Bia Chợ Dinh - di sản quý, đừng để bị lãng quên

Thứ bảy - 14/05/2022 23:17
Bi ký Chăm là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lịch sử, kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa Chăm Pa. Ở Phú Yên, tấm bia quý tìm được có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV bằng chữ Chăm cổ, đó là bia Chợ Dinh.

Bi ký Chăm là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lịch sử, kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa Chăm Pa. Ở Phú Yên, tấm bia quý tìm được có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV bằng chữ Chăm cổ, đó là bia Chợ Dinh.

 

Bia Chợ Dinh dưới chân núi Nhạn TP Tuy Hòa đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều nhà cửa, cây cối che khuất bia, không có lối vào. Ảnh: HOÀI SƠN

 

17 thế kỷ đội nắng mưa

 

Bia Chợ Dinh là một bia Chăm cổ được khắc trực tiếp vào một mỏm đá ở phía Nam núi Nhạn, sát sông Chùa (phường 1, TP Tuy Hòa). Di tích này nằm cách cửa Đà Diễn khoảng 2km. Cách di tích Tháp Nhạn khoảng 50m về phía Tây có một ngôi miếu nhỏ thờ Thiên Yana, bài vị thờ trong ngôi miếu này còn ghi rõ “Thiên Yana thượng đẳng thần, thần vị”.

 

Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đến khảo sát và nghiên cứu di tích này, bia ở gần Chợ Dinh nên đặt tên là bia Chợ Dinh. H.Pacmentier đã ghi chép về bia Chợ Dinh như sau: “Có một bi ký khắc trên vách đá, ở bên dưới các tháp và ở tít tận dưới sườn núi dốc. Núi đá này thuộc địa phận làng Nhạn Tháp. Bi ký này chỉ gồm một lời thỉnh cầu Bhadresvara, có 2 dòng chữ lớn (quãng 400 năm sau Công nguyên). Có kèm theo một đoạn chữ thán trông không rõ mấy” (1).

 

Bia Chợ Dinh được khắc trên một phiến đá tự nhiên có chiều cao 5m, chiều rộng 4m, bia viết bằng chữ Sankrit, dạng tự vuông, bao gồm 3 dòng; 2 dòng trên dài 1,9m, dòng dưới cùng dài bằng một nửa hai dòng trên. Cỡ chữ khắc trên bia cao 6,5cm, khoảng cách giữa các dòng 9cm. Hiện nay, nội dung văn bia Chợ Dinh đã có hai bản dịch. Bản dịch do L.Finot công bố có nội dung như sau: “Kính lạy Thượng đế! Nhờ ân sủng dưới chân của Đức Ngài Bhadesvara, tôi xin làm vui lòng Ngài với Agnhi. Lâu bền như mặt trời, mặt trăng, Ngài sẽ cứu các con cháu của Đại Vương Đạo Pháp (Mahajara Dharma) Sri Bhadravarman. Nhờ ân sủng của đất lễ hiến tế thành công”.

 

Bản dịch của R.C.Majumdar có nội dung như sau: “Kính lạy thần. Nhờ đặc ân dưới chân thần Bhadresvaravamam, tôi xin kính nhờ đến thần Lửa (Anhi) vĩnh cửu như mặt trời, mặt trăng phù hộ cho con và cháu của Dharma - Maharaja Sri Bhadravamam. Lễ hiến tế thành công nhờ ân sủng của đất”. Như vậy, nội dung của bia Chợ Dinh liên quan đến việc thờ thần Bhadresvaravamin - một dạng thể hiện của thần Siva. Căn cứ vào nội dung và kiểu chữ khắc trên văn bia, các nhà nghiên cứu đã xác định bia Chợ Dinh có niên đại vào khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ V. Bia này được khắc dựng dưới triều đại vua Bhadravarman…

 

Ngoài bia Chợ Dinh, năm 2009, Phú Yên còn phát hiện bi ký ở thôn Hòa Thạnh (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu). Bia Chăm cổ, được khắc tạc trên một tấm sa thạch có chiều cao 1,7m, chiều rộng mặt bia 0,6m, dày 0,25m; phần chân bia hơi vát, theo nhận định chuyên môn, có thể đây là phần được cắm vào một chân đế. Hiện vật có những đặc điểm: Mặt bia khắc 6 dòng văn tự cổ, dạng tự hình vuông. Căn cứ vào dạng chữ viết, bi ký Chăm cổ này có niên đại khoảng trước thế kỷ X. Trước đó, tại di tích Núi Bà, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, ngành Văn hóa tỉnh đã phát hiện một bi ký. Hiện vật bị vỡ, còn lại một khối đá hình chữ nhật cao 47cm, rộng 39cm, dày 26cm. Chỉ có một mặt trước được mài nhẵn để khắc chữ, các mặt còn lại giữ nguyên vết chẻ. Mặt trước hiện vật bị sứt vỡ, phần mặt nhẵn còn lại có diện tích 35cm x 14cm, trên phần mặt nhẵn này có 7 hàng chữ Sankrit viết theo chiều ngang, cỡ chữ cao 1,5cm kiểu chữ nét tròn. Đây có thể là một trụ cửa của một ngôi tháp được khắc văn bia trên một mặt, nhưng đã bị vỡ chỉ còn lại một phần…

 

Bia Chợ Dinh có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa điêu khắc, ngôn ngữ… là minh chứng về chiều sâu văn hóa của vùng đất Phú Yên. Vì vậy, cần có phương án bảo vệ, giữ gìn chu đáo. Ảnh: HOÀI SƠN

 

Di sản quý có giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu

 

Bia Chợ Dinh là di sản quý, độc đáo và có giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu không chỉ phạm vi tỉnh Phú Yên mà so với các bia ký Chăm trong kho tàng di sản văn hóa Chăm Pa ở khu vực Nam Trung Bộ. Xét về hình thức thể hiện thì bia Chợ Dinh cùng loại với các bia Đá Nẻ ở Ninh Thuận và bia Hòn Cục ở Quảng Nam, đây đều là những bia được khắc tạc trên các phiến đá tự nhiên. Nhưng xét về niên đại, bia Chợ Dinh xếp cùng với các bia Hòn Cục, bia Chiêm Sơn và bia Mỹ Sơn I ở Quảng Nam. Cả bốn bia này đều do vua Bhadravarman tạo dựng. Đây là những bia Chăm có niên đại sớm, chỉ xếp sau bia Võ Cạnh (Khánh Hòa) thế kỷ II mà thôi. Nội dung văn bia Chợ Dinh cũng như các bia do Bhadravarman dựng chứa đựng những giá trị quan trọng. Thông qua những bi ký này cùng nhiều nguồn tài liệu lịch sử, di vật nghệ thuật tạo hình, văn hóa dân gian… có thể tìm hiểu được những nội dung có liên quan đến lãnh thổ, tôn giáo, tín ngưỡng của vương quốc Chăm Pa thế kỷ thứ IV.

 

Về lãnh thổ vào thời kỳ lập quốc, từ những thế kỷ đầu Công nguyên, trên vùng đất của người Chăm cư trú, tuy cùng ngôn ngữ nhưng có nhiều bộ lạc, lớn nhất là bộ lạc Cau và bộ lạc Dừa. Bộ lạc Dừa phân bố cư trú từ phía Bắc đèo Cù Mông trở ra, trên vùng đất các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng ngày nay. Còn bộ lạc Cau ở từ đèo Cù Mông trở vào, trên vùng đất các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Bộ lạc Cau thành lập một tiểu quốc của riêng mình ở phía Nam đèo Cù Mông, tiếp tục phát triển một cách độc lập trong vài ba thế kỷ, sau đó ngày càng có quan hệ với các tiểu quốc láng giềng, nhất là với tiểu quốc thân tộc của bộ lạc Dừa ở phía Bắc đèo Cù Mông. Tiểu quốc của bộ lạc Cau có tài liệu gọi là Nam Chăm, về sau có tên là Panduranga gồm 2 xứ Panran và Kauthara. Còn tiểu quốc của bộ lạc Dừa là Bắc Chăm. Vương quốc Chăm Pa ra đời từ 2 tiểu quốc đó, lúc thì phía Nam Chăm mạnh hơn, khi thì Bắc Chăm chiếm ưu thế. Các biên niên sử Trung Quốc vào các thời điểm khác nhau đã chép tên quốc gia này là Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành…

 

Liên quan đến sự hiện diện của các bi ký do Bhadravarman tạo dựng trên một phạm vi rộng lớn và qua sự dẫn giải trên, bước đầu đoán định vào thế kỷ thứ IV có thể Bhadravarman đã cai trị trên toàn bộ lãnh thổ Chăm Pa, bao gồm cả hai tiểu quốc Nam Chăm và Bắc Chăm. Hoặc có thể do lúc Bắc Chăm chiếm ưu thế mà có sự tranh chấp chăng? Nếu đúng thì việc Bhadravarman cho khắc bia Chợ Dinh là để khẳng định vùng đất này đã thuộc về tiểu quốc Bắc Chăm? Cũng không loại trừ giả thuyết vào thế kỷ thứ IV, tiểu quốc phía Bắc kéo dài đến tận vùng đất Phú Yên.

 

Về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, bi ký Chăm có niên đại sớm nhất là bia Võ Cạnh mang những nội dung về Phật giáo cho thấy đạo Phật đã hiện diện trên lãnh thổ của vương quốc Chăm Pa ngay thế kỷ khi vương quốc Chăm Pa được thành lập. Nhưng văn bia Chợ Dinh và những bia do Bhadravarman dựng lại mang những nội dung về Siva giáo. Lời thỉnh cầu của nhà vua tới thần Siva được phản ánh trong nội dung bia Chợ Dinh cho thấy sự kết hợp tín ngưỡng vua - thần để thành một dạng thần chủ. Bia Mỹ Sơn I đề cập đến việc thờ thần Bhadresvaravarmin, một hình thức biểu hiện của thần Siva. Có thể thấy rằng vào thế kỷ thứ IV Bà-la-môn giáo đã có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm, ít nhất trên vùng đất phía Bắc từ địa phận thuộc Phú Yên hiện nay trở ra.

 

Bi ký là nguồn tài liệu vô giá chứa đựng nhiều dữ liệu về lịch sử, tôn giáo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội của người Chăm thời cổ. Bi ký Chăm Pa ở Phú Yên tuy số lượng phát hiện được không nhiều, nhưng lại là một trong những bi ký được các nhà khảo cổ học đánh giá và xếp vào loại cổ chỉ sau bia Võ Cạnh. Bia Chợ Dinh được khắc trực tiếp vào một mỏm đá ở phía Nam núi Nhạn thành những tấm bia to, đẹp, vì thế ngoài giá trị về văn bản học, bia Chợ Dinh còn là tác phẩm điêu khắc có giá trị.

 

---------------------

(1) H.Parmentier, Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ, Paris, 1909.

 

Hiện nay, bia Chợ Dinh chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng giá trị nên chưa có biện pháp quản lý, bảo tồn phù hợp. Di tích bị xâm lấn và chịu tác động tiêu cực rất lớn từ thời tiết nắng mưa và cả sự thiếu ý thức của con người. Bia Chợ Dinh nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn với sự đan xen hòa quyện giao thoa bản sắc văn hóa đặc biệt của các dân tộc anh em như: Chăm, Kinh, Hoa thể hiện qua nhiều công trình kiến trúc lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng tâm linh tiêu biểu như: Tháp Nhạn, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, Đài tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đình Ninh Tịnh, Hội quán người Hoa, chùa Kim Cang và các công trình kiến trúc cổ dưới chân núi Nhạn, là những di sản, là nguồn tài nguyên vô giá cần được kịp thời quan tâm đúng mức để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp