Chuyện tù chính trị yêu nước đào hầm vượt ngục

Thứ sáu - 04/12/2020 07:23
Ông Khanh năm nay 74 tuổi, hiện cư trú khu phố Bạch Đằng, phường 6, TP Tuy Hòa. Câu chuyện trên được ông cùng đồng đội cất giữ suốt 48 năm qua, nay mới mở lòng.

Đó là vào năm 1972 tại nhà tù Phú Quốc. “Trước khi tiến hành đào hầm, chúng tôi tìm hiểu rất kỹ và vẽ sơ đồ đường đi của đường hầm, nhờ anh em đi tạp dịch nhặt cho những bao cước cũ mang về cất giấu trong phòng, rồi lấy trộm cán cà mèn (thường dùng để đựng thức ăn) bằng i-nox cắt ra làm cây xắn đất để đào”, ông Trần Ngọc Khanh cựu tù chính trị yêu nước nhà tù Phú Quốc kể lại.

 

Ông Khanh năm nay 74 tuổi, hiện cư trú khu phố Bạch Đằng, phường 6, TP Tuy Hòa. Câu chuyện trên được ông cùng đồng đội cất giữ suốt 48 năm qua, nay mới mở lòng.

 

Ông Khanh xem lại những kỷ vật và thành tích đạt được trong những năm tháng hoạt động cách mạng. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Xung phong vào bộ đội

 

Năm 1964, anh thanh niên tuổi 18 Trần Ngọc Khanh ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An được giao nhiệm vụ nắm tình hình của địch cung cấp cho cách mạng và chuyển tài liệu mật từ thôn, xã lên vùng căn cứ. Sau đó, ông được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đến năm 1966, ông xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Huyện đội Tuy An, rồi trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 85, Tỉnh đội Phú Yên.

 

Ở đơn vị này, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh địch, trong đó có trận Hòn Kén (Tuy An) năm 1966. “Hồi đó là lính mới nên được phân công nhiệm vụ gì tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành. Khi đơn vị nhận nhiệm vụ đánh địch tại Hòn Kén, chúng tôi tập trung chuẩn bị hành trang xuống tiếp cận tới An Lĩnh, sau đó hành quân phục kích đánh địch. Trận đánh diễn ra suốt đêm. Hai bên tranh chấp quyết liệt. Cuối cùng quân ta đã làm chủ trận địa”, ông Khanh nhớ lại.

 

Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, quân ta tấn công vào TX Tuy Hòa lần 2, ông Khanh kể: Đêm 4/2/1968 nhằm mùng 5 Tết, Tiểu đoàn 85 chia làm hai, một mũi đánh vào khu Ga và một mũi đánh vào Nhà đèn, tôi ở mũi này. Sau đó, hai mũi cùng phối hợp đánh vào Tỉnh đường, Tiểu khu…

 

Tôi bị trúng đạn ở chân, được đội y tế băng bó vết thương rồi lùi về phía sau, ở trong nhà dân. Khi đơn vị rút ra tới Trung tâm Chiêu hồi, đường Nguyễn Huệ, phường 5 bây giờ thì bị địch phục kích. Tất cả tản ra. Đến tối 6/2, quân ta mới rút ra khỏi TX Tuy Hòa về đứng chân tại Ninh Tịnh. Hôm sau, địch tái chiếm được cứ điểm này, lục soát khắp nơi. Tôi bị bắt đưa về Trung đoàn bộ 47 rồi chuyển lên Trại giam tù binh Pleiku (Gia Lai).

 

Đào hầm bằng cán cà mèn

 

Ngày 16/4/1968, ông Khanh cùng với hàng trăm đồng đội bị đưa ra Trại giam tù binh Phú Quốc. Trại giam này rất lớn, bao gồm 48 phân khu. Mỗi phân khu có 9 căn nhà lợp tôn, mỗi căn giam từ 80-90 tù binh. Bao quanh mỗi phân khu có 10 lớp hàng rào thép gai và tháp canh ở các góc. Điện sáng suốt đêm. Để chống tù binh vượt ngục bằng đường hầm, bên ngoài hàng rào có một đường hào sâu tới 3m và quân cảnh thường xuyên dùng máy dò tìm đường hầm.

 

Ông Khanh được phân vào Trại 6, Phân khu A6. Một năm sau, ông móc nối với tổ chức Đảng trong nhà tù và sinh hoạt ở Chi bộ phòng 4. Ở trong tù nhưng mỗi tháng chi bộ đều tổ chức họp định kỳ, phòng nào họp theo phòng đó, không qua lại để tránh nghi ngờ của giám thị.

 

Sau gần 4 năm bị giam cầm ở địa ngục trần gian này, ông Khanh và một số đồng chí khác được bí thư chi bộ tin tưởng giao nhiệm vụ đào hầm vượt ngục. Ông Khanh kể: Trước khi tiến hành đào hầm, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ và vẽ sơ đồ đường đi của đường hầm, nhờ anh em đi tạp dịch nhặt những bao cước cũ mang về cất giấu kỹ. Có lần, tôi ra ngoài lao động tìm lượm bao cước, giám thị thấy vậy hỏi, tôi bảo mang về may quần mặc nên chúng lờ luôn. Thời gian đào hầm vào ban đêm, lúc mọi người còn thức cho đến khi đi ngủ thì ngưng.

 

Chúng tôi lấy trộm cán cà mèn (thường dùng để đựng thức ăn) bằng inox cắt ra làm cây xắn đất rồi đào trong tư thế ngồi thẳng đứng, lấy hai vai và hai đầu gối trước làm cân bằng. Đường hầm được khoét có chiều sâu 3m, chiều rộng 6 tấc vừa lọt đủ thân người. Sau khi đào được ngụy trang bằng tấm ván che miệng hầm. Nhiều lúc đang đào, phát hiện có giám thị đi ngang qua, anh em ra hiệu lấy tấm ván đậy miệng hầm lại rồi ngồi lên trò chuyện, chờ giám thị đi qua khỏi thì tiếp tục đào.

 

Ông Khanh (thứ 7 hàng sau, từ phải qua) cùng đồng đội trở lại thăm nhà tù Phú Quốc năm 1997, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Theo ông Khanh, vất vả nhất khi đào hầm là thiếu oxy. Lúc đầu chỉ 1-2 người đào, sau là 3 người thay phiên nhau đào. Tù binh vốn dĩ ốm yếu, chui trong một đường hầm chật hẹp, tối tăm, thiếu oxy nên dễ bị ngộp. Vì vậy cứ cách chừng 8-10m họ phải làm một lỗ thông hơi. Trong khu có 9 phòng nhưng chỉ có phòng 3, 4, 9 tổ chức đào hầm.

 

Khi tôi thắc mắc về số lượng đất được đào ra thì làm như thế nào để bọn cai ngục, giám thị không hay biết? Ông Khanh giải thích: “Đào được bao nhiêu đất, chúng tôi ém thật chặt vào hai bên hông đường hầm. Đất còn thừa thì cho vào bao cước nhỏ rồi giấu kín mang ra phía sau khu trại đào hố đổ đất này xuống rồi lấp lại như cũ. Cứ như thế, ròng rã một tháng rưỡi”.

 

Đào được bao nhiêu đất, chúng tôi ém thật chặt vào hai bên hông đường hầm. Đất còn thừa thì cho vào bao cước nhỏ rồi giấu kín mang ra phía sau khu trại đào hố đổ đất này xuống rồi lấp lại như cũ.

 

      Ông Trần Ngọc Khanh

Nhưng khi đào đến giai đoạn cuối thì bị giám thị lục soát phát hiện, ông Khanh cho biết. Bọn cai ngục bắt tất cả tù binh Phân khu A6 tra hỏi, kêu gọi tự nhận tội nếu không sẽ dùng hình thức tra khảo để tìm ra người tổ chức đào hầm. Khi ấy, không để anh em phải chịu cực hình tra tấn của địch, rồi có người chịu không nổi thì sẽ khai ra làm ảnh hưởng đến các khu khác nên ông Khanh và hai đồng đội là Thành (quê Khánh Hòa), Điểm (quê Sông Cầu) đứng ra nhận trách nhiệm.

 

Chúng dùng nhiều hình thức tra tấn để khai thác thêm thông tin về tổ chức nhưng trước sau ông cùng đồng đội chỉ nói rằng ở trong tù khổ quá nên rủ nhau đào hầm trốn ra ngoài. Chúng đưa ông giam vào chuồng cọp một thời gian rồi chuyển sang Khu B2. Sau đó, chúng cho người lấp hầm và chuyển toàn bộ khu trại đó đi nơi khác, tổ chức tuần tra, kiểm soát gắt gao hơn.

 

Ngày 27/3/1973, ông được trao trả tù binh tại Thạch Hãn, Quảng Trị rồi ra Bắc học quân sự, chính trị. Tháng 4/1974, ông Khanh trở lại chiến trường B tham gia chiến đấu cho đến ngày giải phóng, sau đó làm Trợ lý Chính trị ở Huyện đội Tuy Hòa 2 rồi nghỉ do mất sức lao động 65%.

 

Sau khi về nghỉ mất sức, ông Khanh được tín nhiệm bầu làm Quản lý Tiểu thủ công nghiệp cá thể rồi Chủ nhiệm HTX mua bán, Bí thư Đảng ủy phường 6 (TX Tuy Hòa), Bí thư Chi bộ khu phố Bạch Đằng và Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước phường 6, từ năm 2012 cho đến nay.

 

Ở tuổi 74, sức khỏe cũng yếu dần, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương cũ gây đau nhức thấu xương, song ông Khanh vẫn sống chung với chúng và miệt mài chăm lo công tác hội, vui vầy với con cháu. “Con cái giờ đây đã ra riêng hết rồi nên tôi cũng mừng. Thỉnh thoảng vết thương trong người cũng giở chứng, nhưng với cuộc sống hiện tại, tôi không có gì để phàn nàn”, ông Khanh tâm sự.

 

Ông Lê Văn Thống, Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước TP Tuy Hòa nói về người đồng đội của mình: Trong nhà tù của kẻ thù, ông Trần Ngọc Khanh thể hiện bản chất kiên trung của một người tù chính trị yêu nước. Khi về nghỉ mất sức, ông tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể ở địa phương; luôn quan tâm, chăm lo, thăm hỏi, động viên đời sống vật chất, tinh thần của đồng đội, nhiều năm liền được các cấp hội khen thưởng. Ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng những phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 1, 2, 3; Huân chương Kháng chiến hạng 3; Huân chương Chiến công hạng 2; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… 

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp