Tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của anh Đỗ Quốc Chí (nghệ danh Đỗ Chí) ở khu phố Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) đã gây ấn tượng sâu sắc với khán giả, làm say đắm bao người.
Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng từ nhỏ, Đỗ Quốc Chí có một niềm đam mê mãnh liệt với bài chòi, lại may mắn được trời phú cho một chất giọng mượt mà, rất hợp để cất lên những làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò quảng... Anh đã được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (chuyên ngành Sân khấu); thành viên CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa.
Khát khao được hát
Đỗ Chí cho biết anh mê bài chòi từ nhỏ, qua những câu hát của cha. Thuở ấy, anh thường lẽo đẽo theo cha đi nghe các chú, các bác trong xóm hát bài chòi. Chính vì vậy, bài chòi đã ăn sâu vào máu của anh. Giờ đây với anh, bài chòi là một phần cuộc sống. “Tôi có năng khiếu, đam mê bài chòi từ nhỏ. Hồi đó, cha tôi thường ca bài chòi. Tôi nghe và bắt chước ca theo. Bây giờ, tôi vẫn còn “nghiện” nghe bài chòi trên đài lắm”, anh Chí vui vẻ nói.
Mê mẩn những làn điệu bài chòi, nhiều lúc Đỗ Quốc Chí ao ước được biểu diễn, theo nghiệp sân khấu, nhưng chưa đủ duyên. Con đường dẫn dắt anh gắn bó với bài chòi sau này cũng khá lận đận. Sau khi không có duyên với con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, anh quyết định về phụ giúp công việc gia đình, bám biển nuôi thân. Mãi cho đến khi tham gia CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa và quen được nghệ nhân Bình Thảng (tên thật là Nguyễn Đình Thoảng), Phó Chủ nhiệm CLB này, anh mới có cơ hội tập tành bài bản, rồi được biểu diễn ra trò.
Là người nặng lòng với dân ca bài chòi nên khi biết Đỗ Quốc Chí có đam mê mãnh liệt với loại hình nghệ thuật này, nghệ nhân Bình Thảng rất mến mộ và dốc lòng truyền dạy cho anh từ nhịp phách, đến cách lấy hơi, luyến láy, ra bộ... “Tuy không được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng Đỗ Chí có khả năng thẩm âm và năng khiếu biểu diễn, học rất nhanh khi được đàn anh, đàn chị đi trước chỉ bảo. Một trong những vai diễn mà Đỗ Chí thể hiện thành công là vai Lê Trung Kiên trong vở dân ca kịch bài chòi Sống mãi tên anh”, nghệ nhân Bình Thảng cho biết.
Góp “lửa” phong trào văn hóa văn nghệ
Công việc hàng ngày để “kiếm cơm” của Đỗ Quốc Chí là làm nhân viên gác chắn tại ga Phú Hiệp. Vì vậy, hình ảnh những chuyến tàu ra Bắc vào Nam rất quen thuộc với anh. Anh nói, hầu hết tàu chạy nhiều vào ban đêm nên những người đứng gác phải tập trung cao độ, không được lơ là. Không dừng lại ở áp lực thời gian, cường độ làm việc liên tục, những nhân viên đường sắt còn gặp phải vô vàn áp lực khác để bảo đảm cho những chuyến tàu bình an. Tuy nhiên, sau những giờ căng thẳng, anh lại tìm đến CLB, những người mến mộ bài chòi để được nghe, được hát như liều thuốc quý xua tan những vất vả, bộn bề của công việc và cuộc sống hàng ngày.
Tuy không theo con đường chuyên nghiệp nhưng không có nghĩa Đỗ Chí ngừng đam mê. Những lúc đàm đạo, anh thường trau dồi, học hỏi khuôn mẫu từ những người đi trước, nâng cao cách hô hát, đặc biệt là bài chòi cổ. Mỗi lần bước lên sân khấu, Đỗ Chí như trút bỏ lớp vỏ ngoài chất phác, mộc mạc của anh công nhân gác chắn để hóa thành một chàng sơn ca thánh thót. Chất giọng ngọt ngào, trầm ấm của anh luôn thu hút khán giả và nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng.
Nhờ rèn luyện, trau dồi thường xuyên, Đỗ Chí càng tự tin tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ trong tỉnh. Anh là một trong những cộng tác viên tích cực cho các đơn vị trong những đợt lễ, Tết hay ngày kỷ niệm; là hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng ởđịa phương, thường xuyên mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ bà con. Với anh, những dịp được lên sân khấu là cơ hội trải nghiệm và trưởng thành hơn. Tại các liên hoan hoặc các cuộc thi hô hát bài chòi trong và ngoài tỉnh, Đỗ Chí cùng các thành viên trong CLB Đàn hát dân ca “rinh” nhiều giải thưởng cao, góp phần mang thành tích về cho Phòng VH-TT huyện Đông Hòa.
“Anh Đỗ Chí cùng những thành viên CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa đã và đang nỗ lực không ngừng để đóng góp, gìn giữ và phát huy nghệ thuật bài chòi truyền thống. Anh tích cực tham gia phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, mang đến những tiết mục đặc sắc cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc truyền thống của người dân qua các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn”, ông Ngô Viết Hải, Trưởng Phòng VH-TT huyện Đông Hòa, đánh giá.
Sự lao động nghệ thuật miệt mài, hăng say của anh Đỗ Chí được các bạn diễn và khán giả ghi nhận, đánh giá cao. Anh là một trong những gương mặt sáng giá, đầy triển vọng và tiếp nối thế hệ đi trước trong giới mộ điệu âm nhạc truyền thống ở huyện Đông Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung.
Trưởng Phòng VH-TT huyện Đông Hòa Ngô Viết Hải |
THIÊN LÝ