa vùng biển cố tìm bắt cho được thuyền của Nguyễn Sơn và Tư Mau. Nhưng mọi cố gắng của chúng đều vô ích, bởi thuyền của Nguyễn Sơn chở đồng chí Lê Đức Anh đã đến điểm đón của tàu Đoàn 125 Hải quân đưa về Hà Nội.

  

Trong 14 năm hoạt động (1961-1975), đoàn tàu Không số còn thực hiện nhiều chuyến đi với sứ mệnh đặc biệt khác. Trong đó, Tàu 69 do Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng chở Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Đức Anh vào Nam ngày 29/3/1964. Tàu 67 do Đặng Thái Nguyên làm thuyền trưởng chở đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên (sau này là thượng tướng, Thứ trưởng thường trực Bộ Quốc phòng) vào Nam ngày 28/11/1964. Tàu 69 do Nguyễn Hữu Phước làm thuyền trưởng chở đồng chí Hoàng Thế Thiện (sau này là thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) vào Nam ngày 19/12/1964. Tàu 55 do Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng chở đồng chí Bùi Phùng (sau này là thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và Ung Răng (trí thức Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám, sau này là đại tá, Hiệu trưởng (đầu tiên) Trường Sĩ quan Công binh) vào Nam ngày 2/11/1965. Tàu 69 do Nguyễn Hữu Phước làm thuyền trưởng chở bác sĩ quân y Nguyễn Thiện Thành (thân phụ đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), đồng chí Hoàng Thế Thiện, đồng chí Xuyên Khung (sau này là đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân) và bà Nguyễn Thụy Nga (Bảy Vân - vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn)... Riêng Tàu 41 do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, trong ba lần vào cảng Vũng Rô đã chở tám đồng chí là Hồ Thanh Bình, Nguyễn Tiến Khuê, Phạm Văn Ẩn, Nguyễn Đình Long, Lê Đình Kiến, Nguyễn Bá Võ, Dương Văn Kính và Nguyễn Ngọc Cảnh trở về miền Nam chiến đấu.

 

HỒ ĐẮC THẠNH

Nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 đoàn tàu Không số

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp