Những hạt giống đỏ đầu tiên

Thứ năm - 07/03/2019 16:32
Tháng 1/1927, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội có cơ quan lãnh đạo ở Trung Kỳ. Tháng 3/1927, Hội mở rộng ra các tỉnh.
Những hạt giống đỏ đầu tiên

Tháng 1/1927, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội có cơ quan lãnh đạo ở Trung Kỳ. Tháng 3/1927, Hội mở rộng ra các tỉnh. Cuối năm 1928 liên lạc được với Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Trung Kỳ, Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Phú Yên được thành lập ở phủ Tuy Hòa gồm nhà giáo yêu nước Trần Chương quê ở làng Ninh Tịnh (nay là thôn Ninh Tịnh, xã Bình Kiến), nhà giáo Phan Thanh (quê phường 3), nữ sinh Võ Thị Trang quê phường 1, do đồng chí Phan Thanh làm Bí thư chi bộ.

 

Từ trái sang phải: Đồng chí Nguyễn Quốc Thoại, Tỉnh ủy viên năm 1935, Trưởng Ban khởi nghĩa phủ Tuy Hòa tháng 8/1945; Đồng chí Phan Lưu Thanh - người cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên, Bí thư chi bộ đầu tiên (5/10/1930), Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên (1/1931); Nhà giáo Trần Chương (1900-1972) Hội viên Chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Phú Yên năm 1928; Đồng chí Nguyễn Chấn, đảng viên năm 1935, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp

 

Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội phát triển khá nhanh về số lượng và tổ chức, góp vốn lập Hưng nghiệp Hội xã. Bên ngoài hoạt động thương nghiệp, phục hưng nội hóa, bên trong hoạt động chính trị. Nên có bài thơ:

 

“Hưng nghiệp ngày nay mới có tên

Cửa hàng chi điểm mọc dần lên

Ba kỳ chung phất cờ thương chiến

Bốn biển reo vui trống lợi quyền

Hiệp vốn hiệp lời nên hiệp ước

Buôn ngàn buôn vạn chẳng buôn tiền

Đá dù mòn mõi sông dù cạn

Hội xã muôn năm cứ vững bền”.

 

Tờ báo Thanh niên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và những sách báo tiến bộ được chuyền tay nhau đọc. Gia đình nhà giáo Trần Chương là nơi chi bộ tổ chức in ấn những tài liệu và truyền đơn của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, cũng là nơi các đồng chí Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Trung Kỳ về làm việc với chi bộ tại Tuy Hòa.

 

Nhà giáo yêu nước Trần Chương trực tiếp tuyên truyền vận động, đưa tài liệu của Đảng cho các học trò của ông: Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương, Đặng Trích ở trong xã, các ông Võ Cao Thức, Mang Tấn Cảnh… ở huyện Đồng Xuân; các ông Nguyễn Sung, Huỳnh Lưu ở huyện Tuy An… Tư tưởng yêu nước và đường lối cách mạng Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi xướng bắt đầu bén rễ trong nhân dân. Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội là tổ chức cách mạng đầu tiên ở tỉnh ta đã đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đến Phú Yên.

 

Những học trò thầy giáo Trần Chương đều thuộc lòng bài thơ “Thế nào là Ái Quốc” của cụ Phan Bội Châu:

 

“… Nước là mẹ ta, ta là con nước

Thân con có phúc nhờ mẹ lâu dài

Mẹ mất con côi còn gì thân thể

Cuộc đời dâu bể, trời cướp mẹ mình

Hồn mẹ lênh đênh nỗi con chua xót

Nào người tâm huyết, máu chảy ruột mềm

Quên mẹ sao nên, phải thương đến nước”.

 

Giữa năm 1929, do cơ sở của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Trị bị vỡ, địch phát hiện ở Phú Yên có Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, chúng huy động lực lượng niêm phong “Hưng Nghiệp Hội Xã” và lùng bắt cán bộ. Hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội bị địch bắt. Đồng chí Phan Thanh bị tù 9 tháng ở Sông Cầu, địch tiêm thuốc độc và hy sinh tháng 10/1930. Nhà giáo yêu nước Trần Chương cũng bị tù 9 tháng ở nhà lao Sông Cầu. Đến đây tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tan rã. Tuy bị đàn áp nhưng uy tín của Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng do Người sáng lập vẫn lan rộng trong thanh niên, công nhân và trí thức trong xã, trong tỉnh. Đồng chí Trần Chương sau khi ra tù tiếp tục làm nghề dạy học. Các lớp học trò do nhà giáo dạy hầu hết là những cán bộ đảng viên của Đảng sau này.

 

Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở 3 kỳ, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 10/1930 đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cao trào 1930-1931, nhân dân cả nước vùng dậy chống sự cai trị hà khắc của bọn thực dân Pháp và bọn tay sai, nổi lên và quyết liệt là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Kẻ thù đàn áp đẫm máu các chiến sĩ cách mạng, nhưng các đảng viên tiền bối của Đảng đã nêu cao khí phách của người đảng viên cộng sản. Những hành động hy sinh dũng cảm của người cộng sản đã khắc sâu lòng căm thù giặc, thôi thúc các thanh niên yêu nước trong xã đứng lên cứu nước.

 

Ngày 1/5/1930, tổ chức Đảng Cộng sản ở La Hai rải nhiều truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở La Hai, Sông Cầu, Tuy Hòa. Việc làm ấy tác động mạnh đến thanh niên xã Bình Kiến đang học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Tuy Hòa.

 

Ngày 5/10/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên được thành lập ở xóm Đồng Bé, thị trấn La Hai do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư chi bộ. Nhiều cuộc mít tinh quần chúng liên tiếp nổ ra ở huyện Đồng Xuân, tố cáo sưu cao thuế nặng, chống địch khủng bố, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 7/1931, địch huy động lực lượng bao vây khủng bố phong trào cách mạng ở La Hai, bắt trên 500 cán bộ đảng viên và nòng cốt quần chúng của Đảng. Đồng chí Phan Lưu Thanh và đồng chí Trần Toại là 2 lãnh đạo chủ chốt bị địch bắt. Tổ chức Đảng ở La Hai tan rã, số đông đảng viên còn lại nằm im. Đồng chí Phan Ngọc Bích (bí danh là Việt Hồng) vào Tuy Hòa làm nghề kéo xe gây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí Phan Ngọc Bích tuyên truyền giác ngộ và kết nạp các đồng chí Lê Tấn Thăng, Nguyễn Chấn, Tư Đoan, Trương Hữ… vào Đảng, thành lập chi bộ Đảng phía nam của tỉnh ngày 24/11/1931 tại chùa Ông (chân núi Nhạn Tháp). Sau đó đồng chí Việt Hồng bị địch bắt, đồng chí Nguyễn Chấn bị đứt liên lạc với Đảng.

 

Vào những năm 1932-1934 ở làng Phước Hậu có 3 thanh niên yêu nước: Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương bàn với nhau đi tìm Đảng và làm cách mạng. Lúc bấy giờ đồng chí Trần Hào đang học nghề thuốc ở nhà ông Nguyễn Biện làng Phước Hậu cũng thường gặp 3 đồng chí ở Phước Hậu. Bốn thanh niên yêu nước gặp nhau trên con đường hoạt động cách mạng nhất trí phải đi tìm Đảng. Qua mấy lần tìm gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh ở Quảng Nam vẫn chưa tìm được Đảng.

 

Năm 1935, được tin đồng chí Phan Lưu Thanh ở tù về, đồng chí Trần Hào tìm gặp và bàn việc cùng phối hợp hoạt động. Tuy địch trả về nhưng đồng chí Phan Lưu Thanh vẫn bị địch theo dõi chặt nên không thể cùng hoạt động. Đồng chí Phan Lưu Thanh hứa sẽ giới thiệu đồng chí Trần Hào với Xứ ủy Đảng ở Trung Kỳ và cho đồng chí Trần Hào xem về Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Có Điều lệ Đảng, đồng chí Trần Hào về Phước Hậu gặp các đồng chí Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương bàn việc hình thành tổ chức Đảng ở tỉnh.

 

Tháng 4/1935, giữa cánh đồng Nho Lâm, Chi bộ Đảng Cộng sản ở Nho Lâm (Hòa Quang) ra đời gồm 5 đảng viên: Trần Hào, Phan Thôi, Nguyễn Hương (Nguyễn Chì), Nguyễn Tư Đoan, Phan Văn Dự do đồng chí Trần Hào làm Bí thư. Đồng chí Phan Lưu Thanh đã đến dự và công nhận chi bộ Đảng.

 

Ngày 20/10/1935, tại khu rừng dương làng Phước Hậu, đồng chí Trần Hào làm lễ thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Phước Hậu gồm 4 đồng chí: Trần Hào, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương do đồng chí Trần Hào và sau đó hơn 1 tháng đồng chí Nguyễn Quốc Thoại làm Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Liêm - em ruột đồng chí Nguyễn Chấn được giao nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ lễ thành lập chi bộ Đảng.

 

Tháng 11/1935, đồng chí Trần Hào thành lập Tỉnh ủy lâm thời tại gò Thủ Kỳ làng Phước Hậu do đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy. Trong Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời có các đồng chí: Lê Tấn Thăng, Trịnh Ba, Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương, Nguyễn Hạnh. Tỉnh ủy tập trung vào công tác trọng tâm lúc bấy giờ là phát triển Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã phát triển thêm ở huyện Tuy Hòa 6 chi bộ, huyện Tuy An 3 chi bộ, thành lập 2 phủ ủy Tuy Hòa và Tuy An.

 

THÀNH NAM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp