Ngôi đình cổ trên 300 năm tuổi và các đạo sắc phong quý hiếm

Thứ bảy - 18/03/2023 04:30
Có niên đại trên 300 năm tuổi, đình Phú Lễ (thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành, TX Đông Hòa) là ngôi đình cổ ở vùng đồng bằng Tuy Hòa. Ngôi đình còn là nơi lưu giữ nhiều đạo sắc phong Hán Nôm quý hiếm, ghi dấu sự thay đổi địa danh Phú Lễ trong tiến trình lịch sử của vùng đất này.

Có niên đại trên 300 năm tuổi, đình Phú Lễ (thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành, TX Đông Hòa) là ngôi đình cổ ở vùng đồng bằng Tuy Hòa. Ngôi đình còn là nơi lưu giữ nhiều đạo sắc phong Hán Nôm quý hiếm, ghi dấu sự thay đổi địa danh Phú Lễ trong tiến trình lịch sử của vùng đất này.

 

Đình Phú Lễ. Ảnh: NHẬT KIM

 

Quá trình lập làng, dựng đình

 

Làng Phú Lễ khi mới lập có tên là Lôi Cối thuộc Tổng hạ huyện Tuy Hòa. Đến năm 1832, địa danh Lôi Cối đổi là Tiên Sài, huyện Tuy Hòa. Năm 1907, thôn Tiên Sài đổi thành Phú Lễ thuộc tổng Hòa Đa, huyện Tuy Hòa và duy trì tên gọi cho đến nay. Đây là vùng sông nước, mặt bắc, đông và nam của làng giáp sông Đà Rằng. Trải qua thời gian, địa hình có sự thay đổi do phù sa bồi lắng nhưng dấu tích của dòng sông ở phía đông và nam vẫn còn với tên gọi là Sông Cạn, chia tách làng Phú Lễ với phường Phú Lâm. Ngày xưa, khi chưa có cầu bắc qua sông Đà Rằng thì Phú Lễ là bến đò nằm trên đường thiên lý bắc - nam.

 

Khi lập làng và ổn định đời sống, cộng đồng cư dân địa phương xây dựng đình để thờ Thành hoàng làng. Về sau, những bậc tiền hiền, hậu hiền có công tạo dựng làng ở buổi ban đầu cũng được đưa vào đình làng thờ phụng. Đình Phú Lễ được tạo lập năm 1708. Tính đến nay, đình Phú Lễ có lịch sử 315 năm tồn tại. So với các đình làng vùng đồng bằng Tuy Hòa thì đây là ngôi đình có lịch sử tạo lập sớm nhất. Ban đầu đình chỉ là ngôi nhà tranh mái lá với bộ giàn trò bằng hệ thống cột kèo gỗ vững chắc. Năm 1924 (Giáp Tý), trận lụt lớn làm cho đình đổ sập. Sau đó Nhân dân góp tiền và công sức xây dựng lại ngôi đình khang trang với chất liệu vôi vữa, mái lợp ngói vảy. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Phú Lễ bị ảnh hưởng nên hư hỏng, xuống cấp. Năm 2003, bằng nguồn kinh phí quyên góp trong Nhân dân, đình Phú Lễ được trùng tu, tôn tạo khang trang như ngày nay.

 

Đình Phú Lễ nằm trên khuôn viên có diện tích 365,8m2, có kiến trúc kiểu nhà cấp bốn thường gặp ở nông thôn Phú Yên. Kiến trúc đình gồm ngôi nhà 3 gian có chiều rộng 4m, chiều dài 6m, mái lợp ngói tây, phía trước đình có án phong khắc hình hổ ở mặt ngoài và lân ở mặt trong. Trong chính điện của đình có 3 ban thờ: Ở giữa thờ Thành hoàng, hai bên thờ tả ban và hữu ban. Bên trên cửa chính của đình có khắc hàng chữ lớn ĐÌNH PHÚ LỄ. Trên mái đình có đắp đôi rồng theo thế lưỡng long chầu nhật, gia tăng sự cổ kính của ngôi đình. Bên ngoài chính điện khắc các câu đối có nội dung đề cập khát vọng yên bình, thịnh vượng cho Nhân dân trong thôn:

 

Phú Thạnh Thành hoàng hộ quốc dân

Lễ nghi bổn cảnh tỷ an thái

Hòa hoa dị hỉ điền hòa ca

Tuy vinh lợi các thái bình trị

 

Đình Phú Lễ là công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cư dân địa phương. Trước năm 1945, việc tế lễ diễn ra 2 lần trong năm gọi là xuân kỳ thu tế, có tổ chức rước sắc phong. Trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, việc tế lễ bị gián đoạn. Khi đình được trùng tu cho đến nay, việc cúng tế được khôi phục theo nghi thức truyền thống, có đọc chúc văn và tấu nhã nhạc với sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân trong thôn. Lễ tế diễn ra vào ngày 2/8 (âm lịch). Lễ vật để dâng cúng Thành hoàng và các bậc tiền hiền, hậu hiền là hương đăng, hoa quả và thịt heo. Ngoài lễ chính, đình Phú Lễ còn tổ chức tế vào các dịp tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, rằm tháng 10 và tết Đoan ngọ. Đặc biệt, tại đình có tổ chức ngày giỗ Đò vào mùng 5/11 để tưởng nhớ 65 người chết do tai nạn lật đò vào năm 1924. Việc tế lễ tại đình Phú Lễ được ban quản lý đình tổ chức nhằm hướng đến việc cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi việc làm ăn của cư dân trong thôn đều thuận lợi, may mắn. Đây cũng là dịp để bà con trong thôn gia tăng sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

 

Sắc hợp phong thần Thành hoàng và Hà bá Thủy quan năm Duy Tân thứ 3 (1909) cho làng Phú Lễ

 

Bảo tồn các sắc phong Hán Nôm quý hiếm

 

Đình Phú Lễ hiện còn lưu giữ 7 đạo sắc phong Hán Nôm cổ quý hiếm. Qua nghiên cứu các đạo sắc phong, chúng ta biết về sự thay đổi tên gọi của làng từ khi tạo lập đến nay với các địa danh Lôi Cối, Tiên Sài và Phú Lễ. Đây là vùng sông nước nên đối tượng ban tặng sắc phong ở Phú Lễ là thần Hà bá và Thành hoàng. Trong số 7 sắc phong của các triều vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định thì có 6 sắc phong ban tặng cho làng, còn 1 sắc phong của làng Phước Hậu (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) cũng được thờ phụng. Các sắc phong được cộng đồng cư dân địa phương bảo tồn khá tốt, hầu hết còn nguyên vẹn, mặt sắc còn ánh lên màu vàng tươi, nét chữ vẫn còn rõ, các hoa văn trên mặt sắc còn ngời sáng màu bạc. Để giữ cho sắc phong không bị hư hỏng, ban quản lý đình hạn chế việc mở sắc, chỉ có dịp tế đình sắc phong được mở để kiểm tra (gọi là trạng sắc). Sau đó sắc được cuộn cất vào trong hộp gỗ có các hóa chất để hạn chế côn trùng gặm nhấm. Nhờ vậy, các sắc phong của đình Phú Lễ được bảo tồn qua hàng trăm năm.

 

Sắc phong có niên đại sớm nhất được ban phong năm Tự Đức thứ 5 vào ngày 29/11/1852 phong cho thần Hà bá Thủy quan của làng, có nội dung: “Sắc cho Hà bá Thủy quan tôn thần vốn được phong tặng Hoằng Ân Quảng Trạch Hoằng Bác Linh Tịnh Trung đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay Trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự là Hoằng Ân Quảng Trạch Hoằng Bác Linh Tịnh Uông Nhuận Trung đẳng thần. Vẫn chuẩn cho thôn Tiên Sài, huyện Tuy Hòa phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta”.

 

Đạo sắc phong ngày 1/7/1887 (năm Đồng Khánh thứ 2) là đạo sắc hợp phong cho thần Thành hoàng và Hà bá Thủy quan với danh hiệu là Dực Bảo Trung Hưng các đẳng thần: “Sắc cho Hoằng Ân Quảng Trạch Hoằng Bác Linh Tịnh Uông Nhuận Trung đẳng thần; Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Thành Hoàng chi thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay Trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự Dực Bảo Trung Hưng các đẳng thần. Vẫn chuẩn cho thôn Tiên Sài, huyện Tuy Hòa phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta”.

 

Đạo sắc phong có niên đại muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 vào ngày 25/7/1924 là sắc hợp phong thần Hà bá Thủy quan và Thành hoàng với mỹ hiệu Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Trung đẳng thần và Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng tôn thần. Nội dung sắc phong: “Sắc cho thôn Phú Lễ, tổng Hòa Đa, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên trước đây phụng thờ thần Hà Bá Thủy Quan vốn được phong tặng là Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Trung đẳng thần; thần Thành Hoàng vốn được phong tặng Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Nay nhân dịp tứ tuần đại khánh (40 tuổi) của Trẫm, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc thần Hà bá Thủy quan, tặng thêm mỹ từ là Hoằng hợp Thượng đẳng thần; thần Thành Hoàng được tặng thêm mỹ từ là Tịnh Hậu Trung đẳng thần. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự”.

 

Với lịch sử trên 300 năm tồn tại, đình Phú Lễ là chứng tích quan trọng trong quá trình khai hoang lập làng của cộng đồng cư dân đồng bằng Tuy Hòa. Dù trải qua bao biến đổi của thời gian, đình Phú Lễ vẫn là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước của mình vào vị thần phò trợ cho làng. Đặc biệt, những sắc phong Hán Nôm cổ quý hiếm được cộng đồng cư dân gìn giữ nguyên vẹn, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

 

TS ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp