Theo ông Huỳnh Cường, một lão ngư của làng biển Thôn 2, xã Xuân Hải, TX Sông Cầu, những ngư dân của làng biển nơi ông sinh ra và lớn lên đã đến mưu sinh, lập nghiệp dưới chân đèo Cù Mông này từ hàng trăm năm trước. Hàng ngày, người dân ra biển đánh bắt hải sản bằng những chiếc thúng chai, thuyền con rồi dần tạo dựng nên làng biển trù phú, đông đúc như ngày hôm nay.
Chúng tôi có mặt tại làng biển Thôn 2 (Xuân Hải) vào một ngày tháng tư nắng đẹp. Đứng ở lưng chừng con dốc từ núi Hòn Than nhìn xuống, làng biển đẹp như bức tranh thủy mặc, non nước hữu tình với hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ phấp phới cờ đỏ bay trong gió, bên bờ biển xanh thơ mộng.
Làng Thuyền thúng
Tầm 8 giờ sáng, làng chài Thôn 2 vẫn còn tất bật bởi hoạt động mua bán hải sản tạo nên bức tranh sống động giữa thiên nhiên và con người vùng biển. Là làng biển có số lượng thúng chai chiếm đa số nên nơi này còn có tên là làng Thuyền thúng. Còn ngư phủ chèo lắc thúng chai được mệnh danh là những “nghệ sĩ” cưỡi sóng. Ngoài ra, bãi biển ở đây còn sở hữu một loại cát vàng hạt to cực kỳ hiếm, không bị dính bẩn khi nằm lên cát.
Làng biển Thôn 2 hiện có hơn 1.000 hộ dân, với gần 5.000 người, chủ yếu đánh bắt gần bờ, từ 10 hải lý trở vào. Ngư dân nơi đây mưu sinh bằng nghề lưới mành, chuyên đánh bắt cá trích. Theo lão ngư Huỳnh Cường, hàng năm, cá trích thường xuất hiện từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng Giêng, ở vùng lộng gần bờ. Để đánh bắt loại cá này, ngư dân chỉ cần có chiếc thuyền thúng hoặc xuồng máy, ghe vỏ lườn và vài tấm lưới ba màng, lưới hai. Ngoài ra, ngư dân còn dùng lưới tôm, bóng mực, lưới ba màng, lưới cào để đánh bắt cá sòng, cá ngân; lưới một bắt cá phèn, cá hố, cá liệt… Khoảng chục năm trở lại đây, xuất hiện thêm một nghề mới, đó là nghề săn cá chuồn bay để cung cấp cho việc nuôi tôm hùm, cá lồng. Trong đó, mùa cá trích kéo dài từ tháng 9 đến tháng Giêng năm sau, là nguồn thu dồi dào mà người dân nơi đây được hưởng lợi từ biển cả. “Hàng ngày, cứ tầm 17 giờ 30, các tàu thuyền bắt đầu ra khơi giăng lưới, đánh bắt suốt cả đêm, đến 6 giờ sáng hôm sau trở về. Trước kia, đa số dân làng đi biển bằng thúng chai và thuyền nhỏ. Chục năm trở lại đây, kinh tế khá giả, nhiều người đóng được tàu lớn để ra biển xa, bắt cá lớn”, ông Cường chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Xuân Hải Đinh Văn Phong cho biết: Trên địa bàn xã Xuân Hải hiện có 306 phương tiện đánh bắt hải sản với tổng công suất 7.250CV, tập trung ở Thôn 2. Trong đó, 90CV trở lên 12 chiếc; 20-80CV 101 chiếc; dưới 20CV 190 chiếc. Có 9 tàu trang bị máy dò quét. Trong quý I vừa qua, bà con ngư dân Xuân Hải khai thác 1.650 tấn hải sản các loại, đạt 30% kế hoạch đề ra cả năm. Cùng với khai thác từ nguồn tự nhiên, bà con ngư dân còn thả nuôi tôm sú, tôm thẻ, cá mú… với diện tích 130ha. Hiện tại, các loại hải sản thả nuôi phát triển tốt; sản lượng hải sản đã thu hoạch 190/550 tấn, đạt 34,5% kế hoạch.
Biển Thôn 2, Xuân Hải nhìn từ Hòn Than. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Thủy chung bám biển
Theo nhiều người dân địa phương, từ khi Nhà nước có chủ trương làm quốc lộ 1D nối TP Quy Nhơn (Bình Định) với TX Sông Cầu đã làm bật dậy làng Thuyền thúng này nói riêng, xã Xuân Hải nói chung. Nhờ sắm được tàu thuyền công suất lớn, vươn ra khơi xa hơn nên nhiều gia đình không những xây được nhà cao cửa rộng mà còn cho con ăn học đến nơi đến chốn. “Ngày xưa, bọn tôi chỉ có học hết lớp 3 là cố lắm! Giờ con em trong làng này đều được đi học, đứa thấp nhất cũng hết lớp 9 hoặc 12. Nhiều đứa đã tốt nghiệp đại học”, ông Hồ Văn Thìn, một lão ngư của làng biển này cho biết. Còn ông Nguyễn Thu, người đã từng đi nhiều nước trên thế giới như Ý, Áo, Đức, Pháp tự hào nói về làng chài Thôn 2 của mình: “Làng biển chúng tôi rất may mắn sở hữu một món quà vô giá mà tạo hóa ban cho, không có tiền bạc nào có thể đánh đổi được cả. Dù đi đâu, tôi vẫn cứ muốn quay về đây để chiều chiều được nghe tiếng sóng vỗ vào gành đá; sáng sớm được tắm ánh bình minh. Rồi được nghe tiếng dân làng rôm rả kéo thúng chai buông khơi, đắm đuối nhìn lũ trẻ con chạy nhảy, nô đùa bên chân sóng…”.
Tuy nhiên, người dân làng biển này vẫn còn những mối lo. Đó là, làng biển dẫu có lợi thế về du lịch nhưng thiếu đầu tư nên chưa khai thác được nhiều. Hàng năm vào dịp rằm tháng 6 âm lịch, người dân Xuân Hải tổ chức lễ hội Cầu ngư, cầu Ông Nam Hải để mong mùa màng bội thu, sóng êm gió lặng. Hoạt động văn hóa truyền thống này thu hút rất đông du khách đến du lịch và tham quan nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Đặc biệt, 10 năm trở lại đây, biển gần bờ bị nạn “giã cào bay” hoành hành. Chúng tàn sát các loại cá, tôm từ bé đến lớn, phá hỏng cả ngư cụ gây tổn thất cho người dân nơi đây. Ông Thìn dẫn chứng: “Ngư trường Sông Cầu là vùng nuôi trồng thủy sản lớn. Đây là vùng cấm hoạt động của các tàu công suất lớn. Thế nhưng, phương tiện giã cào đôi ở các nơi vẫn đến địa bàn, lén lút cào, khiến vùng nuôi ô nhiễm, tôm hùm không sống được”. Sau khi nghe dân báo cáo, bộ đội biên phòng đã phối hợp với lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Sông Cầu tổ chức nhiều đợt truy quét, xử phạt những trường hợp vi phạm. Nhờ vậy, hiện tượng “giã cào bay” đã giảm rõ.
Thời tiết diễn biến bất thường cũng là nỗi lo của người dân nơi đầu sóng ngọn gió này. Ngày 18/12 năm ngoái, bão số 9 tràn vào, người dân làng chài này phải vất vả cùng hỗ trợ nhau mới kịp đưa hơn 300 chiếc thuyền thúng lên bờ tránh bão an toàn. Hay mới đây, giông lốc xuất hiện bất thường giữa tháng ba, làm cho một số tàu thuyền hư hỏng, khiến tâm trạng của nhiều ngư dân bất an. Và còn một mối lo khác, đó là rác thải. Nếu không sớm có giải pháp làm sạch thì rác thải sẽ tiếp tục bủa vây, gây ô nhiễm vùng biển xinh đẹp, thơ mộng này.
Đặc biệt, thời gian gần đây, sau giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, giá nhiên liệu liên tục tăng, chi phí chuyến biển của ngư dân cũng tăng theo, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Thế nhưng, bà con ngư dân Xuân Hải vẫn động viên nhau, khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường. “Dầu diesel đã hơn 26.000 đồng/lít. Giá dầu cao, nhưng sản lượng đánh bắt và giá hải sản cũng đạt nên mỗi chuyến biển ngư dân vẫn có thu nhập. Vậy nên, mặc cho bão tố, triều cường uy hiếp làng chài mỗi năm, hay giá nhiên liệu có tăng thêm đôi chút, vì kế mưu sinh và tình yêu với biển, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Thôn 2, Xuân Hải vẫn bám bờ, sẵn sàng vươn khơi giữ vững ngư trường, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, chia sẻ.
“Mặc cho bão tố, triều cường uy hiếp làng chài mỗi năm, hay giá nhiên liệu có tăng thêm đôi chút, vì kế mưu sinh và tình yêu với biển, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Thôn 2, Xuân Hải vẫn bám bờ, sẵn sàng vươn khơi giữ vững ngư trường, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải Nguyễn Xuân Bình |
LẠC HỒNG