Người đi qua hai cuộc chiến

Thứ sáu - 04/06/2021 05:57
91 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, cả thời chiến cũng như thời bình, ông Tám Anh đều mang hết tâm sức làm việc, cống hiến cho cách mạng, cho quê hương, xứng đáng với truyền thống bản chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

91 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, cả thời chiến cũng như thời bình, ông Tám Anh đều mang hết tâm sức làm việc, cống hiến cho cách mạng, cho quê hương, xứng đáng với truyền thống bản chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

 

Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hòa Thành (TX Đông Hòa), tôi tìm gặp ông Tám Anh. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ngăn nắp, gọn gàng, đối diện tôi là người CCB tuổi đã ngoài thượng thọ nhưng vẫn toát lên sự mạnh mẽ, dứt khoát đúng “chất” Bộ đội Cụ Hồ. Khi nhắc đến những năm tháng tham gia đánh giặc, ông rành rọt kể…

 

Gần 30 năm trong quân ngũ

 

Ông Tám Anh tên thật là Võ Ngọc Anh, sinh ra và lớn lên tại vùng quê Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành, huyện Tuy Hòa (nay là TX Đông Hòa). Năm 1950 khi đang học hệ 10/10 tại Trường trung học Thị Nại (Bình Định), chàng thanh niên Võ Ngọc Anh xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường tòng quân đánh giặc. Ông được phân vào Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 365 (Tiểu đoàn Lá Mít) và cùng với đồng đội liên tục hành quân chiến đấu trên tất cả các chiến trường Khu 5. Sau đó, ông được đi học Trường Sĩ quan Thông tin, tốt nghiệp trở lại đơn vị được bổ nhiệm làm Trung đội phó rồi Trung đội trưởng Trung đoàn 803.

 

Suốt thời kỳ chống Pháp, ông phụ trách đội thông tin, tham gia đánh địch trên các chiến trường từ Quảng Nam vào Khánh Hòa, Tây Nguyên. Nói về trận đánh địch ở cứ điểm Đắk Đoa (Gia Lai) trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên cách nay gần 67 năm, ông Anh nhớ lại:

 

Đắk Đoa là cứ điểm mạnh do hai đại đội của Binh đoàn cơ động 100 chiếm giữ. Cứ điểm có hệ thống công sự, lô cốt khá vững chắc. Vì vậy, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định đưa Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803 tiếp tục phát triển về hướng Pleiku.

 

Đêm 16 rạng sáng 17/2, cùng lúc ta tổ chức tiến công cứ điểm Đắk Đoa và tập kích TX Pleiku. Trung đoàn 803 tổ chức hai mũi tiến công vào cứ điểm Đắk Đoa. Mũi chủ yếu phát triển khó khăn, mũi thứ yếu thuận lợi hơn. Trong lúc đánh nhau, địch đánh bom làm điện thoại đứt, máy hỏng. Tôi luôn luôn bám sát giữ đầu mối liên lạc, chạy bộ từ khẩu đội này đến khẩu đội khác để truyền lệnh. Cuộc chiến đấu giữa quân ta với địch kéo dài hơn 8 tiếng, đến sáng 17/2, ta đã làm chủ Đắk Đoa, xóa sổ hai đại đội địch, bắt sống 150 tên lính Âu - Phi.

 

Trải qua hơn 20 ngày đêm chiến đấu của quân và dân ta, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên kết thúc. Đây là một thắng lợi lớn trong cuộc chiến Đông Xuân 1953-1954. Thắng lợi của chiến dịch còn có ý nghĩa buộc địch phải ngừng cuộc hành quân Át-lăng, rút 6 tiểu đoàn bộ binh và dù lên ứng cứu cho Tây Nguyên, xây dựng hai tập đoàn cứ điểm ở Pleiku và An Khê.

 

Chiến dịch Bắc Tây Nguyên đã đánh bại ý đồ “chủ động tiến công trước” và làm phân tán hơn nữa khối cơ động chiến lược của Nava trên chiến trường Đông Dương. Theo ông Tám Anh, thành công của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên là ở chỗ ta đã chọn cách đánh hay cả về chiến dịch và chiến thuật, tổ chức hiệp đồng toàn diện, có hiệu quả trên địa bàn toàn liên khu.

 

Hiệp định Geneve được ký kết, ông Tám Anh tập kết ra miền Bắc, bổ sung vào Sư đoàn 324 đóng ở Đô Lương (Nghệ An). Ông được phân công làm Trợ lý thông tin của sư đoàn và kiêm nhiệm Đại đội trưởng Huấn luyện báo vụ vô tuyến điện thông tin của Tiểu đoàn 17. Năm 1962, ông được điều đi huấn luyện ở Xuân Mai, Hà Đông (Hà Nội). Năm 1964, kết thúc khóa huấn luyện ông được phân công làm Chủ nhiệm thông tin của Trung đoàn 320 lên đường đi B chiến đấu.

 

Ông Võ Ngọc Anh năm 1960. (Ảnh nhân vật cung cấp)

 

Cho đến nay, đã hơn 56 năm trôi qua, nhưng ông vẫn còn nhớ rõ về trận đánh địch trên đường 19 kéo dài. Ông Tám Anh kể: “Trận vận động tiến công trên đường 19 năm 1965 ta tiêu diệt và làm thiệt hại nặng Chiến đoàn Thủy quân lục chiến số 5, Chiến đoàn Thiết giáp 3 và Tiểu đoàn Biệt động quân 21, góp phần đẩy quân ngụy ở Tây Nguyên vào thế hoang mang, suy sụp. Trong trận này tôi bị thương nặng ở làng Zịt (Đức Cơ) được đồng đội đưa vào bệnh viện điều trị”.

 

Sau khi lành bệnh, ông Anh được điều về làm giáo viên huấn luyện thông tin ở B3 (Tây Nguyên). Năm 1969, ông đi học trung cao tại Hà Nội, đến năm 1972 trở vào Nam và được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Sĩ quan B3 đóng quân ở Sa Thầy (Ia H’Drai, Kon Tum) cho đến năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Anh về làm giáo viên huấn luyện Trường Quân sự Quân khu 5 (Đà Nẵng) cho đến năm 1979 nghỉ hưu với cấp bậc đại úy.

 

Gần 30 năm gắn bó trong quân đội, được luân chuyển qua nhiều đơn vị, vị trí công tác, ông Anh đã cùng đồng đội xuyên suốt tham gia trên 30 trận đánh lớn, nhỏ trên các chiến trường như: trận Tuy Bình (Sơn Thành, huyện Tuy Hòa); trận Đồng Thân (Ninh Hòa, Khánh Hòa) diệt một đại đội gồm 120 tên Âu - Phi, bắt sống 17 tên, thu 2 đại liên, 9 trung liên, 2 súng cối, nhiều súng trường và tiểu liên báng gấp; trận tấn công hạ đồn Ainu (nằm cạnh đường 7, gần bến phà bên bờ sông Ba), bắt 15 tên địch, trong đó có tên đồn trưởng và giải thoát 40 đồng bào ta bị địch giam cầm; trận đánh Sư đoàn Không vận Gia Lai của lực lượng B3 tiêu diệt toàn bộ lực lượng không lực Hoa Kỳ số 1…

 

Hơn 20 năm vì sự phát triển của quê hương

 

Năm 1980, đại úy Võ Ngọc Anh trở về quê hương sinh sống cùng với gia đình, được bà con địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX Hòa Thành Tây. Gần 30 năm ở trong môi trường quân đội, từ người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc, qua năm tháng đã tôi rèn ông trở thành người cán bộ thông tin có nhiều kinh nghiệm trên chiến trường và huấn luyện tân binh.

 

Nhưng nhiệm vụ mới trong thời bình đã làm ông luôn trăn trở, suy nghĩ. Trước thực tế quá khó khăn của HTX, ông đứng ra vận động bà con trong vùng thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhất là tạo các mối liên kết, đầu tư con gì, giống gì, tiêu thụ thế nào… đều đưa ra tập thể bàn bạc cụ thể trước khi triển khai thực hiện.

 

Ông Tám Anh linh hoạt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm mới và tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX Hòa Thành Tây hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực. Chính vì vậy, 100% xã viên vào HTX, xây dựng cánh đồng mẫu 20ha/20 tấn, đưa phong trào chăn nuôi heo, bò phát triển, vận động bà con đi làm kinh tế mới với mô hình chăn nuôi bò đàn ở Sơn Thành…

 

Với sự “cầm lái” của ông Tám Anh, HTX Hòa Thành Tây đã từng bước vượt qua khó khăn, chuyển đổi cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả trở thành HTX vững mạnh nhất của huyện Tuy Hòa (cũ) và được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

 

Gần 10 năm cống hiến xây dựng HTX Hòa Thành Tây vững mạnh, đến năm 1989, ông Tám Anh được bầu làm Chủ tịch Hội CCB huyện Tuy Hòa, rồi tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB huyện Đông Hòa (nay là TX Đông Hòa) và kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Ban Pháp chế HĐND huyện khóa VII, đến năm 2007 ông nghỉ hưu. “Tuy tôi đã được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng không có nghĩa là chỉ ăn và nghỉ, mà phải tiếp tục nghĩa vụ của người đảng viên cộng sản là sẵn sàng làm điều gì có lợi cho Đảng, cho bà con ở địa phương mình thì sẽ cống hiến hết mình”, ông Tám Anh trải lòng.

 

Ông Võ Thanh Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Thành nhìn nhận: “Ông Võ Ngọc Anh đã tham gia trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội, ông tiếp tục có nhiều đóng góp trong việc xây dựng đưa HTX Hòa Thành Tây đi lên, dẫn đầu của huyện trong thời kỳ bao cấp. Ông luôn gương mẫu trong lối sống, công việc nên được mọi người kính trọng, tin tưởng, yêu mến”.

 

Với những thành tích trong những năm tham gia kháng chiến, ông Võ Ngọc Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất; Huân chương Giải phóng hạng nhất và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp