Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Bình Kiến kiên trung

Thứ sáu - 11/11/2022 06:15
Bình Kiến (TP Tuy Hòa) có bề dày về lịch sử và văn hóa, là cái nôi cách mạng của tỉnh. Biểu tượng của Bình Kiến là núi Chóp Chài, đã đi vào ca dao, tục ngữ: Chóp Chài đội mũ, mây phủ Đá Bia…
Bình Kiến kiên trung

Bình Kiến (TP Tuy Hòa) có bề dày về lịch sử và văn hóa, là cái nôi cách mạng của tỉnh. Biểu tượng của Bình Kiến là núi Chóp Chài, đã đi vào ca dao, tục ngữ: Chóp Chài đội mũ, mây phủ Đá Bia…

 

Địa điểm giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Trước kia, Bình Kiến với Hòa Kiến là một. Tháng 10/1981, để phù hợp với khả năng quản lý và yêu cầu xây dựng, phát triển, xã Bình Kiến được chia thành 2 xã: Bình Kiến và Hòa Kiến. Sau khi chia tách để thành lập phường 9, hiện nay xã Bình Kiến có 4 thôn: Phú Vang, Liên Trì 1, Liên Trì 2 và Thượng Phú.

 

Viên ngọc quý Chóp Chài

 

Nói đến Bình Kiến, không thể không nhắc đến núi Chóp Chài. Theo ngành khoa học địa chất, ngọn núi cao gần 400m so với mực nước biển này, cách đây hàng triệu năm là một cù lao giữa biển khơi. Ngày nay, đào giếng ở những cánh đồng dưới chân núi này người dân thỉnh thoảng bắt gặp những vỏ sò là chứng tích còn sót lại của biển cả xa xưa.

 

Chóp Chài có tên gọi khác là Nựu Sơn hoặc Nữu Sơn (núi như cái nút nhỏ). Người xưa còn gọi ngọn núi này là Quy Sơn hay hòn Cổ Rùa, vì nhìn từ xa giống như một con rùa đang vươn mình ra biển cả từ cánh đồng xanh trải rộng.

 

Xung quanh Chóp Chài, ẩn hiện ở lưng chừng và chân núi là những ngôi chùa cổ kính, như: Bảo Lâm, Minh Sơn, Khánh Sơn, Hòa Sơn. Đặc biệt là chùa Hang (tổ đình của chùa Minh Sơn), theo truyền thuyết là nơi quân Nguyễn Ánh từng lánh nạn khi trốn chạy nghĩa quân Tây Sơn. Ngoài ra, trên sườn núi còn có hang Dơi (hay Trai Thủy), hang Sáo, vườn Cò…, là nơi cư trú của những động vật hoang dã.

 

Theo những người cao niên, ông bà của họ kể lại, xưa kia núi Chóp Chài có nhiều loài thú móng guốc như hươu, mển, heo rừng, khỉ… sinh sống và các loại cây quý, hiếm như trắc, xay, bằng lăng, thị..., có những cây to trên 300 năm tuổi. Nhưng cư dân ngày một đông đúc, cây rừng dần biến mất, kéo theo sự mất dạng của các loài chim, thú bởi môi trường sinh sống của chúng bị xâm hại.

 

Hiện nay, trên đỉnh Chóp Chài là nơi đặt trung tâm truyền dẫn phát sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên (PTP). Đây cũng là nơi Trung đoàn 451 Vùng 4 Hải quân đặt trạm ra đa. Hàng ngày, “mắt thần” này hoạt động liên tục 24/24, quan sát toàn bộ TP Tuy Hòa, vùng phụ cận và một phần biển Đông, nhằm phát hiện các mục tiêu lạ trên biển, trên không tầm thấp và tàu nước ngoài xâm phạm hải phận vùng biển chủ quyền của nước ta.

 

Nơi giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

 

Từ đỉnh Chóp Chài nhìn xuống, sông Ba như một con rồng uốn khúc giữa sóng lúa bạt ngàn. Thế long - quy đã tạo thành khí thiêng sông núi, Bình Kiến trở thành một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt của Phú Yên. Tháng 10/1935, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Bình Kiến được thành lập với những hạt giống đỏ như: Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương, Huỳnh Nựu…

 

Chóp Chài - hòn ngọc quý giữa lòng TP Tuy Hòa. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Bình Kiến - Chóp Chài cũng là căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là cái nôi cách mạng của tỉnh thời kỳ 1936-1939. Trong chiến tranh, nơi đây đã diễn ra một số trận đánh giữa ta với địch. Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Kim Vang đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất Bình Kiến kiên trung này. Đặc biệt, địa điểm mả bà Dũ Ký dưới chân núi Chóp Chài là nơi Đảng bộ, LLVT và Nhân dân Phú Yên đã giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Sách lịch sử Bình Kiến mảnh đất kiên trung do cố Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Trúc chủ biên, ghi rõ: Khoảng tháng 6/1961, Tỉnh đội Phú Yên giao nhiệm vụ cho một tổ chức đặc công trinh sát gồm 4 đồng chí: Trần Nựu (tức Quyền, thôn Ninh Tịnh), Phan Văn Trường (tức An, thôn Liên Trì) và 2 đồng chí ở tỉnh về phối hợp với đội công tác thị xã do đồng chí Nguyễn Đảnh (thôn Phước Hậu) phụ trách bố trí trụ lại vùng Phước Hậu, Liên Trì, Ninh Tịnh để nắm tình hình địch, chuẩn bị địa bàn đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị địch quản thúc tại TX Tuy Hòa, ra căn cứ cách mạng theo lệnh của Tỉnh ủy. Đây là lần thứ ba kể từ nửa năm 1960, Tỉnh ủy tổ chức đưa Luật sư ra căn cứ 2 lần mà không thành.

 

Suốt 2 tháng, các chiến sĩ của ta, được sự che chở giúp đỡ của bà con cơ sở, nhất là gia đình bà Trần Thị Mực (Liên Trì), Nguyễn Thị Từng (Phước Hậu), Đàm Thị Lý (Ninh Tịnh), đã tổ chức được đường dây liên lạc từ thị xã ra. Nhiều cơ sở thanh niên cốt cán được bố trí bảo vệ hành lang khi cần thiết, nhất là cơ sở ở vùng Long Đức - Liên Trì.

 

Đêm 19/8/1961, qua liên lạc, chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, các đồng chí bố trí lực lượng thanh niên hợp pháp của Bình Kiến cảnh giới hành lang từ cây số 2 đến cây số 5 trên quốc lộ 1. Đúng 17 giờ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đạp xe từ thị xã ra điểm hẹn mả bà Dũ Ký. Đúng ám tín hiệu đã thống nhất, anh em trinh sát đặc công đón Luật sư đưa nhanh vào bìa núi. Bộ đội ta giúp Luật sư thay đổi quần áo rồi đưa Luật sư theo hành lang đã cảnh giới an toàn, dọc chân núi Chóp Chài, xuyên qua đầu xóm Bầu Cả (Phú Vang) lội dọc đồng Màng Màng, lên Phú Điền - nơi có lực lượng yểm trợ do đồng chí Nguyễn Lầu, Tỉnh đội trưởng chỉ huy bố trí chờ sẵn.

 

Mảnh đất Bình Kiến vinh dự trở thành điểm hẹn lịch sử giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra vùng giải phóng đảm nhận trọng trách Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.

 

Đủ điều kiện trở thành phường

 

Bình Kiến có hơn 900ha đất nông nghiệp. Người dân nơi đây canh tác ở các cánh đồng xung quanh chân núi Chóp Chài. Trong đó, đồng Thủy (Phước Hậu - Thanh Đức) là xứ đồng màu mỡ phì nhiêu, cho năng suất lúa cao nhất vùng. Đồng Màng Màng năng suất lúa khiêm tốn hơn nhưng có thể tận dụng trồng xen dưa hấu, đậu xanh…, tạo nguồn sống chủ yếu cho nông dân các thôn Thượng Phú, Phú Vang, Liên Trì.

 

Mảnh đất Bình Kiến vinh dự trở thành điểm hẹn lịch sử giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra vùng giải phóng đảm nhận trọng trách Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.

 

Còn đồng Lúa Trái trước kia nông dân trồng lúa nhờ nước trời, thường gieo cấy sau 23/10 (âm lịch) và thu hoạch vào tháng Giêng. Cánh đồng này nổi tiếng với sản phẩm nếp Vườn Trầu đã từng vang bóng một thời: Muốn ăn hạt nếp Vườn Trầu/ Sợ e tát nước giở gàu không lên.

 

Bí thư Đảng ủy xã Bình Kiến Nguyễn Thanh Lịch cho biết: Kinh tế của Bình Kiến chủ yếu dựa vào hoa, cây cảnh, thương mại, dịch vụ và hướng phát triển là du lịch. Trước kia bà con canh tác lúa và hoa màu. Sau ngày giải phóng, nhất là từ khi tái lập tỉnh Phú Yên, địa phương chú trọng phát triển nghề vườn, hình thành vùng chuyên canh rau xanh và trồng hoa cảnh nổi tiếng, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là một trong những vựa hoa tết của TP Tuy Hòa; nhiều gia đình có đời sống kinh tế khá nhờ trồng hoa, cây cảnh.

 

Thực hiện Nghị quyết 09, ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Tuy Hòa về lãnh đạo xây dựng và nâng cấp đơn vị hành chính xã Bình Kiến, Bình Ngọc, An Phú thành phường trực thuộc thành phố; Đảng ủy xã Bình Kiến đã có nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng và nâng cấp xã Bình Kiến thành phường Bình Kiến.

 

“Sau một thời gian tập trung đầu tư xây dựng, qua rà soát, Bình Kiến đã đạt 17/17 tiêu chí, đảm bảo đủ điều kiện lên phường, trực thuộc thành phố là đô thị loại 2, theo quy định tại Nghị quyết 1211, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”, ông Nguyễn Thanh Lịch cho biết thêm.

 

LẠC VIỆT

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp