Câu lạc bộ Tuổi trẻ Vì biển đảo quê hương (CLB) được thành lập năm 2014, hiện có 1.500 thành viên ở khắp các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc. Thành phần hội viên CLB rất đa dạng, phần lớn là trí thức bao gồm: công chức, viên chức, giáo viên, sĩ quan quân đội, giáo sư, tiến sĩ ở các viện, trường đại học và những người đã từng tham quan, công tác ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Anh Hoàng Anh Dũng, đại diện CLB cho biết: CLB đã đề ra 3 chương trình hành động: Môi trường xanh cho biển đảo Tổ quốc; Chăm lo hậu phương, vững lòng biển đảo; Xuân biên giới, Tết hải đảo, nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Môi trường xanh cho biển đảo Tổ quốc
Từ năm 2014 đến nay, thực hiện Chương trình môi trường xanh cho biển đảo Tổ quốc, CLB đã mang 6.500 cây phi lao, dừa và nhiều loại cây khác ra trồng ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong chuyến công tác vào đầu năm 2019, đúng dịp chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi, kết hợp với các chuyến tàu ra thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ các đảo, CLB đã mang theo nhiều loại cây ăn trái, hạt giống rau củ để phủ xanh các đảo. Nhờ đó mà giữa đại dương mênh mông, màu xanh của hoa lá quê nhà vẫn hiện diện cùng các chiến sĩ.
Đặc biệt từ 2014 đến nay, năm nào Ban chủ nhiệm CLB cũng theo tàu hải quân ra thăm các đảo. Từ những chuyến đi ấy, ông Trần Vũ Thành, chủ nhiệm CLB và Nghệ sĩ Nhân dân Hồ Liên, nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam, thành viên CLB, nhận thấy điều kiện tự nhiên ở Trường Sa rất khắc nghiệt, chỉ có 2 mùa mưa nắng, đường ra đảo phải đối diện với sóng to gió lớn, và khó khăn lớn nhất của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, nhất là trên các đảo chìm là nước ngọt. Nguồn nước ngọt chủ yếu được hứng từ nước mưa, chứa trong bể nước để dùng cả năm nên rất vất vả.
Với tấm lòng vì biển đảo, ông Thành đã nghiên cứu, làm chủ nhiệm đề tài sản xuất chiếc máy lọc nước biển ra nước ngọt “made in Việt Nam”. Đến nay, ông đã sản xuất được dòng máy thế hệ thứ ba. Đề tài này được Hội đồng giải Sáng tạo trẻ trao tặng thưởng năm 2018; sản phẩm này cũng được TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân trang bị cho các điểm đảo.
Tuy nhiên, điều kiện khắc nghiệt ở các đảo và việc bảo trì không được thường xuyên nên tuổi thọ các máy lọc nước cũng bị ảnh hưởng. Giá thành của mỗi sản phẩm hiện còn khá cao, từ 600-800 triệu đồng/máy nên việc trang bị cần được xã hội hóa.
Thượng tá Nguyễn Văn Cao, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin cho biết: Ở đảo chìm, việc chủ động nguồn nước sinh hoạt là khó vô vàn. Hàng năm phải đợi đến mùa mưa để hứng nước dùng cho cả năm. Nhờ lắp đặt máy lọc nước biển ra nước ngọt mà chúng tôi đã giải quyết được khâu khó khăn nhất, nên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, Chương trình chăm lo hậu phương, vững lòng biển đảo cũng được các thành viên CLB thực hiện có hiệu quả. CLB thường xuyên phối hợp với các tỉnh đoàn, thành đoàn tuyên truyền bằng nhiều hình thức như giao lưu, triển lãm bằng hình ảnh về biển đảo...
Sau khi xem các cuộc triển lãm về biển đảo do CLB triển khai, mùa xuân này, 20.000 lá thư của học sinh các trường trung học ở tỉnh Thái Nguyên và Trường THPT Đào Duy Từ (TP Hà Nội) được gửi ra đảo để chia sẻ tâm tư, tình cảm của các em về Hoàng Sa, Trường Sa và cuộc sống, sinh hoạt của bộ đội.
Xuân biên giới, Tết hải đảo
Mỗi năm, vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Bộ Tư lệnh Hải quân thường tổ chức các chuyến tàu ra thăm và tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nhân dân đang sinh sống, công tác trên các đảo. Kết hợp với những chuyến đi này, các thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã vận động từ nhiều nguồn mang theo những món quà từ đất liền ra đảo.
Ông Trần Vũ Thành cho biết, trong chuyến ra thăm các đảo đầu năm 2019 này, CLB đã mang theo 3.500 phần quà của cá nhân và 100 phần quà tập thể gửi đến cán bộ, chiến sĩ ở 33 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, 15 nhà giàn DK1 và 5 tuyến đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Quà xuân mang ra đảo cho chiến sĩ là những đặc sản ở khắp các vùng, miền trên cả nước như mứt Hà Nội, quất Văn Giang, trà Thái Nguyên… Ngoài ra còn có 3.000 quả bưởi đến từ Phúc Thọ (Hà Nội), Đoan Hùng (Phú Thọ), Diễn (Sơn Tây) thơm ngon. Không chỉ có quà tặng, 10 thành viên của CLB cũng chia ra thành ba nhóm, đi theo ba tuyến: giữa, nam và bắc thuộc quần đảo Trường Sa.
Tại mỗi đảo, các thành viên CLB trao quà và tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ. Ở tuyến giữa, ca sĩ Kim Thúy (Hà Nội) luôn có mặt ở tất cả các điểm đảo. Cô hát cho chiến sĩ nghe và cùng bắt nhịp để những ca khúc ngợi ca biển đảo, ngợi ca người giữ đảo cất lên giữa biển trời quê hương, giữa những ngày xuân đang đến, mang theo hơi ấm của đất liền, làm cho mọi người trào dâng một niềm xúc cảm khó tả.
Tiếp nhận những món quà từ khắp nơi trong cả nước gửi về cho cán bộ, chiến sĩ đón xuân, đặc biệt là 3 chương trình hành động vì biển đảo của CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, thượng tá Lương Xuân Giáp, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 bày tỏ: “Đây là những món quà vô giá, có ý nghĩa đặc biệt nhằm động viên, làm ấm lòng chiến sĩ lữ đoàn và quân dân, các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
DƯƠNG THANH XUÂN