Chủ nhật rảnh rỗi, tôi đưa vợ vào Tuy Hòa xử lý một số công việc. Mỗi lần vào xứ hoa vàng cỏ xanh là tôi nhớ câu “bò bơi qua sông “trâu” (trôi - PV) chết” rất đặc trưng của xứ Nẫu.
Công việc giải quyết chưa xong nên tôi phải tìm khách sạn để nghỉ ngơi. Dọc bờ biển Tuy Hòa ngày nay có nhiều khách sạn đẹp. Trong đó, khu phức hợp nhà hàng khách sạn Sala là một nơi đáng dừng chân để ngắm biển.
Chủ nhân khu phức hợp người đàng ngoài nhưng nhân viên toàn dân xứ Nẫu, trò chuyện cởi mở vui tai. Trong khi xứ Quảng có xu hướng phát âm a thành oa, cafe đá thành “cafe đóa”, má thành “móa” thì nơi đây âm a thường lớ sang e, “cà phơ đé ”, âm ao thường lớ sang eo… thế là được trận cười. Thú thật tôi rất thích cái giọng quê mùa chất phác rất Nẫu ấy. Những ngôn từ hoa mỹ thường ẩn giấu bên trong khôn lường giả dối sau những cái uốn lưỡi điệu nghệ mà không ít người lầm tưởng là có lý luận. “Beauty is truth, truth is beauty” (cái đẹp là chân thật, chân thật là cái đẹp) như nhà thơ John Keats từng tụng ca, mỗi người hãy là phiên bản của chính mình.
Đến bữa trưa, ghé quán cơm gà Thiên Hương, thấy bên dưới ghi hàng chữ nhỏ “hương vị trời cho” như cố ý giải thích thương hiệu nhà hàng. Phải chăng sản vật sinh ra ở mỗi vùng được bẩm thụ khí chất đặc trưng mang hương vị rất riêng nơi ấy? Rồi nhìn sang phía tường bên này thấy ghi “since 1967” (từ năm 1967) bên cạnh bức ảnh chụp bài báo tiếng Anh nhấn nhá “walking-chicken” (gà đi bộ) nhiều lần. Nghĩ bụng “gà đi bộ, gà thả rông hay gà vườn…” cũng không quan trọng bằng “gà có tuổi từ năm 1967”. Ngót hơn nửa thế kỷ vẫn giữ đúng chất “gà đi bộ” khi xưa mà không thèm a dua nâng cấp thành “gà đi ô tô, gà đi máy bay, gà đeo hột xoàn…”, chặt chém cho nhanh giàu. Tinh mà không quái, quả thực có giá trị trường tồn.
Bữa chiều đổi món sang hàng cháo vịt vỉa hè Nguyễn Công Trứ. Hạt lúa, con tôm, con tép ở cánh đồng Tuy Hòa đã chuyển hóa thành thứ thịt vịt ngọt mềm thơm ngon ăn kèm với rau thơm, dưa leo, dưa chua và nước chấm the the gừng ớt, tổng hợp nên một hương vị đồng quê khó quên. Đã hơn 30 năm, nhìn quanh không thấy ghi “since…” (từ khi…) như ở Thiên Hương nhưng bấy nhiêu năm tháng ấy, cái quán này không hề phai mất hương vị thuở nào.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có những cảnh quay chính trên mảnh đất và con người nơi đây làm mê lòng du khách. Những cánh đồng lúa xanh, những lối mòn xóm nhỏ, những loài hoa dại ven triền dốc đá, những mẻ lưới đầy cá tôm ven bờ đầm phá, những ngọn sóng bạc đầu ven bờ biển khúc khuỷu quanh co… Và có lẽ hơn hết, cái hồn nhiên, đôn hậu, chất phác, thật thà của những phận đời, phận người ở Phú Yên đã nở những chấm vàng mê hoặc trong tôi.
Khi đang vòng qua mũi Điện tiến về phía núi Thạch Bi, nơi hơn 500 năm trước vua Lê Thánh Tôn bình Chiêm, lên núi đề thơ dựng mốc giới Đại Việt, nắng tràn ngập ngọn hải đăng Mũi Điện - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Tổ quốc. Trời quang, mây tạnh, Đá Bia rực nắng, tôi thu vài tấm ảnh vào máy làm phụ đề câu ca: “Chiều chiều mây phủ Đá Bia/ Đá Bia mây phủ, chị kia mất chồng”. Rồi thơ thẩn nghĩ: Không biết mai sau có còn cơ hội thưởng thức “cà phơ đé” để tìm về với chút hoa vàng cỏ xanh còn sót lại trong cơn lốc đô thị hóa rộng khắp như hiện nay?
THẾ HÀO