Địa danh chợ xưa trong ca dao Phú Yên

Thứ bảy - 29/10/2022 23:00
Từ xa xưa, các chợ ở Phú Yên đã gần gũi và thân thuộc với người dân địa phương. Chợ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người lao động. Chợ còn lưu giữ nhiều nếp sinh hoạt, văn hóa độc đáo nên chợ xưa đã đi vào ca dao Phú Yên.

Từ xa xưa, các chợ ở Phú Yên đã gần gũi và thân thuộc với người dân địa phương. Chợ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người lao động. Chợ còn lưu giữ nhiều nếp sinh hoạt, văn hóa độc đáo nên chợ xưa đã đi vào ca dao Phú Yên.

 

Một góc chợ quê ở Phú Yên. Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Từ miền duyên hải

 

Mỗi chợ xưa ở Phú Yên đều gắn với lịch sử hình thành của vùng đất. Theo thời gian, có chợ đã đổi tên, quy mô, địa điểm, thời gian họp chợ cũng không còn như trước, song địa danh chợ xưa vẫn mãi lưu truyền trong ca dao:

 

Chợ phiên Dinh nẫu họp buổi chiều

Cũng lắm người bán cũng nhiều người mua…

 

Hay:

 

Chợ phiên Dinh đông cả ngàn người

Nghèo khôn khó kiếm (chứ) thiếu chi người giàu sang

 

Cứ liệu lịch sử giúp ta hiểu được chợ Dinh thời ấy. Chợ Tuy Hòa ngày nay tại phường 4 - tiền thân là chợ Năng Tịnh, cũng gọi là chợ Dinh. Chợ Năng Tịnh xưa nằm trong khu vực nay thuộc khu phố 3, phường 1. Đây là khu phố cổ của Tuy Hòa, đông dân cư cả người Việt lẫn người Hoa. Chợ cất trước mặt đình Năng Tịnh. Sau năm 1954 chợ dời đến khu đất nằm trên các đường: Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lê Thánh Tôn và Cao Thắng hiện nay, cũng trong lãnh thổ làng Năng Tịnh cũ và phường 1 bấy giờ. Đến thập niên 60, chợ được xây dựng quy mô tại nơi hiện nay thuộc phường 4, lúc ấy gọi là phường Bình Mỹ. Buổi đầu người dân chọn vị trí họp chợ Dinh đã dựa vào nhiều yếu tố, diện tích đất rộng rãi, nơi có dân cư sinh sống tập trung và thuận lợi việc giao thương đi lại, mua bán. Có một dị bản ca dao cũng đề cập đến thời gian và mức độ người mua bán tại chợ Dinh:

 

Chợ phiên Dinh nẫu họp buổi chiều

Nào ai có bỏ hàng lều ở không

 

Chợ Dinh còn được ghi dấu trong lời tâm tình của những nam nữ thanh niên đã từng đến chợ phiên - chốn gặp gỡ rồi bén duyên, nảy nở tình cảm:

 

Ngó lên hòn Tháp chợ Dinh

Biết ai còn tưởng nghĩa mình hay không?

 

Một chợ lớn khác về phía nam của tỉnh hình thành từ rất sớm, có bán nhiều đặc sản lươn đồng được nhắc đến trong ca dao:

 

Sông sâu nhiều lạch

Chợ Bàn Thạch nhiều lươn

Nhắm bề thương đặng thì thương

Đừng trao gánh nặng giữa đường khổ em…

 

Trong Đại Nam nhất thống chí tỉnh Phú Yên, bản đời Duy Tân chép là “chợ Bàn, ở thôn Bàn Nham”. Thôn Bàn Nham là từ thôn Bàn Thạch Đông đổi thành từ thời vua Minh Mạng năm 1932, tuy nhiên tên sông, cầu và chợ vẫn giữ nguyên tên xưa là Bàn Thạch. Đây là một chợ phiên họp tại bờ nam cầu Bàn Thạch, nay thuộc phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa. Chợ Bàn Thạch khá sầm uất, nằm bên bờ sông Bàn Thạch nên không khí luôn mát mẻ, lại sát quốc lộ 1 rất thuận lợi việc buôn bán. Xưa kia, hai bờ bắc nam sông Bàn Thạch là những cánh đồng màu mỡ, nơi trồng lúa nước, môi trường sản sinh rất nhiều lươn. Thịt lươn đồng giàu dinh dưỡng nên trước đây chợ Bàn Thạch là đầu mối lái buôn thu mua lươn để mang về bán lại cho các nơi.

 

Trong bài ca dao khác có nhắc tới địa danh 4 chợ xưa đều thuộc huyện Tuy An:

 

Chợ Sen, chợ Giã, chợ Đèo

Chợ phiên Thành Cũ đi theo một đò.

 

Chợ Sen còn gọi là chợ Bà Sen. Đại Nam nhất thống chí tỉnh Phú Yên chép là chợ Bà Liên (liên là sen), xưa nằm ở thôn Định Trung, xã An Định, nay thôn Định Trung được chia thành 3 thôn: Định Trung 1, Định Trung 2, Định Trung 3. Đây là chợ xã An Định nằm ở thôn Định Trung 2. Chợ Giã ở thôn Xuân Phu, xã An Ninh Tây. Xưa kia người dân làm nghề giã nên có tên chợ này. Đặc sản là cá, tôm, mắm. Chợ Đèo cũng thuộc xã An Định, ở thôn Phong Niên, trong Đại Nam nhất thống chí tỉnh Phú Yên, chép ở thôn Định Phong nay thuộc xã An Nghiệp. Ngày trước, chợ này là nơi giao lưu hàng hóa giữa miền núi và đồng bằng huyện Tuy An. Khi xưa chợ Đèo bán nhiều cau như câu tục ngữ địa phương: Cau chợ Đèo. Chợ Đèo còn bán nhiều dưa leo. Đến tháng 9, tháng 10 âm lịch thì bán nhiều củ đậu (sắn nước). Chợ Thành nằm ở thôn An Thổ, xã An Dân. Trước kia nơi đó là tỉnh lỵ Phú Yên nên Thành là nơi tỉnh lỵ. Chợ nằm nơi cơ quan tỉnh ở thôn An Thổ nên gọi là chợ Thành, thêm từ cũ để chỉ một thời xa xưa. Tác giả A. Laborde trong bài Tỉnh Phú Yên đã chú giải: “Một chiếc thuyền đủ để đi chợ phiên Vạn Giã, chợ Đèo và Thành Cũ. Đó là ba cái chợ lớn ở Phú Yên, thuộc vùng Tuy An, nơi có bản doanh của tỉnh Phú Yên…”. Xã An Cư nơi thôn Phú Tân có chợ Gành cũng được phản ánh trong ca dao:

 

Ăn tôm thì nhớ chợ Gành

Ăn tương thì nhớ đậu nành Trung Lương.

 

Chợ Gành bán nhiều loại cá và hải sản như sò, hàu. Nay đổi tên là chợ An Cư, chợ của xã nên quy mô gian hàng nhiều hơn. Chợ chỉ họp buổi sáng, ngoài hải sản còn bán nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.

 

Địa danh chợ Lẫm ở Tuy An cũng được nhắc đến trong ca dao:

 

Ngó lên chợ Lẫm cây Da

Thấy anh bán rượu áo đà, áo xanh.

Khăn xanh có ví hai đầu

Xé ra may đãy bỏ trầu ăn chung.

 

Chợ Lẫm ở thôn Mỹ Huân, xã An Hiệp. Bên cạnh chợ có cây da (đa) cổ thụ nên cây da gắn liền với tên chợ: chợ Lẫm cây Da. Vùng đất An Hiệp thuận lợi trong việc trao đổi mua bán hàng hóa từ các nơi. Ngoài chợ Lẫm ở An Hiệp còn có thêm một số chợ hình thành sớm như chợ Phiên Thứ, chợ Quán Cau. Khi xưa các chợ ở An Hiệp chủ yếu trao đổi sản vật địa phương như mật ong, tơ tằm, trái cau, dầu rái và đặc biệt trao đổi thủy hải sản ở đầm Ô Loan như tôm, cua, hàu, sò huyết…

 

Một địa danh chợ lớn truyền thống khác thuộc địa bàn Sông Cầu, phía bắc tỉnh cũng in dấu ấn trong ca dao:

 

Chợ Sông Cầu một tháng sáu phiên

Anh đi không đặng, gửi lời nguyền thăm em.

 

Đại Nam nhất thống chí tỉnh Phú Yên chép chợ Sông Cầu ở Long Bình. Trước tháng 4/1975, Long Bình là thôn thuộc xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, hiện nay là khu phố thuộc phường Xuân Phú, TX Sông Cầu. Chợ Sông Cầu được xây dựng từ năm 1906, cùng thời với trường và Tòa Công sứ Pháp. Sản vật chính của chợ Sông Cầu khi xưa là các loại hải sản và dừa trái cùng nhiều món chế biến từ trái dừa.

 

Lên mạn ngược

 

Địa danh chợ xưa trong ca dao Phú Yên không chỉ miền duyên hải mà mạn ngược cũng có những chợ bán buôn nhiều thổ sản, là trung tâm giao lưu trao đổi hàng hóa giữa vùng miền đã đi vào ca dao:

 

Ai lên Phú Mỡ, Cây Dừng

Ghé chợ Kỳ Lộ nghỉ chân đôi ngày

Tới đây thì ở lại đây

Núi non dầu mặc, người dày nghĩa nhơn.

 

Hay:

 

Ba người, ba ngựa, ba roi

Lên chợ Kỳ Lộ bỏ roi đi quyền.

 

Chợ Kỳ Lộ nổi tiếng vùng cao huyện Đồng Xuân, nằm sát đường số 6 đi từ La Hai đến Phú Mỡ. Chợ Kỳ Lộ là trung tâm giao lưu trao đổi thổ sản, hàng hóa giữa miền núi, đồng bằng và duyên hải. Ở miền núi của tỉnh còn có chợ Đồn tại làng Vân Hòa, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, thời thuộc Pháp có xây đồn đóng quân gần chợ nên có tên đó. Trái thơm, trái mít là sản vật đặc trưng của chợ Đồn:

 

Chợ Đồn phiên họp người đông

Thấy thơm, thấy mít sao không thấy nàng

Dốc lòng lặn lội xa đàng

Hỏi ai, ai biết muôn vàn biết ơn.

 

Hay:

 

Tiếng đồn chợ Xổm nhiều khoai

Đất Đỏ nhiều bắp, La Hai nhiều đường.

Chợ Đồn mỗi tháng chín phiên

Gặp nhau chi nữa để phiền cho nhau

Người về khuất nẻo Sống Trâu

Để em thui thủi dốc Lau một mình.

 

Đại Nam nhất thống chí soạn đầu thế kỷ XX nói về việc buôn bán ở Phú Yên, ghi có 26 chợ trong toàn tỉnh. Thống kê năm 1964, Phú Yên có 62 chợ. Hiện toàn tỉnh có 130 chợ đang hoạt động; nhiều chợ hiện đại, trung tâm thương mại, siêu thị lớn ra đời ở khắp các huyện thị, xã phường trở thành nơi mua sắm thiết yếu tiện lợi với hàng hóa, nhu yếu phẩm đa dạng cho người tiêu dùng. Riêng TP Tuy Hòa có chợ đêm phục vụ nhu cầu mua sắm và ăn uống của khách du lịch.

 

Địa danh chợ xưa Phú Yên qua ca dao gợi nhớ bao điều tốt đẹp trong ký ức của nhiều thế hệ người dân đất Phú. Bởi chợ không chỉ là nơi bày bán các sản vật vùng miền, các món ăn dân dã truyền thống của người dân địa phương mà chợ còn là môi trường để gặp gỡ, giao lưu, nơi kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin, gìn giữ những nét đẹp văn hóa tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp