UBND tỉnh vừa phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cho thấy sự nỗ lực, cố gắng chung trong công tác CCHC, ngày càng thực chất hơn, sát với thực tiễn hơn. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, địa phương bị tụt hạng, nhiều chỉ số thành phần cần tiếp tục cải thiện.
Tiến hành đồng thời nhiều giải pháp
Theo công bố, Sở Xây dựng dẫn đầu bảng chỉ số CCHC ở khối sở, ban ngành với 86,54 điểm, xếp loại tốt. Theo sau là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh với 86,27 điểm. Sở Công thương xếp hạng ba với 84,5 điểm. Ở khối huyện, thị xã, thành phố, 3 địa phương đứng đầu gồm: Tuy An, Phú Hòa và Đồng Xuân. So với kết quả công bốnăm 2019, nhiều cơ quan, đơn vị đã nỗ lực nâng cao chỉ số CCHC rất lớn, đó là: Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, từ vị trí xếp hạng 15/17 sở, ban ngành đã vươn lên vị trí thứ hai. Huyện Phú Hòa, năm 2019 đứng vị trí 8/9 huyện, thị xã, thành phố, thuộc nhóm trung bình thì năm 2020 đứng vị trí thứ hai. Đây là sự nỗ lực không ngừng của cơ quan, địa phương, xem việc nâng cao chỉ sốCCHC là một nhiệm vụ quan trọng.
Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên Nguyễn Vũ Tố Quyên cho biết: “Để có được kết quả tốt, chúng tôi xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, công tác chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC hàng năm của cơ quan được các phòng chủ động thực hiện tốt; có sự phối hợp đồng bộ của các phòng và đơn vị liên quan trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức và doanh nghiệp, góp phần giải quyết hồ sơ trước hẹn, tạo được lòng tin cho người thực hiện TTHC tại cơ quan; yêu cầu công chức, viên chức phát huy tinh thần sáng tạo trong công việc”.
Sở Xây dựng và huyện Tuy An nhiều năm liền đứng hạng nhất, nhì đã luôn nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giữ vững vị trí và ngày càng nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần. Ông Lê Xuân Ngọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, chia sẻ: “Công tác CCHC của huyện đạt được những kết quả tốt là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, chủ động của lãnh đạo UBND huyện và sự nỗ lực của tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Trong công tác CCHC, các cơ quan chuyên môn của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước. Công tác giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân, tổ chức được thực hiện đảm bảo theo quy định. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được quan tâm đẩy mạnh”.
Theo đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, kết quả công bố chỉ số CCHC là nguồn thông tin quan trọng giúp các sở, ban ngành, địa phương nhận biết được những mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong năm. Từ đó có tác động tích cực đến công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu những năm tiếp theo. UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực thi đua của các sở, ban ngành và địa phương đã giúp cho chỉ số CCHC của tỉnh được cải thiện đáng kể. “UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, nhất là tập trung vào những lĩnh vực còn yếu, nhằm đẩy mạnh CCHC, cải thiện chỉ sốCCHC năm 2021 và những năm tiếp theo”, đồng chí Trần Hữu Thế nhấn mạnh.
Tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm
Việc công bố chỉ số CCHC là để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai công tác CCHC của các sở, ban ngành và UBND cấp huyện trong tỉnh. Qua đây, các đơn vị, địa phương kịp thời đề ra những biện pháp cải thiện và giúp UBND tỉnh có định hướng phù hợp trong lãnh đạo, đôn đốc thực hiện công tác này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC của tỉnh. Bên cạnh nhóm xếp thứ hạng tốt của các sở, ban ngành năm 2020 có tăng so với năm 2019 thì nhóm trung bình của khối địa phương cũng tăng hơn so với năm 2019. Do đó, các sở, ngành, địa phương có kết quả khá, tốt cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để có sự cải thiện đồng bộ.
Theo Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy, thời gian qua, thành phố rất nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số CCHC. Tuy nhiên, năm 2020, chỉ số này của thành phố chỉ ở nhóm trung bình. “Việc công bố chỉ số CCHC giúp địa phương nhìn nhận những khuyết điểm, tiếp tục có những giải pháp phù hợp để cải thiện trong những năm tiếp theo”, ông Huy cho biết. Còn Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy cho rằng, việc công bố chỉ số CCHC giúp các địa phương phải luôn tìm kiếm những giải pháp để nâng cao chỉ số này hàng năm. Các địa phương nằm trong top đầu sẽ giúp Sông Cầu học hỏi được nhiều kinh nghiệm.
Quy định cũng như cách thức tiến hành đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC ngày càng được hoàn thiện để phù hợp, sát với thực tiễn hơn trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ các lần trước và nhận được sự đồng thuận cao từ các đơn vị được đánh giá, xếp hạng. Hàng năm, tỉnh đều có nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC để hướng vào việc nâng cao đối với tiêu chí chưa được thực hiện tốt, tạo động lực cho các đơn vị thực hiện ngày càng tốt hơn.
CCHC là khâu đột phá chiến lược, tác động đặc biệt quan trọng đến sựphát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì thế để thực hiện có hiệu quả kế hoạch CCHC đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao. “Các đơn vị, địa phương cần căn cứ vào kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2020, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đề ra những giải pháp cụ thể để khắc phục những nội dung còn hạn chế, đạt điểm thấp hoặc không có điểm. Trong đó phải luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm trong chỉ đạo điều hành, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả. Qua đó giúp các đơn vị, địa phương có điều kiện học tập lẫn nhau, thực hiện thông suốt”, đồng chí Trần Hữu Thế chỉ rõ.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, nhất là tập trung vào những lĩnh vực còn yếu nhằm đẩy mạnh CCHC, cải thiện chỉ số CCHC năm 2021 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
PHẠM THÙY