Cải cách công vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính. Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được tỉnh triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước tỉnh, góp phần nâng cao năng lực thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cải cách công vụ là nội dung quan trọng, đóng vai trò quyết định sự thành công với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả nói riêng và phát triển KT-XH nói chung.
Những chuyển biến tích cực
UBND tỉnh cho biết đã hoàn thành việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đối với 21/21 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 9/9 huyện, thị xã, thành phố; đồng thời phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp đối với 438/439 đơn vị; kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định nâng bậc lương thường xuyên và nâng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng, công tác quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong thời gian qua được sở triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định. Việc giao biên chế gắn với chức năng, nhiệm vụ phù hợp với Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Sở NN&PTNT cũng thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) hưởng lương từ ngân sách nhà nước; lộ trình tinh giản biên chế, nghỉ hưu, thôi việc đối với CBCCVC đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Phan Công Trinh, công tác bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí, kiện toàn lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị được thực hiện kịp thời góp phần ổn định tổ chức bộ máy, hoạt động có hiệu quả. Việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với CBCCVC được thực hiện chặt chẽ. Các chế độ, chính sách, nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCCVC, người lao động đảm bảo theo quy định.
“Xác định tầm quan trọng của hoạt động công vụ, của đội ngũ CBCCVC đối với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, những năm qua, tỉnh đã chú trọng quan tâm, tổ chức thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, xác định vị trí việc làm; đổi mới nội dung, phương pháp, cách làm và đạt được những kết quả tích cực. Đó là, công tác tuyển dụng được thực hiện công khai, minh bạch; đánh giá cán bộ có sự đổi mới về phương pháp và có bước chuyển biến, dần đi vào thực chất. Việc đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, góp phần nâng cao trình độ và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát về tổ chức, cán bộ được tăng cường, đi vào nề nếp...”, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn cho biết.
Yêu cầu ngày càng cao
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực tiễn đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn đối với hoạt động công vụ nói chung và đội ngũ CBCCVC của tỉnh nói riêng. Đó là những yêu cầu về năng lực và chất lượng hoạch định thể chế, chính sách; công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; tiếp thu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào xử lý công việc; linh hoạt, nhạy bén và thích ứng với diễn biến tình hình KT-XH trong nước, khu vực và thế giới.
Chính vì vậy, việc nhìn thẳng vào yếu kém nội tại, nắm bắt được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần trang bị để có những chấn chỉnh đúng đắn và định hướng kịp thời, đảm bảo đội ngũ CBCCVC đủ năng lực, bản lĩnh thi hành công vụ trong tình hình mới là rất cần thiết.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho rằng, thủ trưởng các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho CBCCVC là đối tượng được lấy ý kiến đánh giá điều tra xã hội học để phục vụ công tác đánh giá, xếp hạng chỉ số PAR Index và SIPAS hằng năm của tỉnh. Đối tượng được lấy ý kiến phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia trả lời phiếu điều tra đảm bảo tính chính xác, khách quan và góp phần xây dựng, cải thiện kết quả các chỉ số PAR Index, SIPAS.
Đồng thời chỉ đạo CBCCVC của cơ quan, địa phương mình đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về lợi ích khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến; thực hiện nghiêm túc số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả để đảm bảo đạt tỉ lệ theo quy định; quan tâm đến cảm nhận, mong đợi và kết quả đánh giá, nhận định của người dân qua các cuộc khảo sát, đo lường các chỉ số để có giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
“Cải cách công vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh. Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về vị trí việc làm theo các đề án đã được phê duyệt; xây dựng môi trường làm việc kỷ cương, năng động, lấy giá trị, hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá năng lực của CBCCVC, người lao động”- đồng chí Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.
PHẠM THÙY