Ký ức oai hùng

Thứ năm - 20/10/2022 22:49
Cách đây hơn 6 thập kỷ, vào ngày 23/10/1961, trước yêu cầu vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125 sau này).

Cách đây hơn 6 thập kỷ, vào ngày 23/10/1961, trước yêu cầu vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125 sau này). Đơn vị được giao nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược tới những nơi mà đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới được - đường Hồ Chí Minh trên biển.

 

Cùng với tuyến đường vận tải trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn, tuyến vận tải chiến lược trên biển Đông đã khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

 

Thiên anh hùng ca bất tử

 

Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 759 đã thiết kế, cải hoán những con tàu chuyên dụng thành tàu có hai đáy, tạo dáng giống tàu đánh cá của nước ngoài để tránh sự nghi ngờ của địch. Đơn vị cũng được tăng cường nhiều thuyền trưởng, thủy thủ, nhân viên kỹ thuật đào tạo cơ bản, có sức khỏe, khả năng chịu đựng sóng gió, có bản lĩnh cách mạng kiên cường, xử lý khôn khéo, táo bạo các tình huống để giành thắng lợi trong từng chuyến đi dài ngày trên những con tàu Không số. Nhiều người trong số đó đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT Nhân dân như: Bông Văn Dĩa, Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Nguyễn Văn Cứng, Nguyễn Đắc Thắng, Huỳnh Văn Sao, Hồ Đắc Thạnh, Nguyễn Văn Đức, Đỗ Văn Sạn...

 

Là một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử. Từ khi ra đời và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên con đường biển mang tên Bác, gần 2.000 lượt tàu đã được huy động, đi hơn 4 triệu hải lý, vận chuyển hơn 15.000 tấn vũ khí, đạn dược cùng hàng vạn tấn hàng hóa và hơn 80.000 lượt người, chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu ở miền Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại đi đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển gắn với những con tàu Không số mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, Nhân dân ta; là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam.

 

Theo đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, tàu Không số chính là một huyền thoại, có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc giải phóng miền Nam. Nhờ có tàu Không số đem vũ khí vào miền Nam mà quân đội ta trưởng thành nhanh chóng và phát triển thành những đơn vị chủ lực lớn, quyết định thắng lợi cuối cùng.

 

Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Vui sao nước mắt lại trào

 

Nói đến đường Hồ Chí Minh trên biển, không thể không nói đến bến Vũng Rô gắn liền với những chuyến tàu Không số và những người con của quê hương Phú Yên đã góp phần làm nên kỳ tích này, như Anh hùng LLVT Nhân dân, cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền; Anh hùng LLVT Nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng Tàu 41 Đoàn tàu Không số…

 

Gần 60 năm trôi qua, tuổi đời đã gần 90 nhưng nhắc lại ký ức oai hùng này, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh vẫn nhớ như in: Sau 7 chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Tây Nam Bộ trở về, ngày 16/11/1964, Tàu 41 do tôi làm thuyền trưởng và anh Trần Hoàng Chiếu làm chính trị viên được lệnh chở 63 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô. Xuất bến từ khu trú đậu Hạ Long, Tàu 41 được ngụy trang thành tàu cá, treo cờ Trung Quốc. Chúng tôi dùng loại lưới cá chuồn trùm lên các khẩu súng 12 ly 7 để ngụy trang, che mắt địch. Sau nhiều ngày vượt qua gió mùa đông bắc, luồn lách tránh các tàu tuần tiễu của địch, đến 23 giờ 50 ngày 28/11/1964, Tàu 41 cập bến Vũng Rô. Tàu chỉ được phép ở lại trong đêm, đến 3 giờ sáng phải rời bến. Tuy nhiên, do lượng hàng quá lớn so với dự kiến, lực lượng tại chỗ không thể bốc dỡ hết trong đêm nên chúng tôi thống nhất chọn phương án ở lại thêm một ngày để có đủ thời gian bốc dỡ, 3 giờ sáng 29/11/1964, tàu rời bến. Sau đó, Tàu 41 tiếp tục vận chuyển 2 chuyến, tổng cộng 200 tấn vũ khí và 8 cán bộ tăng cường cập bến Vũng Rô an toàn.

 

“Tham gia 12 chuyến chở vũ khí chi viện cho miền Nam đánh giặc, trong đó 3 lần về với bến Vũng Rô quê nhà Phú Yên là tôi hạnh phúc nhất. Đặc biệt là chuyến đầu tiên được gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bến trưởng Trần Suyền. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vui sướng mà nước mắt dâng trào. Cũng trong chuyến này, nghe các chiến sĩ bảo vệ bến nói nhiều ngày đơn vị hết gạo, anh em phải ăn trái sung, tôi day dứt suốt trên đường ra Bắc. Vậy nên, khi chuẩn bị chuyến thứ hai vào Phú Yên, tôi đã đề xuất và được Tư lệnh Hải quân đồng ý tặng 3 tấn gạo tám thơm cho lực lượng của ta ở bến Vũng Rô”, Anh hùng Hồ Ðắc Thạnh tâm sự.

 

Đại tá Ðặng Phi Thưởng, Anh hùng LLVT Nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, người từng tham gia bảo vệ bến tàu Không số Vũng Rô, dù phải đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, nhưng khi nhắc lại con đường huyền thoại trên biển gắn liền với bến Vũng Rô và những con tàu Không số, ông như sống lại thời trai trẻ. Theo đại tá Đặng Phi Thưởng, việc ta mở bến Vũng Rô ngay trong lòng địch là một quyết định táo bạo của Ban Thường vụ Liên tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam theo đề xuất của đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Bởi thời điểm này địch phong tỏa, ra lệnh cấm mọi phương tiện ra vào vịnh Vũng Rô. Ngay trên đỉnh đèo Cả là bốt Pơ-tí với một trung đội canh giữ, phía biển địch có các thuyền của Duyên đoàn 23 tuần tra và còn có Hạm đội 7 của Mỹ chốt đóng. Một nỗi lo khác, trạm ra đa của địch trên đỉnh núi Chóp Chài có bán kính quét rất rộng, tàu thuyền vào Vũng Rô khó lọt khỏi tầm ngắm. “Tuy nhiên, khi địch chủ quan, đó là cơ hội cho ta. Cho rằng khu vực này là vùng cấm, vùng được kiểm soát nên địch sơ hở, mất cảnh giác. Lợi dụng thời khắc ban đêm, ta đưa tàu chở vũ khí vào bến an toàn”, đại tá Ðặng Phi Thưởng khẳng định.

 

Còn ông Ngô Văn Định, Phó ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô, nguyên chiến sĩ Ðại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô chia sẻ: Khi mở bến Vũng Rô để tiếp nhận vũ khí từ những chuyến tàu Không số, tôi 18 tuổi, vừa nhập ngũ được 1 năm, là chiến sĩ B miền Đông thuộc LLVT huyện Tuy Hòa. Trước yêu cầu mở bến, tôi cùng một số đồng chí được cấp trên điều động về đơn vị K60, làm nhiệm vụ rà soát, nắm tình hình ở Vũng Rô, đồng thời xây dựng lực lượng du kích, dân công cho bến. Hòa Hiệp quê tôi lúc đó tinh thần cách mạng trong quần chúng rất mạnh mẽ. Những chiến sĩ ban đầu của K60 như Anh hùng LLVT Nhân dân Đặng Phi Thưởng cũng xuất thân từ Hòa Hiệp. Chúng tôi thường luồn rừng về làng, động viên người thân trong gia đình, họ hàng sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ cách mạng. Chiều 28/11/1964, từ Hòa Hiệp, Hòa Tâm, bà con băng rừng vượt núi đến chờ sẵn ở bến, không ai biết chuyện gì. Gần 24 giờ đêm, một chiếc “tàu lạ” xuất hiện và thả trôi trên vịnh Vũng Rô.

 

“Chúng tôi nhận lệnh ra đón tàu vào bến. Nghe nói, tàu chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Phú Yên và Khu 5, ai cũng vỡ òa, mừng vui đến nghẹn ngào, không nói nên lời. Toàn bộ lực lượng tại bến được lệnh, lập tức ùa lên boong, xuống tàu bốc dỡ hàng, rồi chuyển vào các gộp đá, hang núi gần bến. Những thùng đạn, khẩu súng được bọc kỹ bằng nhiều bọc nhựa, rất nặng. Dân công người mang, vác, người chặt cây rừng làm cáng để khiêng chạy băng băng. Có nhiều chị vác tới cả chục cây súng, đi lên đi xuống thoăn thoắt. Niềm ao ước và khát khao bấy lâu nay đã thành sự thật, ôm khẩu súng được bọc kín trong bao nhựa, tôi cảm nhận hơi ấm thiêng liêng từ hậu phương miền Bắc gửi vào, lòng trào dâng niềm vui khó tả”, ông Định nhớ lại.

 

LẠC VIỆT

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp