Ký ức chiến trường của những chiến sĩ khoác áo blouse trắng

Thứ sáu - 26/02/2021 08:31
Là chứng nhân của một thời khói lửa đạn bom, giờ đây đều đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, song những năm tháng làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh trên chiến trường vẫn còn khắc sâu trong tâm trí họ.

Là chứng nhân của một thời khói lửa đạn bom, giờ đây đều đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, song những năm tháng làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh trên chiến trường vẫn còn khắc sâu trong tâm trí họ.

 

Kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2021), chúng tôi có dịp gặp các chiến sĩ mặc áo blouse trắng Lê Văn Bột, Đoàn Thị Thanh Liêm, Lê Thị Minh Ngọt và nghe họ kể lại tường tận nhiệm vụ người thầy thuốc quân y thời chiến tranh.

 

Tận tụy phục vụ

 

Ông Lê Văn Bột nhập ngũ tháng 9/1950, được biên chế vào Trường tân binh Lê Hồng Phong (đóng quân tại chợ Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An). Trước đó, ông dạy “bình dân học vụ” cho người không biết chữ trong làng. Vì ông có trình độ nên cấp trên phân công phụ trách kinh tế của một đại đội. Sau một thời gian, thấy công việc không phù hợp nên ông xin chuyển qua làm văn phòng của trường. Phòng làm việc của ông gần bệnh xá, lúc nào rảnh thì ông qua giúp việc cho y tá trưởng như vẽ băng rôn, khẩu hiệu và phụ chăm sóc thương binh. Đây cũng là cái duyên đưa ông đến với ngành Y.

 

“Y tá trưởng thấy tôi có năng khiếu và trình độ nên ông đưa tài liệu để tôi tự học. Sau đó, ông ấy đề xuất lên cấp trên cho tôi đi học y khoa rồi về làm việc tại bệnh xá của trường. Đến năm 1952, trường giải tán, tôi được chuyển về làm y tá ở cánh B37 độc lập tại Xuân Lộc, Đồng Xuân (nay là TX Sông Cầu)”, ông Bột cho biết.

 

Ông Bột nhớ lại trận càn của lính lê dương Pháp đổ bộ vào nơi đóng quân của B37 độc lập năm 1953: “Mới 6 giờ sáng, chúng đổ bộ. Hai bên đánh nhau quyết liệt. Đến 4 giờ chiều trận chiến mới kết thúc. 8 đồng chí của bên ta hy sinh và 8 chiến sĩ bị thương. Lúc này, chỉ có mình tôi vừa hướng dẫn anh em bị thương nhẹ tự băng bó vết thương, vừa tập trung cứu chữa những ca nặng. Thương binh nào nặng quá thì chuyển lên tuyến trên”.

 

Sau trận càn này, ông Bột tập kết ra miền Bắc, làm việc và học tập tại Bệnh viện 354 của Bộ Quốc phòng. Hàng ngày, ông tiếp xúc và làm việc cùng đội ngũ y, bác sĩ giỏi, vì vậy mà tay nghề dần nâng cao. Năm 1959, ông công tác tại Sư đoàn 305 (đóng quân ở tỉnh Phú Thọ). Đến năm 1960, ông vào E70, lên đường đi B và đóng quân tại Làng Ho, miền Tây của tỉnh Quảng Bình.

 

Năm 1963, đơn vị của ông tham gia mở đường Trường Sơn, vừa làm nhiệm vụ vận chuyển, thồ hàng chi viện vào miền Nam trên 10 cung đường. Mỗi lần đi đến mỗi cung đường phải mất 7-10 ngày đêm. “Để xây dựng bệnh xá cứu chữa cho thương bệnh binh, chúng tôi phải đi chặt cây gỗ, tre, nứa ròng rã gần hai tháng trời. Vừa mới xây xong thì nhận lệnh phải di dời đi nơi khác vì địch rải chất độc hóa học trúng vào nơi đóng quân”, ông Bột nhớ lại.

 

Bất kể ngày hay đêm, đơn vị nào có chiến sĩ bị bệnh, bị thương là ông tức tốc lên đường đến nơi để điều trị. Có lúc nhận điện một chiến sĩ ở đơn vị đó lên cơn sốt rét, ông hướng dẫn ngay cách sơ cứu ban đầu, rồi đến nơi tiếp tục điều trị. Nhiều người trong đoàn vận tải chuyển hàng chi viện hoặc đi B vào Nam chiến đấu bị bệnh hay gặp địch thả bom bị thương trên đường đi, đều được ông kịp thời cứu chữa.

 

“Chuyện sống chết của đồng đội trên cung đường Trường Sơn không thể nói trước được. Mới gặp mặt nhau vài tiếng đồng hồ, lát sau đã nghe tin đồng chí ấy hy sinh trong lúc vận chuyển hàng hóa trên sông”, ông Bột trầm tư nói.

 

Bà Đoàn Thị Thanh Liêm (quê ở xã An Định, huyện Tuy An) nhập ngũ năm 1965, làm chị nuôi ở Ban Tham mưu Tỉnh đội Phú Yên. Năm 1968, bà được học lớp Huyện đội phó ở Quân khu 5. Sau khi tốt nghiệp, bà về làm trợ lý dân quân. Đến năm 1972, địch càn, đánh vào đơn vị Tỉnh đội đóng quân ở Sơn Hòa, bà trúng bom bị thương ở chân, được đồng đội đưa về Bệnh xá Tuy Hòa 1 điều trị. Sau đó, bà đi học y tá, y sĩ rồi về đội phẫu (tuyến trước) của Bệnh xá E100 Hồ Tây.

 

“Năm 1973, ca tôi trực tiếp nhận một đồng chí thương binh bị cụt cả hai chân, mù hai mắt. Vì không chịu nổi vết thương hành hạ, trong đêm đó anh mất luôn trên giường bệnh. Sáng hôm sau khi đi kiểm tra, chăm sóc mới phát hiện…”, bà Liêm bùi ngùi kể.

 

Bà Liêm cho biết, giai đoạn nhiều trận đánh lớn nổ ra, bộ đội thương vong nhiều. Đội ngũ y bác sĩ, hộ lý phải làm việc liên tục không có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ. Dụng cụ y tế thiếu thốn, không có đồ mới, phải dùng lại. Nhiều hôm chăm sóc bệnh nhân xong, cả y tá và bác sĩ vẫn ngồi tại bờ suối để giặt bông băng, gạc cũ.

 

Trong chiến tranh, y tá tại hậu phương đã cực nhọc, ở tuyến đầu còn vất vả hơn cả trăm lần. Vừa chịu áp lực từ bom đạn, vừa chịu lực từ việc cứu chữa đồng đội bị thương. Công việc vất vả, ăn uống thì rất kham khổ, thức ăn chủ yếu là củ hũ chuối, rau rừng, sắn, bắp. Ấy vậy mà anh chị em vẫn chia nhau ăn ngon lành, vui vẻ.

 

Bà Đoàn Thị Thanh Liêm (trái) cùng đồng nghiệp tại F108 năm 1975. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Sống giản dị, chan hòa

 

Sau 8 năm làm nhiệm vụ cứu thương, chữa bệnh cho chiến sĩ trên đường Trường Sơn, năm 1968, ông Lê Văn Bột được đưa ra miền Bắc học Trường đại học Quân y Hà Tây (nay là Học viện Quân y), sau đó về công tác tại Bệnh viện 112 Quảng Bình. Năm 1973, Bệnh viện 112 giải thể, ông được cử đi học tại Liên Xô nhưng vì còn con nhỏ nên ông xin ở lại làm giáo viên Trường trung cấp Chuyên khoa của Cục Quân y ở Bắc Ninh. Từ năm 1976, ông công tác tại Đoàn 860 Quân khu 5 (An Sơn, Nghĩa Bình), cho đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Nhiều năm ông tham gia Hội thẩm TAND TX Tuy Hòa; chăn nuôi, tăng gia sản xuất lo cho các con ăn học nên người.

 

Còn bà Liêm, công tác tại Bệnh xá 108 cho đến ngày giải phóng. Những năm tháng cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bà được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng 1, 2, 3; Huân chương Chiến công hạng 1, 2, 3; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Năm 1985 bà về hưu, được bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Ninh Tịnh (xã Bình Kiến, nay là phường 9, TP Tuy Hòa) suốt 15 năm và cộng tác viên dân số suốt 20 năm. Bà được các cấp, hội tặng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương.

 

Trong chiến tranh, y tá tại hậu phương đã cực nhọc, ở tuyến đầu còn vất vả hơn cả trăm lần. Vừa chịu áp lực từ bom đạn, vừa chịu lực từ việc cứu chữa đồng đội bị thương. Công việc vất vả, ăn uống thì rất kham khổ, thức ăn chủ yếu là củ hũ chuối, rau rừng, sắn, bắp. Ấy vậy mà anh chị em vẫn chia nhau ăn ngon lành, vui vẻ.

 

Bà Đoàn Thị Thanh Liêm

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp