Ông Mười Đẹt

Thứ sáu - 09/04/2021 10:08
Đã bước sang tuổi đại thọ nhưng ông Dương Dụ (bí danh Mười Đẹt), nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1 còn rất minh mẫn. Ông vẫn nhớ như in từng kỷ niệm một thời lửa đạn và những năm tháng chinh chiến tại quê nhà

Đã bước sang tuổi đại thọ nhưng ông Dương Dụ (bí danh Mười Đẹt), nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1 còn rất minh mẫn. Ông vẫn nhớ như in từng kỷ niệm một thời lửa đạn và những năm tháng chinh chiến tại quê nhà trong giai đoạn khốc liệt nhất.

 

Sớm giác ngộ cách mạng

 

Là con thứ năm trong một gia đình nông dân ở xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa (nay là xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa), ba mất sớm, mẹ làm cơ sở cách mạng tại địa phương, cũng như nhiều thanh thiếu niên hồi ấy, cậu bé Dương Dụ sớm giác ngộ cách mạng, tham gia đội Tự vệ đỏ của xã. Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng tố chất lanh lợi nên ông được phân làm liên lạc cho Ủy ban Khởi nghĩa khu Đồng Bò. Cũng kể từ đây, ông mang bí danh Mười Đẹt.

 

Ngày 23/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Việt Minh khu Đồng Bò, đội Tự vệ đỏ cùng các lực lượng tham gia huy động quần chúng nhân dân các tổng: Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Đồng kéo đến bao vây Nhà máy đường Đồng Bò và trại lính Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Dương Dụ đi học lại hết bậc tiểu học; tham gia Ban Chấp hành Xã đoàn Hòa Mỹ, trực tiếp lãnh đạo Chi đoàn Thanh niên thôn Phú Thuận rồi học tiếp bổ túc văn hóa (ở xã Hòa Phong). Sau đó, ông được bầu làm Tổ trưởng Tổ liên lạc Xã đội Hòa Mỹ, phụ trách tác chiến. Nhớ lại chiến tích Sông Ba - Trường Lạc, ngăn không cho địch đánh phá đập Đồng Cam, ông Dụ kể: “Khoảng 9 giờ sáng, đại đội đi đầu của Tiểu đoàn 365 (còn gọi là Tiểu đoàn Lá Mít) lên đến Trường Lạc (thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây hiện nay) triển khai đội hình phục kích chặn địch.

 

Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 365 tiến công từ hướng đông lên, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 84 từ phía tây xuống tấn công vào sườn địch, vừa đánh vừa hình thành thế trận bao vây ép địch ra bờ sông Ba. Sau 2 giờ chiến đấu ác liệt, quân địch lâm vào thế yếu buộc phải tháo chạy. Ta tiêu diệt hơn 100 tên địch, thu 6 thùng thuốc nổ, giải thoát hơn 100 người dân bị địch bắt, bảo vệ an toàn đập Đồng Cam”. Địa điểm diễn ra trận đánh này đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 28/5/2019.

 

Có mặt trên những chiến trường khốc liệt

 

Sau một thời gian hoạt động ở quê nhà, Mười Đẹt cùng đồng đội tham gia đánh địch khắp nơi trong tỉnh với nhiều trận đánh vang lừng một thời như: tập kích đồn Tuy Bình (Đức Bình Tây, Sông Hinh), chống càn ở thôn Bàn Nham, cầu Bàn Thạch (Hòa Xuân), đánh địch ở núi Sầm (Hòa Trị), tổ chức đốt kho xe địch ở TX Tuy Hòa, đánh đồn Lạc An (Ninh Hòa, Khánh Hòa)...

 

Tháng 7/1954, Mười Đẹt nhận lệnh tập kết ra miền Bắc nhưng khi vừa đến ga Diêu Trì (Bình Định) thì phải quay trở lại. Ông được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên rút về hoạt động hợp pháp trong lòng địch tại địa phương, được giao phụ trách thanh niên của xã, xây dựng nơi hội họp và nghỉ ngơi của cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh, khu vực tại Gò Vườn (thôn Phú Thọ, xã Hòa Mỹ).

 

Sau đó, Huyện ủy phân công ông phụ trách đường dây hợp pháp các xã phía tây và chuẩn bị 3 trạm liên lạc ở Tuy Hòa 1. Trạm thứ nhất tại nhà bà Huỳnh Thị Lý và ông Nguyễn Vụ ở thôn Phú Thuận. Trạm thứ hai là trạm trung tâm các xã phía tây Tuy Hòa 1 tại nhà đồng chí Nguyễn Thị Luận ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh. Trạm thứ ba tại nhà bà Nguyễn Thị Phán, thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ.

 

Kỷ niệm nhớ nhất trong đời ông là bị địch vây bắt đúng ngày… cưới vợ. Ông Dụ kể lại: “Tháng 1/1956, ngày tôi tổ chức cưới vợ, tối hôm đó các đồng chí cơ sở cũng tổ chức họp để phân công nhiệm vụ đấu tranh chống “luật tuất” tại nhà đồng chí Nguyễn Thị Thúy. Tôi mang thức ăn cho các đồng chí ấy. Không may, cơ sở bị lộ. Sáng hôm sau bọn lính kéo đến bao vây quanh nhà tôi, khi họ gái vừa ra khỏi nhà liền xông vào bắt chú rể - là tôi”. 

 

Vợ chồng ông Dụ. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Sau 18 tháng giam cầm ông ở nhà lao Ngọc Lãng, bị tra khảo với mọi hình thức, nhưng không khai thác được gì, địch thả ông ra. Trở về địa phương, ông tiếp tục hoạt động cho đến khi Nghị quyết 15 của Đảng ra đời và được Huyện ủy Tuy Hòa 1 điều động ra căn cứ rồi đưa đi đào tạo cán bộ cấp trung đội lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh. Kết thúc khóa học, ông được phân công về huyện Tuy Hòa 1 xây dựng LLVT chuẩn bị diệt ác ôn và tham gia Đồng khởi Hòa Thịnh.

 

Ông Dụ nhớ lại: “Khi có mật lệnh, chi bộ đảng và nhân dân xã Hòa Thịnh khẩn trương vận động rút toàn bộ thanh niên đưa ra vùng căn cứ; đưa cơ sở nội tuyến bắt mối vận động, lôi kéo lực lượng dân vệ, phân hóa cao độ kẻ thù. Đúng 19 giờ ngày 22/12/1960, cuộc đồng khởi bắt đầu. Do được vận động từ trước, nên khi nghe tiếng súng nổ, hàng ngàn quần chúng từ các hướng đổ ra đường, mang theo gậy gộc, giáo mác cùng LLVT của huyện vừa tấn công, vừa nổi dậy truy bắt bọn tề ngụy, rồi tập trung về trụ sở xã tại thôn Mỹ Xuân dự mít tinh”. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh được Khu ủy V đánh giá “là điểm mở Hòa Thịnh trở thành xã đầu tiên của đồng bằng Khu V do chính quyền cách mạng làm chủ”.

 

Sau Đồng khởi Hòa Thịnh thắng lợi, ông được phân công làm Trung đội trưởng LLVT Miền Tây (huyện Tuy Hòa 1) và vinh dự được đứng vào đội ngũ của Đảng ngày 1/1/1961. Thời gian này, Trung đội Miền Tây tham gia nhiều trận đánh ác liệt, như: trận Cây Gòn (thôn Mỹ Lâm), trận Mả Ông Di (thôn Mỹ Phú, xã Hòa Thịnh), trận đánh phá khu trù mật thôn Bình Sơn (xã Hòa Phong). Đặc biệt, năm 1962, trung đội ngăn chặn địch cướp lúa của bà con nông dân ở Mỹ Điền (xã Hòa Thịnh), đánh Đại đội Nghĩa Dũng Đoàn ở thôn Mỹ Thạnh Trung (xã Hòa Phong)... Sau đó, ông được bầu làm Phó Bí thư chi bộ và là mũi trưởng phụ trách 3 thôn: Phú Nhiêu, Phụ Thuận, Phú Thọ (xã Hòa Mỹ).

 

Đến năm 1965, sau khi xây dựng thành công 2 vùng lõm trong vùng địch ở xóm Rừng (thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng) và thôn Phước Thành Nam (xã Hòa Thành), ông Mười Đẹt được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1 phụ trách các xã miền tây và miền đông của huyện. Ông cũng là người trực tiếp chỉ huy trận đánh cảng Vũng Rô (năm 1967), sau đó đánh sân bay Đông Tác và đốt kho xăng dầu của địch ở thôn Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp), rồi tiếp tục triển khai đánh địch ở Phước Lộc (Hòa Thành)… Năm 1973, ông được bầu làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam huyện Tuy Hòa 1, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy và phụ trách Ban Tuyên giáo. Năm 1974, ông được đưa ra miền Bắc điều trị bệnh.

 

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt

 

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Dương Dụ tiếp tục công tác và kinh qua các chức vụ: Tỉnh ủy viên, Bí thư Dân chính đảng tỉnh, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, Bí thư Nông hội tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Nông hội Khu V, Trưởng Ban Sản xuất tỉnh (sau này là Giám đốc Sở Nông nghiệp), Ủy viên Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên. Sau khi sáp nhập tỉnh Phú Yên với Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, ông tham gia một số trọng trách cho đến khi nghỉ hưu năm 1984. Nhiệm vụ nào ông cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất.

 

Trở về địa phương, ông tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tại quê nhà, tham gia biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Hòa, lịch sử xã Hòa Mỹ, truyền thống Đồng khởi Hòa Thịnh và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng quê hương Phú Yên. Trong ngôi nhà đơn sơ, thoáng mát ở thôn Phú Thuận (xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa), hàng ngày ông luôn cận kề để chăm sóc, lo cơm nước cho người bạn đời đã gần 10 năm nay không đi lại được. 

 

So với bao nhiêu đồng chí, đồng đội, đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương, tôi là người may mắn. Vì thế, phải luôn sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của bao người.

 

Ông Dương Dụ

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp