Chí sĩ Nguyễn Chi, một đời đấu tranh chống áp bức bất công

Chủ nhật - 26/02/2023 11:20
Câu ca dao trên từ lâu lưu truyền trên vùng đất Tuy Hòa đề cập đến bá hộ Nguyễn Tịnh nổi tiếng giàu có. Gia đình ông đã có nhiều cống hiến cho phong trào yêu nước ở Phú Yên nửa đầu thế kỷ XX. Con ông là Nguyễn Chi - một chí sĩ cách mạng kiên cường, dành cả cuộc đời đấu tranh chống áp bức bất công.

Tiếng đồn Hộ Tịnh giàu lâu

Gả con Thông Lý đưa dâu bằng bò

 

Câu ca dao trên từ lâu lưu truyền trên vùng đất Tuy Hòa đề cập đến bá hộ Nguyễn Tịnh nổi tiếng giàu có. Gia đình ông đã có nhiều cống hiến cho phong trào yêu nước ở Phú Yên nửa đầu thế kỷ XX. Con ông là Nguyễn Chi - một chí sĩ cách mạng kiên cường, dành cả cuộc đời đấu tranh chống áp bức bất công.

 

Hấp thụ tinh thần yêu nước từ gia đình và quê hương

 

Nguyễn Chi sinh năm 1870 tại làng Phú Nhiêu, tổng Hòa Mỹ, phủ Tuy Hòa nay là thôn Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Ông còn có các tên khác là Nguyễn Đồng Khoa, Nguyễn Thủ Chiết, Nguyễn Bá Đạt. Ông là chí sĩ cách mạng đấu tranh không mệt mỏi chống lại mọi áp bức bất công, ghi dấu ấn sâu sắc trong phong trào cách mạng ở Phú Yên đầu thế kỷ XX.

 

Nguyễn Chi xuất thân trong gia đình có truyền thống yêu nước. Thân phụ ông là Nguyễn Tịnh (còn gọi là Hộ Tịnh), người có công lớn trong việc khai sáng, xây dựng làng Phú Nhiêu và là một trong các thủ lĩnh phong trào Cần Vương Phú Yên, chỉ huy cụm quân thứ tổng Hòa Mỹ. Vì vậy, từ lúc nhỏ, ông đã hấp thụ được tinh thần yêu nước từ gia đình và quê hương. Trong giai đoạn còn là học sinh, Nguyễn Chi học rất giỏi và luôn đứng đầu xứ nên người ta thường gọi là “ông đầu xứ”.

 

Lớn lên trong bối cảnh đất nước bị ngoại xâm giày xéo, các tầng lớp nhân dân rên xiết dưới sự áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến nên Nguyễn Chi có chí hướng bài Pháp. Ông kết giao với những người tài giỏi ở khu vực Trung Kỳ như Hồ Sĩ Tạo (Quảng Ngãi), Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Nam) để bàn việc cứu nước. Trong chuyến vân du vào Nam, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh có lưu lại nhà Nguyễn Chi nên ông bị mật thám Pháp và quan lại Nam triều chú ý theo dõi. Trong thời gian này, Nguyễn Chi đứng ra vận động thành lập Hưng nghiệp Hội xã để vừa chấn hưng công - thương - nghiệp vừa có dịp công khai buôn bán lấy tiền bí mật gửi cho các chí sĩ xuất dương trong phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo. Nhờ sự ủng hộ của các hội hưng nghiệp trong cả nước, phong trào Đông Du phát triển mạnh mẽ, đã đưa được 200 du học sinh sang Nhật học tập. Về sau, thực dân Pháp bắt tay với chính phủ Nhật trục xuất các du học sinh Việt Nam làm cho phong trào Đông Du tan rã.

 

Năm 1908, phong trào chống thuế bùng nổ mạnh mẽ ở Trung Kỳ và lan rộng đến Phú Yên, ông trở thành yếu nhân lãnh đạo phong trào ở hai huyện Tuy Hòa và Sơn Hòa. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Chi và các ông Lê Hanh, Nguyễn Hữu Dực, Trịnh Triết, hàng ngàn nông dân các làng, tổng phía nam Phú Yên đã mang nồi niêu xoong chảo kéo ra tỉnh lỵ Sông Cầu đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế. Đoàn biểu tình kéo ra tòa Công sứ Pháp ở Sông Cầu và dinh tuần vũ ở thành Long Bình đưa yêu sách đòi chính quyền Nam triều giảm sưu dịch, thuế khóa. Trong cuộc đấu tranh này, Nguyễn Chi bị chính quyền thực dân Pháp kết án 3 năm tù giam tại lao Sông Cầu. Trong thời gian bị giam cầm, ông cùng các bạn tù đấu tranh chống chế độ hà khắc và sự bạc đãi của quản ngục, nhiều lần tuyệt thực để phản đối sự tra tấn tàn bạo đối với tù nhân. Sau khi ra tù, ông về nhà mở trường dạy học nhằm truyền bá tinh thần yêu nước cho con em trong vùng.

 

Thôn Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa - quê hương của chí sĩ Nguyễn Chi. Ảnh: KINH KHA

 

Luôn nêu cao tinh thần đấu tranh chống sự bất công

 

Năm 1916, tổ chức Việt Nam Quang Phục hội lập kế hoạch mời vua Duy Tân tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Về sau, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, vua Duy Tân bị bắt và bị phế truất. Vì sự kiện này mà Nguyễn Chi cũng bị chính quyền bảo hộ nghi ngờ bắt giam 6 tháng. Sau đó, do không tìm ra chứng cứ Nguyễn Chi liên quan tới cuộc khởi nghĩa nên chính quyền thực dân buộc phải trả tự do cho ông. Đến đời vua Khải Định thứ nhất (1917), Nguyễn Chi cải danh là Nguyễn Bá Đạt ra làm lý trưởng làng Phú Nhiêu với mục đích bênh vực cho quyền lợi của nhân dân. Một năm sau vì thẳng thắn chống tham quan ô lại ở huyện Tuy Hòa, ông bị chính quyền thực dân bắt bỏ tù 3 năm nữa.

 

Mãn hạn tù, Nguyễn Chi không nản chí mà cùng một số bạn bè đưa bà con đi khẩn hoang tại vùng Thác Cồ (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tiến hành sản xuất, ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, đồng thời tập hợp những người cùng chí hướng để bàn việc cứu nước. Chính quyền thực dân Pháp cho đây là hoạt động chính trị nên đến bắt tất cả và tịch thu gia sản. Lúc bị giải về Nha Trang, ông đứng ra nhận tất cả mọi việc để 40 người trong tổ chức được tha, phần ông bị 9 tháng tù giam.

 

Nhiều lần vào cảnh tù tội vẫn không làm cho Nguyễn Chi nhụt chí về tinh thần đấu tranh chống sự bất công do chế độ thực dân gây ra. Ông tìm cách bắt liên lạc với những người cùng chí hướng trong và ngoài tỉnh để tổ chức lại phong trào. Lúc này, phong trào “vô sản hóa” do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương đưa hội viên thâm nhập vào Nhà máy đường Đồng Bò ở Tuy Hòa. Một số cuộc đấu tranh diễn ra ở nhà máy như chống cúp phạt, đánh đập công nhân của quản đốc nhà máy; đấu tranh đòi ngày làm 8 giờ, đòi được nghỉ giữa 2 ca làm việc… Bên cạnh đó, phong trào nông dân các xã lân cận Nhà máy đường Đồng Bò đấu tranh chống lại chính sách cướp đất của chủ nhà máy làm không khí cách mạng ở vùng phía nam huyện Tuy Hòa trở nên sôi nổi. Chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng ngày một dâng cao, Nguyễn Chi bước đầu có nhìn nhận mới về phong trào yêu nước: cần kết hợp phong trào công nhân và nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để đảm bảo thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống áp bức của chế độ thực dân. Nhận thức mới này đã thôi thúc ông liên lạc với những chiến sĩ cách mạng đang hoạt động ở Tuy Hòa như Việt Hồng, Huỳnh Nựu... để tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mang màu sắc vô sản.

 

Trong lúc phong trào cách mạng đang lên cao ở phía nam Phú Yên thì Nguyễn Chi lâm bệnh nặng sau nhiều lần ra vào cửa khám. Ngày 23/11/1935 (Ất Hợi), sau một thời gian lâm bệnh, ông đã qua đời, hưởng thọ 64 tuổi. Mộ phần của ông hiện ở gò Bầu Hầm, núi Lá, thôn Xuân Mỹ, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng chủ trương đặt tên danh nhân cho một số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Chính quyền địa phương đã đặt tên xã Hòa Mỹ là xã Nguyễn Chi nhằm giáo dục truyền thống yêu nước trong nhân dân.

 

Ngày nay, khi đến thôn Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông mà nhắc đến tên Nguyễn Chi, người dân ở đây ai ai cũng nghiêng mình kính phục một nhà nho đã dành cả cuộc đời đấu tranh chống áp bức, bất công, sẵn sàng hy sinh bản thân vì dân, vì nước. 

 

Ngày nay, khi đến thôn Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông mà nhắc tên Nguyễn Chi, người dân ở đây ai ai cũng nghiêng mình kính phục một nhà nho đã dành cả cuộc đời đấu tranh chống áp bức, bất công, sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước.

 

TS ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp