Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 682 - Vùng 4 Hải quân còn chú trọng và thực hiện tốt công tác dân vận, đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa bàn đơn vị đóng quân.
Giúp dân bằng những việc làm thiết thực
Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, tuy đã bước qua tuổi xưa nay hiếm từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên bà Đoàn Thị Điệp ở khu phố 1, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa được đón tết cổ truyền trong ngôi nhà khang trang. Ở tầng trệt của ngôi nhà mới có diện tích đất xây dựng 80m2, tấm bằng Tổ quốc ghi công của em chồng bà cùng với di ảnh của hai người đã khuất được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Trong niềm vui như chưa bao giờ vui hơn, bà Điệp tâm sự: Em trai của chồng tôi là liệt sĩ Võ Tâm, hy sinh năm 1961 ở chiến trường Tây Nguyên khi đang là Trung đội trưởng Trinh sát của Sư đoàn 324, lúc đang còn độc thân. Chồng tôi là Võ Bảo, nguyên Chính trị viên Tàu 42 Đoàn tàu Không số, đã qua đời. Tôi là người thờ cúng duy nhất của liệt sĩ Võ Tâm. Từ khi đất nước thống nhất đến nay, mặc dù làm lụng vất vả, chắt chiu từng đồng nhưng vẫn không đủ tiền để xây ngôi nhà cho đàng hoàng, có nơi thờ cúng liệt sĩ trang nghiêm. Được CBCS Lữ đoàn 682 Hải quân hỗ trợ ngày công và 80 triệu đồng từ nguồn Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu; Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển hỗ trợ 10 triệu đồng, tôi mới có được ngôi nhà khang trang như thế này.
Đây không phải là lần đầu tiên Lữ đoàn 682 làm cầu nối, hỗ trợ kinh phí xây nhà Tình nghĩa cho gia đình chính sách, hộ nghèo ở địa bàn đơn vị đứng chân. Trước đó, đơn vị cũng đã đề xuất Quân chủng Hải quân hỗ trợ kinh phí 140 triệu đồng xây dựng 2 nhà Tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ Đỗ Văn Long và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Miều cùng ở thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Hàng năm vào dịp chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc, lãnh đạo và CBCS của lữ đoàn đều tổ chức chương trình Tết vì người nghèo, thăm tặng hàng trăm suất quà cho đồng bào nghèo và gia đình chính sách ở xã miền núi đặc biệt khó khăn Ea Lâm, huyện Sông Hinh.
Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Trần Minh Khai cho biết: Là xã miền núi với 95% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số: Ê Ðê, Tày, Nùng…, đời sống của người dân Ea Lâm còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 27%. Thời gian qua, CBCS Lữ đoàn 682 đã giúp đỡ địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, như tặng hơn 2 tấn gạo ăn tiết kiệm mỗi ngày cho các hộ nghèo, gia đình chính sách; tặng sách, vở, bút, mực trị giá hàng chục triệu đồng cho các em học sinh Trường tiểu học và THCS Ea Lâm. Mới đây, trong chương trình Tết vì người nghèo năm 2023, thượng tá Trần Quang Trung, Phó Chính ủy Lữ đoàn 682 cùng CBCS của đơn vị đã đến thăm, chúc tết Đảng ủy, UBND xã và tặng quà 10 gia đình chính sách, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng; hỗ trợ 750kg gạo cho 30 hộ nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động thường niên của Lữ đoàn 682 thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân và giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vui xuân đón tết ấm áp, vui tươi.
Còn ông Huỳnh Văn Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Kiến 1, cho biết trong 2 ngày 9 và 10/1, mưa dầm làm cho đập Lỗ Ân (xã An Phú, TP Tuy Hòa) bị quá tải, nước tống xuống tràn xóm Lẫm, ngập trắng cánh đồng Thượng Phú. Hơn 80ha lúa của cánh đồng này bà con nông dân vừa mới sạ và hơn 150ha của cánh đồng Phú Vang liền kề cũng có nguy cơ bị ngập úng, mất trắng. Theo yêu cầu của người dân địa phương, Lữ đoàn 682 đã huy động hàng chục CBCS, dùng bao chứa cát đắp bờ tràn, dẫn nước đi theo mương rút, giúp dân cứu sống hàng trăm hecta lúa thoát khỏi ngập úng. “Hay năm trước, mưa to gió lớn, làm cho những ruộng lúa đang trĩu hạt của người dân trên cánh đồng này bị ngập, CBCS Lữ đoàn 682 cũng đã kịp thời giúp dân gặt lúa chạy lũ”, ông Xuân cho biết thêm.
An Thọ và An Xuân là 2 xã của huyện Tuy An thường bị khan hiếm nước ngọt, đặc biệt vào mùa khô. Mùa hè năm 2019, trên địa bàn 2 xã này hầu như không có trận mưa nào nên người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nắm được tình hình, Lữ đoàn 682 đã chủ động phối hợp với Ban CHQS huyện Tuy An, dùng xe chở nước chuyên dùng của đơn vị chở nước ngọt tiếp ứng kịp thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cấp thiết của người dân nơi đây.
CBCS Lữ đoàn 682 giúp dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) chống ngập úng ở cánh đồng Thượng Phú. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Cùng ngư dân vươn khơi bám biển
Đại tá Phạm Văn Kết, Chính ủy Lữ đoàn 682 chia sẻ: “Vinh dự, tự hào khi đơn vị được đóng quân trên địa bàn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà hình ảnh anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Kim Vang là biểu tượng. Từ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nhận thức trách nhiệm cao cả, tập trung xây dựng lực lượng vững vàng về chính trị, tư tưởng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ cách mạng và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Cùng với thường xuyên chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức huấn luyện kỹ thuật - chiến thuật, tạo thế chủ động thực thi nhiệm vụ chính trị bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hàng năm Lữ đoàn 682 đều phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”. Qua những lần tổ chức chương trình tại cảng cá Phú Lạc (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa); cảng cá Dân Phước (phường Xuân Thành, TX Sông Cầu); cảng cá Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), Lữ đoàn 682 và BĐBP tỉnh đã trao tặng hàng trăm suất quà, hàng ngàn lá cờ Tổ quốc, phao cứu sinh cho bà con ngư dân. Qua đó lồng ghép tuyên truyền về vai trò, vị trí của biển đảo Việt Nam; Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam; những quy định của pháp luật Việt Nam đối với tàu cá hoạt động trên các vùng biển; về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)… Đồng thời tổ chức dọn vệ sinh, thu gom rác thải, làm sạch bãi biển, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc An, Chủ tịch UBND phường Xuân Thành nhìn nhận: Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân vùng biển. Không chỉ tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, các chủ tàu cá và ngư dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong đánh bắt thủy, hải sản, chương trình này còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng cho Nhân dân địa phương. Đồng thời qua đó thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa bộ đội hải quân, Bộ đội Cụ Hồ với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương càng thắm thiết hơn.
LẠC VIỆT