Là một trong những công trình có kiến trúc đặc biệt hình thành cách đây gần 100 năm, ngoài những giá trị về mặt kinh tế, đập Đồng Cam còn có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, tâm linh.
Công trình thủy lợi lớn nhất Phú Yên này cấp nước tưới tiêu và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa và các xã phía nam huyện Tuy An. Công trình này được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1924-1932 với hàng triệu ngày công lao động.
Công trình đại thủy nông
Với đặc điểm về địa hình, khí hậu, thủy văn, cùng hệ thống sông có độ dốc cao, Phú Yên luôn thừa nước vào mùa mưa và khô hạn vào mùa khô. Lưu lượng nước thất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chỉ khai thác được một số vùng ở lưu vực sông Cái (sông Kỳ Lộ) và một số sông nhỏ nằm ở phía tây của tỉnh. Trong khi đó, vùng hạ lưu Tuy Hòa rộng lớn với lớp đất phù sa màu mỡ nhưng chỉ trồng được 1 vụ.
Các đề án nghiên cứu về việc xây dựng một hệ thống thủy nông trên sông Ba bắt đầu triển khai vào năm 1889, nhưng không được chấp thuận do thiếu kinh phí và nhân công. Đến năm 1904, đoàn kỹ sư người Pháp, gồm: Fayard và Desbos làm kỹ sư trưởng tiếp tục thám sát, lần này phái đoàn làm việc nghiêm túc và nhìn nhận lại kết quả khảo sát trước đó. Đoàn đã thám sát bãi đá Tuy Phong, sau đó kỹ sư Desbos lập ra một bảng kế hoạch cho việc xây dựng đập, trình lên Sở Công chính (Travaux publics), nhưng không được chấp thuận. Mãi đến năm 1920, viên kỹ sư Nordey tiếp tục nghiên cứu công trình xây dựng đập thủy nông trên sông Ba, dưới sự điều hành của kỹ sư trưởng Lefevre. Đến ngày 30/11/1923, đề án xây dựng đập thủy nông Đồng Cam (Tuy Phong) được toàn quyền Đông Dương chấp nhận(*).
Đến năm 1924, công trình chính thức khởi công xây dựng với việc xây đập chắn ngang sông, dưới sự chỉ huy của các kỹ sư Fargues, Machefaux và Carrez. Đập được xây dựng trên bãi đá tự nhiên của dãy núi Tuy Phong, chiều cao trung bình 5m, chỗ cao nhất là 10m và thấp nhất là 3m. Chiều dài bờ tràn lúc nước bình thường là 525m và 590m lúc có lũ vượt biên độ 1m. Việc xây đập tốn 19.000m3 đá granit, trong đó 1.000m3 xây bằng đá chẻ và 18.000m3 xây bằng đá hộc thường. Ngoài ra còn phải tốn 12 tấn mìn phá hủy 22.000m3 đá ở bờ đá chắn ngang sông Ba. Số lượng công nhân được huy động trung bình 1 ngày khoảng 1.200 người, gồm 200 thợ chuyên nghiệp như thợ bắn mìn, khai thác đá, thợ nề và thợ mộc. Năm 1932, trải qua hơn 8 năm với sự lao động miệt mài từ hàng triệu ngày công lao động, toàn bộ đập chắn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí xây dựng 302.620 đồng Đông Dương(**).
Ngay từ lúc công trình đưa vào sử dụng, đồng bằng Tuy Hòa sản xuất ổn định 2 vụ/năm, nhanh chóng trở thành vựa lúa của miền Trung. Vùng nguyên liệu mía được hình thành, thúc đẩy sự ra đời của Nhà máy đường Đồng Bò. Để tưởng nhớ những người đã mất khi xây dựng đập, người dân xây miếu dân phu để thờ, lập bia tưởng niệm, và còn có ngôi miếu Sơn Thần ngay cạnh con đập. Bia tưởng niệm được bài trí công phu theo thế rồng cuộn, lân chầu mặt nguyệt, sư tử; kiến trúc kiểu lăng tẩm kinh thành Huế xưa ghi danh những người đã ngã xuống trong quá trình xây dựng đập. Có 54 bậc tam cấp lên bia tưởng niệm tượng trưng cho 54 người đã khuất khi xây dựng công trình.
Hệ thống đập Đồng Cam không chỉ là công trình đại thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc; là di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của lớp người đi trước. Việc xác định vị trí xây dựng, thiết kế, tính toán chuẩn xác cho từng hạng mục, sức bền vượt thời gian của công trình, đặc biệt là quá trình thi công hoàn thành công trình chủ yếu bằng sức người trong thời điểm chưa có nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ là điều khiến thế hệ hôm nay hết sức trân trọng.
Du khách tham quan đập đầu mối hệ thống Thủy nông Đồng Cam tại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa. Ảnh: THỦY TIÊN |
Vinh dự và tự hào
Đến nay, đập Đồng Cam vẫn được xem là hình mẫu về kỹ thuật xây dựng công trình thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thế, đập Đồng Cam còn là một thắng cảnh nổi bật trên sông Ba. Những yếu tố tự nhiên trên đây đã làm cho khu vực đập Đồng Cam trở thành một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hấp dẫn của Phú Yên.
Đến với Đồng Cam, chúng ta không chỉ có thể nhìn ngắm sơn thủy hữu tình, mà còn cảm nhận được mồ hôi công sức của cha ông trong quá trình khai sơn phá thạch, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Với những giá trị của công trình về mặt kinh tế, lịch sử, văn hóa, tâm linh và cùng với quần thể cảnh quan đẹp, năm 2014, hệ thống công trình đầu mối đập Đồng Cam được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh và tháng 9/2022 được Bộ VH-TT&DL công nhận xếp hạng đập Đồng Cam là di tích cấp quốc gia. Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi Hệ thống thủy nông đập Đồng Cam, cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và quản lý trực tiếp Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh đập Đồng Cam. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân tỉnh nhà và của công ty.
Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đập Đồng Cam xứng tầm với vị thế của một di tích cấp quốc gia. Trong đó, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân có ý thức trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ di tích, bảo vệ công trình hệ thống đập Đồng Cam. Đồng thời xây dựng quy chế, nội quy bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ di tích đảm bảo theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đến tham quan nhằm phát triển du lịch ở địa phương. Công ty cũng phối hợp với địa phương cùng quản lý, khai thác di tích, danh lam thắng cảnh này hiệu quả, xem đây là niềm vinh dự, tự hào, cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di tích văn hóa của dân tộc Việt Nam.
------------------------
(*) Theo Tạp chí Nghiên cứu lịch sử.
(**) Theo Irrigations du Phu Yen (Reseau de Tuy Hoa), Hy draulique agricole en indochine, annee 1932, Ha Noi; người dịch kỹ sư Nguyễn Trọng Giai, hệ thống thủy nông Tuy Hòa).
NGUYỄN MINH HUỆ
Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam