Anh hùng Trần Suyền trước ngày 2/9/1945

Thứ năm - 02/09/2021 05:08
Cố Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Suyền (1922-1998) từ 76 năm trước đã ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc Cách mạng Tháng Tám và những ngày lập quốc 2/9 tại quê nhà.

Cố Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Suyền (1922-1998) từ 76 năm trước đã ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc Cách mạng Tháng Tám và những ngày lập quốc 2/9 tại quê nhà.

 

Sớm tham gia Mặt trận Việt Minh

 

Trước Cách mạng Tháng Tám, Phú Yên có hai ông tú tài Tây học nổi tiếng là Trần Ngũ Phương (Tú Phương, quê xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân) và Trần Suyền (Tú Suyền, quê xã Hòa Thắng huyện Tuy Hòa, nay là huyện Phú Hòa). Cả hai ông tú họ Trần đều theo học bậc đại học ở Trường cao đẳng Canh nông Đông Dương. Tú Phương tốt nghiệp năm 1943, sau này là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, còn Tú Suyền đến thời điểm năm 1945 là sinh viên năm thứ ba.

 

Được Mặt trận Việt Minh tuyên truyền giác ngộ tại Hà Nội và liên hệ mật thiết với phong trào Việt Minh tại quê nhà, nên sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, ông Trần Suyền tạm xếp bút nghiên trở về quê hương tham gia Nhóm nghiên cứu Mác xít tại phủ Tuy Hòa. Và từ tháng 4/1945, Nhóm nghiên cứu Mác xít thành lập Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh Phú Yên. Ông Trần Suyền được phân công tiếp xúc tuyên truyền Mặt trận Việt Minh cho thân hào nhân sĩ và các tầng lớp nhân dân ở phủ Tuy Hòa, đặc biệt là bắt liên lạc với các vị cách mạng đàn anh của Đảng bộ Phú Yên tạm thời đứt liên lạc với Xứ ủy sau cuộc đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp tháng 7/1939. Chân lý “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “nhân dân làm nên lịch sử” được ông khắc sâu vào tâm khảm, trở thành kim chỉ nam hành động của người chiến sĩ cách mạng này. Với sự phấn đấu, cống hiến không biết mệt mỏi, ông được nhà thơ Tố Hữu giới thiệu kết nạp vào Đảng.

 

Nhóm nghiên cứu Mác xít ở phủ Tuy Hòa thời điểm đầu năm 1945 có 8 thành viên chủ chốt, gồm: Đinh Nho Khôi, Đinh Nho Bác, Đinh Văn Ngộ, Lê Văn Phú, Nguyễn Ái, Nguyễn Tiếm, Nguyễn Chính và Trần Suyền. Đó là tám vị cách mạng lão thành có nhiều cống hiến đặc sắc trong dòng chảy lịch sử Phú Yên và đất nước.

 

Chủ tịch phủ Tuy Hòa đáng kính trước ngày lập quốc

 

Khi Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Phú Yên chỉ đạo tổ chức Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh ngày 17/7/1945 để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, ông Đinh Văn Ngộ, thành viên Nhóm nghiên cứu Mác xít được bầu làm Ủy viên thường vụ Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên. Sau khi tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền thành công và ra mắt chính quyền cách mạng tỉnh Phú Yên tại tỉnh lỵ Sông Cầu ngày 26/8/1945, Tỉnh ủy, Ủy ban Việt Minh, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh quyết định thành lập UBND Cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa do ông Trần Suyền làm chủ tịch và Ủy ban Cách mạng lâm thời khu (thị xã) Tuy Hòa do ông Lê Văn Phú làm chủ tịch.

 

Ông Trần Suyền đã về các tổng trong phủ Tuy Hòa như Hòa Bình, Hòa Tường (Hòa Quang, Hòa Định ngày nay), Hòa Đa (nam sông Đà Rằng đến cầu Bàn Thạch), Hòa Lạc (Hòa Bình, Hòa Tân ngày nay), Hòa Mỹ (Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Đồng ngày nay), Hòa Đồng (phía nam sông Bàn Thạch đến chân núi Đá Bia) và cả khu Đồng Bò (Hòa Phong và một phần Hòa Mỹ Tây ngày nay) để tuyên truyền và hoạt động cách mạng. Bởi vậy, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tỉnh Phú Yên tín nhiệm cử ông làm Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa, địa bàn đông dân và trù phú nhất tỉnh, là rất phù hợp “ý Đảng - lòng dân”.

 

Tối 1/9, rạng sáng 2/9/1945, hàng vạn người dân nô nức về sân vận động Hội Ích Trí ở khu Tuy Hòa dự lễ ra mắt chính quyền cách mạng phủ Tuy Hòa và khu Tuy Hòa. Hai vị chủ tịch, ông Trần Suyền và ông Lê Văn Phú phát biểu trước hàng vạn nhân dân về ý nghĩa thiêng liêng cuộc Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Là một trí thức tiêu biểu sớm giác ngộ cách mạng, ông đã phát biểu chậm rãi, từ tốn, cô đọng, súc tích trong buổi lễ ra mắt chính quyền cách mạng phủ Tuy Hòa ngày độc lập 2/9/1945 làm lay động trái tim hàng vạn quần chúng tham dự buổi lễ. Họ vỗ tay như sấm động và hô vang các khẩu hiệu cách mạng:

 

“Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!”

“Chính phủ cách mạng lâm thời muôn năm!”

“Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”

 

Bày tỏ lòng quý trọng ông Trần Suyền - một vị cách mạng đàn anh, ông Huỳnh Nựu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (1936-1939) vừa mới ra tù đã đề đạt với Tỉnh ủy xung phong làm chủ tịch Mặt trận Việt Minh phủ Tuy Hòa để sát cánh làm việc với vị chủ tịch trẻ tuổi ở thời điểm chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập.

 

Trước đó, ngày 25/8/1945, lực lượng tự vệ cứu quốc do ông Nguyễn Quốc Thoại chỉ huy chiếm phủ đường Tuy Hòa, Tri phủ Tuy Hòa Nguyễn Thọ Duật bỏ trốn. Sau lễ ra mắt chính quyền cách mạng phủ Tuy Hòa, Tri phủ Nguyễn Thọ Duật kính nể Chủ tịch Trần Suyền - vị tú tài Tây học lừng danh, đã mặc áo dài khăn đóng cùng tùy tùng tới gặp chính quyền cách mạng giao nộp 1.000 đồng bạc Đông Dương và 6 súng trường.

 

Có một chuyện thật về vị Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa, một trí thức tiêu biểu nhất của vùng đồng bằng Tuy Hòa, được truyền tụng trong nhân dân như một giai thoại. Khi vị tú tài Tây học đầu tiên của phủ Tuy Hòa vinh quy về làng, Tỉnh đường lệnh cho Tri phủ Tuy Hòa huy động nhân dân tổng Hòa Bình (bao gồm các làng dưới chân núi Chóp Chài và các xã Hòa Thắng, Hòa An, Hòa Trị, Bình Ngọc ngày nay) mang võng, lọng đón rước ông Tú Suyền từ phủ lỵ về quê nhà Hòa Thắng. Là một trí thức gần dân, từ dân ra đi, sớm giác ngộ cách mạng, ông Tú Suyền nhã nhặn từ chối võng lọng đưa rước và tự đi bộ về nhà.

 

Đôi điều nói thêm

 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Suyền được ghi dấu ấn sâu đậm trong nhiều lĩnh vực công tác. Ở lĩnh vực nào ông cũng là người cán bộ mẫn cán, gần dân, tin dân và biết dựa vào dân để phát huy sức mạnh đại đoàn kết, góp phần vào thắng lợi chung cho sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà.

 

Khi là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, ông Trần Suyền còn là nhà báo cách mạng thực thụ, đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Báo Đoàn Kết (tiền thân Báo Phú Yên), giai đoạn 1954-1960.

 

Nhận trọng trách Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa thời gian ngắn, ông Trần Suyền được kỹ sư canh nông Lê Duy Trinh, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Yên phân công cùng nhà giáo Bùi Xuân Các và nhà giáo Trần Sĩ xây dựng trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên mang tên vị Thành hoàng Lương Văn Chánh, làm hiệu trưởng danh dự trong năm học đầu tiên 1946.

 

Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, anh hùng Trần Suyền là Chính trị viên Tỉnh đội Phú Yên. Và trong kháng chiến chống Mỹ, anh hùng Trần Suyền là Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, gần hết cuộc kháng chiến (1973-1975) là khu ủy viên, được điều động về Khu ủy Khu V…

 

Có thể nói, cuộc đời hoạt động sôi nổi phong phú hơn nửa thế kỷ của người Anh hùng LLVT nhân dân Trần Suyền được tạo dấu ấn sâu đậm đầu tiên trong trang sử vàng Cách mạng Tháng Tám tại Phú Yên và ngày lập quốc 2/9/1945.

 

Tháng 12/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền, bậc đại thụ của cách mạng Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc. Đây là niềm vui lớn của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, là sự kiện rất có ý nghĩa góp phần tô đậm truyền thống anh hùng của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên.

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp