Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Những cựu binh “trẻ xông pha, già mẫu mực”

Thứ sáu - 13/08/2021 04:56
Đã trở thành cụ ông, cụ bà nhưng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, nhiều cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP) không ngại khó khăn về tuổi tác, tình nguyện góp sức cùng cộng đồng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Những cựu binh “trẻ xông pha, già mẫu mực”

Đã trở thành cụ ông, cụ bà nhưng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, nhiều cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP) không ngại khó khăn về tuổi tác, tình nguyện góp sức cùng cộng đồng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

 

Trẻ xông pha chiến trường

 

Năm 17 tuổi, đang học lớp 10, chàng trai trẻ Nguyễn Thành Bích ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An, huyện Tuy Hòa 2 (nay là huyện Phú Hòa) gác bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Được biên chế vào Ban Giao vận thanh niên xung phong Phú Yên đóng ở Sơn Long, Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tham gia vận chuyển lương thực phục vụ kháng chiến. Nhiều lần ông cùng đội vận chuyển ra tận Trà My (Quảng Nam) nhận dây điện, máy điện thoại…đưa về tỉnh. Ông Bích nhớ lại: “Tháng 10/1972, trên đường đi làm nhiệm vụ, tôi bị sốt rét rất nặng, được đồng đội đưa về trạm xá điều trị. Nhờ các y sĩ, y tá tận tình điều trị, chăm sóc nên mới cắt cơn, tôi khỏe mạnh tiếp tục cống hiến cho tới ngày hôm nay”.

 

Sau Hiệp định Paris 1973, ông Bích tham gia bảo vệ các chốt điểm vùng giải phóng ở đồi Đá Ong (Sơn Hòa) cùng Tiểu đoàn Dân Chính Đảng, nhiều lần xuống địa bàn nhận hàng bị địch phục kích nhưng thoát được. Ông kể: “Năm 1974, có lần tôi cùng 20 đồng chí xuống xã An Chấn (Tuy An) lấy hàng tại nhà ông Mười Lò, khi qua quốc lộ ngay Hòa Đa thì bị địch phục kích. Chúng tôi nổ súng bắn trả quyết liệt và mang hàng về đơn vị an toàn”.

 

Ông Bích cũng là người vinh dự tham gia vận chuyển vũ khí từ Gia Lai về Phú Yên, chuẩn bị cho chiến dịch xuân 1975 giải phóng tỉnh nhà. “Trong đợt đó có nhiều đội vận chuyển cho các tuyến huyện trong tỉnh. Tôi cùng 20 đồng chí nữa được phân công lên Gia Lai nhận vũ khí mang về huyện Tuy Hòa 1. Mỗi người mang khoảng 40kg. Tuy vất vả nhưng ai nấy đều rất vui, với khí thế bừng bừng cho cuộc tổng tấn công đại thắng”, ông Bích nhớ lại.

 

Cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn Lê Thị Vân là người Xuân Phước, huyện Đồng Xuân nhưng được sinh ra tại Đồng Hới (Quảng Bình). Trước khi tập kết ra Bắc, cha của bà là Trưởng Ban Kinh tài huyện Miền Tây (nay là Sơn Hòa), mẹ là cán bộ cơ sở cách mạng. Mới 15 tuổi, cô thiếu nữ tên Vân làm đơn xin nhập ngũ và được biên chế vào Viện Quân y tiền phương 112, làm hộ lý phục vụ chiến trường B5 và đường Trường Sơn, sau đó làm y tá tại khoa Ngoại của viện này. Viện Quân y 112 là bệnh viện tuyến đầu của miền Bắc nên lưu lượng thương, bệnh binh rất nhiều, đa phần rất nặng, vì vậy y bác sĩ, nhân viên làm việc 24/24. “Bất cứ thời gian nào, khi có lệnh, chúng tôi đều có mặt làm nhiệm vụ tiếp nhận, tải thương và chăm sóc thương binh. Mỗi khi có chiến dịch, chúng tôi làm việc quên ăn quên nghỉ cho đến khi xong nhiệm vụ mới thiếp đi”, bà Vân kể.

 

Năm 1972, chiến trường càng khốc liệt. Viện Quân y 112 vừa điều trị, chăm sóc thương binh trên tuyến đường Trường Sơn, vừa tổ chức chuyển tải, thu nhận thương binh từ chiến dịch Thành cổ Quảng Trị. Bà Vân nhớ lại: “Trận đánh 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị rất ác liệt. Lúc đầu cứ hai người dùng một cáng để khiêng thương binh, sau đó vì quá nhiều người bị thương nên tôi cõng luôn cho nhanh, mặc dù lúc ấy tôi nặng không quá 38kg, trong khi nhiều anh trên 50kg. Thấy các anh bị thương, người thì mất chân, mất tay, mảnh đạn xuyên qua cột sống..., dù mệt lả người nhưng chúng tôi vẫn cố đưa các anh về tuyến đầu sớm điều trị”.

 

CCB Lê Hùng (phường 5, TP Tuy Hòa) nguyên là lính bộ binh Sư đoàn 307, từng làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Một phần tuổi xuân của ông gắn chặt với mảnh đất này. Ông Hùng tâm sự: “Hồi ấy, ngày nào cũng nghe tiếng bom đạn nổ, chúng tôi không có thời gian để suy nghĩ, chỉ biết xung trận...”. Ông Hùng cùng đơn vị tham gia chiến dịch 547 - đây là trận đánh ác liệt đi đến xóa sổ toàn bộ trung tâm đầu não của Pôn Pốt ở Ngã Ba Biên - Pắc Úm. “Sư đoàn 307 phối hợp với các sư đoàn của Quân khu 5, một trung đoàn pháo, một trung đoàn cao xạ, một tiểu đoàn xe tăng, một tiểu đoàn xe bọc thép, cùng một số đơn vị kỹ thuật khác do trung tướng Nguyễn Chơn, Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp chỉ huy. Từ ngày 20/4/1984, ta triển khai lực lượng bao vây, áp sát khu căn cứ 547. Đúng 7 giờ ngày 25/4/1984, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công căn cứ 547. Sáng 27/4/1984, trận đánh kết thúc, quân ta đã xóa xổ toàn bộ sở chỉ huy căn cứ 547 của địch”, ông Hùng kể.

 

Bà Lê Thị Vân (phải) trao mì ăn liền cho mỗi phòng trọ gia đình ở phường 8, TP Tuy Hòa. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Tuổi cao gương sáng

 

Sau ngày giải phóng, ông Nguyễn Thành Bích công tác tại Ty Lương thực Phú Yên rồi Ty Lương thực Phú Khánh. Gắn bó với ngành Lương thực nhiều năm, là Kế toán trưởng Phòng Lương thực huyện Khánh Linh; Trưởng Phòng Tài vụ Công ty Lương thực TX Tuy Hòa, đến năm 1995, ông được điều động giữ chức Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Cục Quản lý doanh nghiệp Phú Yên, rồi Phó Trưởng phòng, Trưởng Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp Sở Tài chính, đến 2016 nghỉ hưu. Với vai trò Bí thư chi bộ, Khu phố trưởng khu phố Chu Văn An (phường 5, TP Tuy Hòa) và hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Phú Yên, ông luôn phát huy vai trò “tuổi cao gương sáng” của người cao tuổi và cựu TNXP.

 

Sau ngày giải phóng, bà Lê Thị Vân cùng gia đình trở về quê sinh sống. Sau nhiều năm tiếp tục gắn bó với ngành Y, làm nhiệm vụ phòng dịch, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đến năm 2012, bà nghỉ hưu, được bầu vào Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên. Với vai trò ủy viên ban chấp hành kiêm Trưởng Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn Phú Yên, bà Vân luôn năng nổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

CCB Lê Hùng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về gia đình, ông được đồng đội tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố Nguyễn Thái Học suốt 25 năm qua; là thành viên ban bảo vệ dân phố hơn 20 năm nay.

 

Chung tay phòng chống dịch

 

Mặc dù đã lớn tuổi, sức khỏe giảm sút, nhưng trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các CCB Nguyễn Thành Bích, Lê Thị Vân, Lê Hùng và nhiều CCB khác luôn sẵn sàng “xung trận”. Không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong khu phố thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, ông Bích còn đóng góp tiền mua nhu yếu phẩm tặng các chốt kiểm soát dịch; tham gia túc trực ở 2 chốt phong tỏa thuộc tổ 10, hẻm 69 Duy Tân, khu phố Chu Văn An, phường 5.

 

Bà Vân ngoài ủng hộ mỗi phòng trọ gia đình 1 thùng mì ăn liền, bà còn tích cực kêu gọi, vận động hội viên đóng góp tiền mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ các bếp ăn từ thiện ở Sông Hinh, nhóm tình nguyện 0 đồng, các chốt phong tỏa…

 

Là thành viên của đội phản ứng nhanh khu phố, khi xã Bình Kiến thiết lập các chốt phong tỏa do có người nhiễm SARS-CoV-2, CCB Lê Hùng mang rau muống nhà trồng, hết lứa này đến lứa khác ủng hộ lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt và “chợ 0 đồng”. Ông bộc bạch: “Rau nhà trồng mà. Tôi muốn chia sẻ một phần công sức của mình để cùng mọi người vượt qua đại dịch này”.

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp