Phong phú hình thức tổ chức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Thứ năm - 07/03/2019 16:10
Hàng năm, Sở TT-TT Phú Yên phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Phong phú hình thức tổ chức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Hàng năm, Sở TT-TT Phú Yên phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Hoạt động này đã giúp các tầng lớp nhân dân hiểu thêm các thông tin, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Theo Sở TT-TT Phú Yên, từ khi được Bộ TT-TT trang bị hệ thống bản đồ, tư liệu những bằng chứng pháp lý và lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương luân phiên tổ chức triển lãm, mang đến những thông tin chính thống, chứng cứ xác thực khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Những bằng chứng đanh thép

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn, Phó Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên, cho biết trong bộ sưu tập hơn 100 bản đồ, tư liệu bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, được trưng bày theo chủ đề: bản đồ Việt Nam thời quân chủ, bản đồ các nước phương Tây, bản đồ cổ Trung Quốc do các nhà nước phương Tây và chính Trung Quốc xuất bản (từ thế kỷ XVI-XX), các Châu bản triều Nguyễn (1802-1945), tư liệu hình ảnh Việt Nam thời kỳ trước năm 1975.

 

Trong các tư liệu bản đồ và atlas của các nước phương Tây thể hiện một cách đầy đủ chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thời điểm đầu thế kỷ XVI. Các nhà địa lý phương Tây vẽ về khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh Pracel hay Paracels (Hoàng Sa) ở giữa biển Đông và khu vực bờ biển phía tây Pracel hay Paracels (tương đương với bờ biển miền Trung Việt Nam).

 

Trong đó, bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen, nhà địa lý học người Bỉ biên soạn, xuất bản năm 1827 là tài liệu quý không chỉ về học thuật mà còn có giá trị pháp lý, góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

 

Các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 trong bộ Atlas Universel đều ghi chú rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) thuộc chủ quyền của Đế chế An Nam (Empire d’An-nam). Riêng tờ bản đồ Partie de la Cochinchine (tờ số 106 - Châu Á) là bản đồ đầu tiên vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

 

Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa đã được quốc tế ghi nhận.

 

Trong số các bản atlas cổ phát hành thời nhà Thanh là Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908) và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc với: Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933), cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này cũng chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề có Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này trùng hợp với các atlas, bản đồ mà các nước phương Tây ấn hành. Cũng có nghĩa Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

 

Châu bản triều Nguyễn và “tờ chứng sinh 666”

 

Bên cạnh những bản đồ, atlas của phương Tây và Trung Quốc đều thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, một loạt tư liệu khẳng định chủ quyền xuyên suốt của Việt Nam từ thời phong kiến đến hiện đại. Đó là các Châu bản triều Nguyễn (một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn) giai đoạn 1802-1945 và các tư liệu, hình ảnh của Việt Nam trước 1975.

 

Các châu bản còn lưu giữ thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thông qua việc liên tục cử người ra hai đảo để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Điều này thể hiện chính sách và sự quan tâm sâu sắc của triều đình phong kiến Việt Nam đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

 

Cụ Nguyễn Văn Nam ở Hà Nội vào thăm cháu, đúng dịp triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, tại Trung tâm VH-TT huyện Tuy An. Ông say sưa xem các tư liệu, đặc biệt là bản đồ phương Tây ấn hành và các Châu bản triều Nguyễn. Cụ Nam lần đọc như để tự mình nhớ lấy: Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) do Bộ Công trình tấu và có bút phê của nhà vua.

 

“Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”. Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Bộ Công có phúc trình: Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần trong đó có Châu phê: “Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu”...

 

Một tư liệu, bằng chứng mạnh mẽ khẳng định sự tiếp quản thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đó là “Giấy chứng sinh số 666”, do Cộng hòa Pháp, phái đoàn ở đảo Hoàng Sa (thuộc quần đảo Hoàng Sa) chứng nhận một người phụ nữ Việt Nam sinh ra tại đảo này. Người trong giấy khai sinh là bà Mai Kim Quy, sinh vào lúc 15 giờ, ngày 7 tháng 12 năm 1939 tại đảo Pattle (Hoàng Sa). Cha bà Quy là ông Mai Xuân Tập, một nhân viên khí tượng trên đảo và mẹ là bà Nguyễn Thị Thắng làm nội trợ.

 

Trong giấy chứng sinh còn ghi cả người làm chứng sinh là ông Nguyễn Tăng Chuẩn, bác sĩ Đông Dương và ông Đỗ Đức Mùi, Giám đốc Đài Phát thanh. Người đại diện ký tên dưới giấy chứng sinh này là Chauvet (Đại diện phái đoàn của Pháp ở đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thuộc nước An Nam). Tờ giấy khai sinh này được đánh máy trên giấy pơ-luya được đóng dấu đỏ của cơ quan hành chính.

 

Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, “Giấy chứng sinh số 666” của bà Mai Kim Quy là một chứng cứ rất đời thường nhưng quan trọng, sống động, mạnh mẽ. Nó khẳng định sự xuyên suốt trong quản lý nhà nước từ thời phong kiến, đến hiện đại, kể cả khi nước ta bị Pháp bảo hộ ở quần đảo Hoàng Sa.

 

Hướng đến sự đa dạng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền

 

Thông qua các cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” giúp các tầng lớp nhân dân có nhận thức đầy đủ với những bằng chứng pháp lý cụ thể, mạnh mẽ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, công chức của huyện Tuy An, đưa con đến xem triển lãm, cảm nhận: “Triển lãm đã trưng ra những chứng cứ khoa học và mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, điều mà không phải ai cũng am tường”.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Văn Vinh, khẳng định tổ chức triển lãm bản đồ, trưng bày các tư liệu, bằng chứng pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa về địa phương mang lại hiệu quả tuyên truyền rất lớn. Trong thời gian triển lãm, ngoài việc thông báo rộng rãi trong nhân dân, huyện có giao nhiệm vụ cho các đoàn thể, đơn vị, trường học đưa lực lượng thanh niên, học sinh đến xem, học tập.

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn cho biết thêm, bên cạnh việc phối hợp tổ chức triển lãm, trưng bày luân phiên ở các địa phương, sở còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền thông tin đối ngoại cho bà con ngư dân ven biển về các văn bản pháp luật, chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư ven biển, vững tin bám biển làm ăn trên vùng biển chủ quyền của ta.

 

Tuy nhiên, ở góc nhìn khách quan với mong muốn hiệu quả hơn trong tuyên truyền nội dung này, có thể thấy việc triển lãm như lâu nay “chưa bù” công sức cho công tác chuẩn bị cũng như mục tiêu và kỳ vọng.

 

Thông thường triển lãm về các địa phương được tổ chức ở thị trấn và kéo dài hai ngày. Thứ nhất, thời gian triển lãm quá ngắn, chưa bằng thời gian cho công tác chuẩn bị trưng bày và thu dọn. Thứ hai, các tầng lớp nhân dân, trường học ở xa trung tâm huyện, phải đưa lực lượng về xem triển lãm, rất khó khăn và hạn chế số lượng. Thứ ba, việc xem triển lãm thời gian ngắn sẽ không đọng lại nhiều, nhất là những số liệu về ngày tháng, những thuật ngữ chuyên môn về địa lý trên các bản đồ, atlas...

 

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thành Phương Huỳnh Tấn Quảng nói: “Để xem được triển lãm trên huyện, trường phải thuê ô tô đưa học sinh đi, nhưng số lượng cũng hạn chế, chỉ có đại diện các khối lớp. Nếu các tài liệu về bản đồ, các bằng chứng pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa được nhân thành nhiều bản, đưa về các trường để cả giáo viên và học sinh cùng tìm hiểu sẽ hiệu quả hơn”.

 

Nên chăng hoạt động “Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tổ chức ở các địa phương nên kéo dài thời gian hơn. Trong điều kiện cho phép, có thể đưa triển lãm về gần với cơ sở hơn, thậm chí trang bị bản phô tô để các trường học tuyên truyền và làm tư liệu giảng dạy, ngoại khóa cho học sinh.

 

Cùng với đó, ban tổ chức triển lãm kết hợp phát động cuộc thi tìm hiểu theo quy mô địa phương để mọi người tìm hiểu sâu hơn về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh. Có như vậy những bạn trẻ mới hiểu kỹ, nhớ lâu, trở thành những tuyên truyền viên ở cơ sở. Trên cơ sở này hình thành cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền viên về biển, đảo quy mô lớn hơn.

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp