Ký ức Trường Sơn của hai cựu chiến binh

Thứ năm - 14/01/2021 23:51
Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong ký ức của các cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Đức, Trần Hữu Đá vẫn còn khắc sâu về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong ký ức của các cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Đức, Trần Hữu Đá vẫn còn khắc sâu về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đó là những đêm trinh sát, phá đá mở đường xuyên rừng dưới mưa bom, bão đạn. Đó là những ngày lội suối, trèo đèo hành quân vào Nam chiến đấu. Đó là những phút giây cận kề bên cái chết, tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi…

 

Ông Trần Văn Đức cùng các con năm 1986. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

1. CCB Trần Văn Đức sinh ra và lớn lên ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tháng 5/1971, đang học lớp 10/10, chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp nhưng chàng trai trẻ vừa tròn 17 tuổi này tạm gác lại việc học, viết đơn xin nhập ngũ và trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 51 Quân khu 3. Sau khóa huấn luyện 3 tháng, Trần Văn Đức cùng hàng ngàn người con đất Bắc lên đường hành quân vào Nam chiến đấu. “Khi đơn vị vào đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tôi được phân về Đại đội cối 82 Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320 và tiếp tục huấn luyện tại đơn vị này. Đến tháng 12/1971, sư đoàn hành quân vào miền Nam, đến Trạm 1 cơ giới Trường Sơn rồi xuyên qua đường Tây Trường Sơn băng qua Lào trước khi đến đến Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) tháng 2/1972.

 

Hy sinh tuổi thanh xuân, đã từng góp sức làm nên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, khi trở về với đời thường, các CCB Trần Văn Đức, Trần Hữu Đá vẫn luôn giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước của địa phương, được người dân quý mến.

Ông Đức nhớ lại: “Lúc ấy, tôi chỉ 45kg, nhưng mang ba lô bằng trọng lượng cơ thể mình và còn vác nòng cối 82. Chúng tôi hành quân trên đường Trường Sơn hai tháng trời ròng rã, cứ đi ba ngày thì nghỉ một ngày để tắm rửa, giặt giũ. Ban đêm lạnh thấu xương, muỗi rừng đốt, đỉa, vắt bám đầy, nhiều người bị bệnh sốt rét rừng hành hạ nhưng vẫn cố gắng bám theo đồng đội. Vất vả, gian nan nhưng lý tưởng của tuổi trẻ ngày đó là được ra chiến trường, được dấn thân cùng dòng thác cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông nên ai cũng không ngần ngại”.

 

Khi vừa đến Đắk Tô, đơn vị bắt tay vào chuẩn bị tham gia Chiến dịch giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh. Đây là trận đánh mở màn cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 của Quân giải phóng miền Nam. Bởi Đắk Tô - Tân Cảnh là căn cứ quân sự mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Bắc Tây Nguyên. Căn cứ này được Mỹ ngụy phòng thủ kiên cố, bảo vệ bằng 14 lớp hàng rào kẽm gai, nhiều lô cốt, hệ thống hầm ngầm, hệ thống vọng gác, chốt bảo vệ lớn, nhỏ… Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Sau 10 giờ quyết chiến, đến trưa 24/4/1972, quân ta đánh bại toàn bộ lực lượng hùng hậu tương đương một sư đoàn của địch (gần 1.500 tên), làm chủ một vùng tương đối rộng, gây hoang mang cao độ cho lực lượng phòng ngự của chúng ở TX Kon Tum.

 

Kết thúc Chiến dịch giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh, ông Đức bị sốt rét nặng nên được chuyển ra Bắc và điều trị ở Trại an dưỡng Quân khu 3. Sức khỏe dần bình phục, ông viết đơn tình nguyện trở lại chiến trường. Sau khi học xong lớp A trưởng cối 82, ông tham gia huấn luyện tân binh ở Tiểu đoàn 56, Tỉnh đội Thái Bình một thời gian trước khi cả tiểu đoàn nhận lệnh lên đường hành quân vào miền Nam vào cuối năm 1973. “Từ Thái Bình chúng tôi hành quân sang Nam Định, lên tàu hỏa vào đến TP Vinh (Nghệ An) rồi xuống sà lan đi Quảng Trị. Từ đây bắt đầu hành quân bộ trên đường Đông Trường Sơn đến Quế Sơn, Quảng Đà (nay là Quảng Nam). Vượt quốc lộ 19 đến đèo Măng Yang (Gia Lai) rồi đến Tân Lương - Trà Kê, Sơn Hòa (Phú Yên), chúng tôi tiếp tục đi theo đường 7 (nay là quốc lộ 25), vượt sông Ba, sông Krông Năng qua quốc lộ 21 vào Khánh Hòa, tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 460, Tỉnh đội Khánh Hòa, Quân khu 5 bám trụ chiến đấu ở chiến trường Khánh Hòa cho đến ngày giải phóng”, ông Đức kể.

 

Sau ngày Bắc - Nam thống nhất, ông Đức công tác ở Huyện đội Cam Ranh với cấp bậc Trung đội trưởng Trung đội 2 tham gia truy quét tàn quân ở các đảo Bình Ba, Bình Hưng, Bình Tiên. Đặc biệt, trong đợt truy quét ở xã Cam Hiệp, đơn vị do ông Đức chỉ huy đã tiêu diệt 1 tên và bắt sống 4 tên, thu nhiều tài liệu quan trọng của tổ chức phản động Cứu nguy dân tộc. Với thành tích này, ông Đức được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai.

 

Năm 1977, sau khi học xong khóa bổ túc sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu 5, ông Đức về làm giảng viên chiến thuật Trường Quân sự Phú Khánh. Tháng 6/1979, ông được điều ra Trường sĩ quan Lục quân 1 (Hà Tây) trực tiếp lên biên giới phía Bắc tham gia nghiên cứu chiến thuật để soạn thảo giáo án, huấn luyện bộ đội đánh quân bành trướng Trung Quốc. Sau đó, ông trở lại Trường Quân sự Phú Khánh. Từ 1981-1985, ông lần lượt kinh qua các chức vụ: Trợ lý tác chiến Thị đội Tuy Hòa; chuyên gia cho tham mưu Phó Tỉnh đội Mondon Kiri, thuộc Đoàn 5502, Mặt trận 579 Quân khu Đông Bắc, Campuchia. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế năm 1988, do sức khỏe yếu nên ông Đức được nghỉ chế độ chính sách thương bệnh binh hạng 2 (do mất 70% sức khỏe). Trở về địa phương, ông làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 2, đại biểu HĐND phường 2 (3 nhiệm kỳ) và đại biểu HĐND TP Tuy Hòa (1 nhiệm kỳ).

 

Ông Trần Hữu Đá kể lại kỷ niệm mở đường Trường Sơn năm xưa. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

2. CCB Trần Hữu Đá quê ở xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1971, vừa tốt nghiệp Trường đại học GT-VT Hà Nội, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của miền Nam. Được biên chế vào Ban Xây dựng 67 mở đường Trường Sơn thuộc Ban Công binh Bộ Tư lệnh 559, ông tham gia cùng các lực lượng tập trung mở đường 20 Quyết Thắng (từ Phong Nha - Kẻ Bàng sang Lào). Đây là đoạn đường bí mật chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 5-9/1971 là thời gian địch thả bom đánh phá rất ác liệt, nhất là khu vực đường K nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, nên lực lượng ta vừa mở đường vừa đánh địch. “Hầu như ngày nào cũng có nhiều tốp máy bay của địch thả bom. Có những lúc đường vừa làm xong chuẩn bị thông tuyến thì máy bay Mỹ ập đến thả bom tan hoang. Chờ chúng bay đi, chúng tôi lại tiếp tục làm đường, san lấp hố bom. Có lần máy bay địch bất ngờ thả bom, không kịp vào nơi trú ẩn nên nhiều đồng chí đã hy sinh”, ông Đá nghẹn ngào kể lại, đôi mắt mờ đục vì tuổi tác ngấn lệ.

 

Câu chuyện về người đồng đội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phong Lưu (quê ở Nam Định, hiện sinh sống tại Đồng Nai) gan dạ cứu đoàn xe chở hàng chi viện của miền Bắc, ông Đá còn nhớ như in: “Khi đoàn xe chở vũ khí chi viện cho miền Nam đang đi trên đường, địch phát hiện và cho máy bay thả bom. Đồng chí Lưu đang làm nhiệm vụ, thấy vậy liền leo lên một chiếc xe ủi, nổ máy, bật đèn sáng và chạy theo hướng khác để đánh lạc hướng địch. Chúng trút bom dữ dội làm xe ủi bốc cháy. Nhưng rất may đồng chí ấy nằm dưới hố bom nên thoát chết. Sau đó, đồng chí Lưu được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

 

Cũng trên tuyến đường Trường Sơn đầy máu lửa và nước mắt ấy, hằn sâu trong ký ức CCB Trần Hữu Đá những ký ức bi tráng. Ngày 14/11/1972, trong khi lực lượng thanh niên xung phong đang thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom, chuẩn bị thông xe thì B52 Mỹ ập đến đánh phá. Còi báo động vang lên. 8 thanh niên xung phong (gồm 4 nam, 4 nữ đều là người Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cùng nhau chạy vào một chiếc hang gần đó. Những tưởng đây là nơi trú ẩn an toàn thì một loạt bom trút xuống làm rung chuyển cả một triền núi. Một khối đá khổng lồ lăn xuống lấp kín cửa hang. “Khi dứt bom, chúng tôi tìm mọi cách để đẩy khối đá khổng lồ ra khỏi cửa hang nhưng đành bất lực...”, ông Đá nghẹn ngào. 24 năm sau, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức khai quật, đưa hài cốt của 8 liệt sĩ về an táng tại quê nhà Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Người dân địa phương gọi hang đá này là “Hang Tám Cô” và được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử.

 

Sau 30/4/1975, ông Trần Hữu Đá công tác ở Ban Xây dựng 67 (Bộ GT-VT) đóng ở Quảng Bình. Sau khi ban này sáp nhập vào Khu đường bộ 5 thành Liên hiệp các xí nghiệp Giao thông 5, ông chuyển sang Phòng Kế hoạch tổng hợp, đến năm 1988 chuyển về Công ty 510 (Khánh Hòa). Năm 1992, ông là Phó Giám đốc Công ty 507 (Đắk Lắk) rồi Giám đốc Công ty 520 (Phú Yên) từ 1998-2004 nghỉ hưu.

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp