Nơi vùng biển cực Đông Tổ quốc

Thứ năm - 07/03/2019 16:10
Đất trời đang ấm dần. Trên đồi cát, rừng mai thấp thoáng những cánh hoa nở sớm. Những người lính đoàn Trường Sa bắt đầu hành quân về phía cực Đông của Tổ quốc.
Nơi vùng biển cực Đông Tổ quốc

Đất trời đang ấm dần. Trên đồi cát, rừng mai thấp thoáng những cánh hoa nở sớm. Những người lính đoàn Trường Sa bắt đầu hành quân về phía cực Đông của Tổ quốc.

 

Theo dấu chân người lính

 

Tàu rời quân cảng vào buổi chiều. Dự báo, trên vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ, tuy không còn mưa bão dữ dội, nhưng thời tiết vẫn diễn biến thất thường. Gió đông bắc cấp năm, cấp sáu, giật cấp bảy.

 

Lần đầu đi biển, cánh lính trẻ rất háo hức. Mấy tháng huấn luyện ở bán đảo đã cho họ nước da chai sạm, dáng vóc chắc khỏe, không còn cái dáng vẻ thư sinh. Trường Sa, cái tên có sức cuốn hút, nơi ấy chúng tôi chỉ hình dung qua sách báo.

 

Được ra đảo nhận nhiệm vụ lần này, không chỉ thỏa ước muốn, mà còn là nơi để khẳng định bản lĩnh, chí nam nhi. Khi đất liền chỉ còn là cái chấm mờ, tàu bắt đầu lắc mạnh. Sóng biển cao từ hai đến ba mét đập mạnh vào hai bên mạn, nước văng tóe lênh láng lên mặt boong. Mọi thứ đều thấm nước mặn. Con tàu vẫn mải miết đi trong hải trình đã định sẵn, các kíp trực trên tàu thay phiên nhau làm việc cần mẫn.

 

Hàng mang ra các đảo lần này ngoài các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngày Tết, còn có heo, gà và những chậu cây cảnh. Những hoạt động của người lính trên tàu vẫn diễn ra nhịp nhàng. Lính tàu bận bịu khẩn trương tác nghiệp ở các vị trí. Lính đảo tất bật với việc bảo quản hàng hóa, chăm sóc đàn heo, gà và cây mang ra đảo.

 

Chúng tôi dành nhiều thời gian chăm sóc cho những cành mai, chậu quất. Hành trình đi dài ngày, cần phải che chắn nước mặn và dành cả khẩu phần nước ngọt cho cây. Ngoài ra, các anh còn phải lo nấu ăn và bữa ăn trên tàu luôn thú vị. Tôi quả quyết rằng, lính biển rất khéo chế biến các món. Chỉ với nắm lá chua rừng vò nát, vài ba con cá vừa câu sẽ có một nồi canh ngon tuyệt, chua cay đậm chất miền Trung.

 

Đêm. Biển thẳm sâu. Cánh lính trẻ ngồi tụm lại thành những nhóm nhỏ. Những câu chuyện về cái Tết ở quê nhà, kỷ niệm về những cô bạn học thời phổ thông kéo dài râm ran khó dứt. Dưới ánh đèn vàng chao lắc, tiếng guitar bập bùng và cái giọng khàn khàn của những chàng lính công binh.

 

Khẩu đội tôi có ba người. Tôi dân quê nhãn Hưng Yên, Cường dân đảo Bình Ba - Cam Ranh và Y Rem người buôn Trấp. Ba anh em huấn luyện cùng trung đội. Nhắc tới chàng trai đặc biệt của khẩu đội: Y Rem, người thấp đậm, chắc nịch như thân gỗ lũa, da nâu, mắt như có lửa, nụ cười sáng trên khuôn mặt đen sạm.

 

Buôn của anh nằm sát bờ sông Krông Ana, nổi tiếng với nghề dệt chiếu và say đắm lòng người với nhịp chiêng của những thiếu nữ bắp chân trần thon dẻo. Y Rem nói, ra đảo lần này sẽ chụp hình thật nhiều để về đất liền khoe với H’Miên, cô bạn gái đang học sư phạm ở Trường đại học Tây Nguyên.

 

Khi chúng tôi hỏi xoắn vào cô bạn gái, Y Rem cười hiền: Chỉ có vậy thôi. Chuyến ra đảo thay quân lần này, khẩu đội chúng tôi nhận nhiệm vụ ở đảo An Bang. Buổi tối ở trên tàu khó ngủ. Có lẽ một phần vì lạ giường lạ chiếu, một phần phải quen dần với không gian bó hẹp, chao lắc, tròng trành. Bên ngoài sóng vẫn dội đập, lẫn trong tiếng máy ầm ì đều đều.

 

Tôi bước ra ngoài khoang, bồi hồi da diết khi nhớ về em và cái làng Đìa nhỏ nhoi giữa vùng chiêm trũng bao quanh là khoai lang và lúa. Màu nhung đen huyền diệu của biển đêm bao bọc. Phía xa, thấp thoáng những ánh đèn câu cá mực của bà con ngư dân. Lòng chợt ấm. Đang là vụ cá Bắc, ánh đèn tựa như những đôi mắt biển lặng thầm thao thức.

 

Ngày. Bình minh trên biển hôm nay đẹp tuyệt vời. Mấy hôm trước mây đen còn vần vũ. Hôm nay trời quang, nắng đẹp. Tất cả ùa lên mặt boong mà ngắm nhìn cho thỏa. Đứng trên đài cao, phóng tầm mắt bao quát cả một vùng trời nước bao la.

 

Dưới chân sóng vẫn lớp lớp như những đàn ngựa bất kham. Tâm trạng chúng tôi lúc này cũng khó diễn tả. Nỗi nhớ quê nhà chưa vơi đan xen những cảm xúc mới lạ chợt ùa đến. Còi tàu hụ lên một hồi rền vang, tàu đã đi vào tọa độ nơi các anh ngã xuống.

 

Toàn bộ đội hình trên tàu đứng xếp hàng trang nghiêm trong nghi lễ tưởng niệm, thả hoa vòng xuống biển. Khói hương quện bay, ánh mắt rưng rưng, nhói trong tim nỗi xúc động dâng trào.

 

Dạy nhạc cho các cháu thiếu nhi ở thị trấn Trường Sa - Ảnh: XUÂN TÌNH

 

Trường Sa - chốt tiền tiêu của Tổ quốc

 

Chấm nhỏ hiện rõ trên đường chân trời - Đây rồi! Trường Sa! Tiếng ai đó thốt lên trong khoang lái. Cái núm ruột Tổ quốc xa xôi diệu vợi giờ đây gần gũi xiết bao. Tàu đang đi dần vào cụm đảo phía Bắc, thả neo ở gần bờ để chuyển hàng lên đảo.

 

Không khí nhộn nhịp, hồ hởi, khẩn trương. Song Tử Tây nổi lên như một chiến hạm xanh giữa biển khơi với tháp hải đăng cao vút in trên nền trời. Âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, nơi neo đậu của tàu thuyền đánh bắt khơi xa.

 

Tiếng líu kíu của đàn vịt biển gọi bầy, mái chùa thâm nghiêm, tiếng chuông loang mang mang trên sóng nước. Khi màn đêm xuống, ba chúng tôi đứng tựa vào lan can tàu ngắm nhìn đảo lung linh ánh điện như nơi phố thị, tràn đầy sức sống giữa biển nước bao la.

 

Hành trình về phía Nam, tàu đi trong thời tiết thuận lợi. Gió vẫn ngang tàng mải miết trên cao. Bắt gặp Nam Yết, Sơn Ca khi nắng chảy tràn trên khắp mặt đảo. Nam Yết chạy dài như một đoạn trường thành trên biển.

 

Vẫn một màu xanh cây cối, doi cát vàng tinh khôi như một thuở hồng hoang. Cây và rau xanh trên đảo vẫn âm thầm lớn dậy thách thức với cái khắc nghiệt của mùa biển mặn. Muống, dền, mồng tơi non mởn, đu đủ trái xanh đu lúc lỉu.

 

Sơn Ca, xã đảo có cái tên hiền của loài chim, thấp thoáng bóng chùa dưới ngọn hải đăng sừng sững vươn cao. Đang là mùa chim làm tổ. Tiếng chiu chít lưng trời, lích tích trong vòm lá phong ba. Đất san hô cằn qua bàn tay của lính đảo đã tạo nên màu xanh sự sống.

 

Đến Sinh Tồn, ấn tượng bởi bầu trời nặng trĩu những đám mây được khúc xạ bởi ánh chiều tà, nom thật bí ẩn và lộng lẫy. Đúng như cái tên của nó, đảo vẫn sinh tồn giữa thời tiết khắc nghiệt. Tiếng trẻ nô đùa rộn một nơi góc đảo. Tiếng trống trường gợi nhớ về một thời đi học chưa xa.

 

Những gương mặt ở Trường Sa lướt qua rất nhanh, qua những đảo chìm Côn Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Tốc Tan… sừng sững như những pháo đài thép trên biển. Tàu cập cảng Trường Sa, thị trấn đang tất bật cho những ngày cuối năm.

 

Chúng tôi chuyển lên bờ hàng Tết cùng với những chậu quất, cành đào, cành mai rừng bán đảo. Những cây cảnh ngày Tết chuyển ra do được bảo quản kỹ lưỡng nên vẫn còn tươi tốt. Gặp thời tiết ấm, những nụ mai rừng đang cựa mình tách khỏi lớp vỏ lụa.

 

Con tàu mải miết đi trong miên man sóng nước. Điểm dừng chân cuối cùng - An Bang sóng dữ! Tàu phải neo đậu cách đảo khoảng 2 hải lý. An Bang uy nghi giữa một vùng trời nước. Thế đứng vững chãi trên nền đá san hô hiểm trở, xứng đáng là một điểm chốt tiền tiêu của Tổ quốc.

 

Chúng tôi được lệnh xuống xuồng chuyển tải để tiến vào đảo. Lúc này, những con sóng lớn xô nhau đập vào thân xuồng, đợt này chưa qua đợt khác đã tới. Gần tới bờ, mấy anh em trong khẩu đội nhảy ào xuống nước.

 

Hơn chục ngày trên tàu chồn chân, bó gối, giờ thỏa thuê chạy nhảy, cảm giác thật sung sướng. Khẩu đội chúng tôi được phân về phân đội chiến đấu số 2. Ba anh em nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt và huấn luyện khẩn trương của đảo.

 

Nước ngọt ở đây rất hiếm, mọi người phải chắt chiu. Sáng nay khẩu đội ba anh em chúng tôi đứng trực canh trên đài cao, mắt dõi trời, dõi biển. Mùa đã sang trên vòm lá bàng vuông, những mầm cải đang bật lên từ đất san hô cằn cỗi như minh chứng cho sức sống bất tử.

 

Phía xa bãi cọc Bạch Đằng nhô cao, vượt lên lớp lớp sóng bạc đầu. Lẫn trong gió sớm có phải hương xuân đã lan theo nhè nhẹ. Hít một hơi thật sâu… Hương vị biển thật lạ! Vị mặn mòi tinh khiết của đại dương dường như là một nguồn năng lượng mới tràn khắp cơ thể. Những đôi mắt binh nhất binh nhì trong veo ngước nhìn lên bầu trời cao xanh vời vợi.

 

Giữa ầm ào sóng gội… Trường Sa, nơi mùa xuân đang đến rất gần.

 

NGUYỄN XUÂN TÌNH

(Học viện Hải quân)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp