Năm 1611, Phủ Phú Yên được thành lập trên vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả. Năm 1627, nổ ra cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Để mở rộng thực lực xứ Đàng Trong tranh hùng với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chia xứ Đàng Trong từ sông Giang đến núi Đá Bia thành 7 dinh. Từ vị trí phủ, năm 1629, Phú Yên được nâng lên thành dinh Trấn Biên.
Thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An) - Thủ phủ tỉnh Phú Yên năm 1832-1899 - Ảnh: MINH KÝ |
Trong thế kỷ XVII, dinh Trấn Biên giữ vị trí quan trọng và vai trò to lớn của hành trình khai mở vùng đất Bình Khang (1653), Ninh Thuận - Bình Thuận (1693-1697), Đồng Nai và Gia Định (1698). Đến năm 1698, vai trò Trấn Biên được chuyển cho dinh mới lập ở Đồng Nai. Phú Yên đã đảm lãnh trọng trách Trấn Biên trong một thời gian dài (69 năm).
Sự kết thúc của Vương triều Tây Sơn và sự thiết lập triều Nguyễn, mở đầu là vua Gia Long (lên ngôi năm 1802), đã đánh dấu sự khôi phục nền thống trị của dòng họ Nguyễn trên một quốc gia thống nhất kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Gia Long và các vị vua tiếp sau ông đều xây dựng nhà nước theo thiết chế quân chủ chuyên chế, tập trung tối đa mọi quyền lực vào trong tay nhà vua, thực chất là tiếp tục thể chế quân chủ đã định hình từ thời Lê Sơ, đồng thời có sự thay đổi cho phù hợp với thời đại mới.
Đến khi Minh Mạng lên cầm quyền, tính chất chuyên chế phát triển cao cùng với việc hạn chế quyền hành của các cấp địa phương. Theo đó, ông cho tiến hành cuộc cải cách hành chính trên cả nước. Các đơn vị Bắc thành và Gia Định thành bị bãi bỏ, cả nước chia làm 29 tỉnh đứng đầu mỗi tỉnh là Tổng đốc, dưới Tổng đốc là Bố chánh, Án sát. Ở phủ có Tri phủ, huyện có Tri huyện, châu có Tri châu.
Trong 2 thế kỷ XIX-XX, Phú Yên có nhiều sự thay đổi về thành tố chung địa danh hành chính.
Từ năm 1803-1808, cấp hành chính Phú Yên gọi là dinh. Đứng đầu dinh là Lưu thủ, giúp việc có quan Hiệp trấn và Tham vấn. Dinh có 2 ty chuyên môn là Tả Thừa ty và Hữu Thừa ty. Phú Yên là dinh loại 2, số lượng biên chế quan lại có 118 người. Từ năm 1808-1826, dinh Phú Yên đổi thành trấn Phú Yên. Trấn do Trấn thủ đứng đầu, có Hiệp trấn và Tham vấn giúp việc.
Suốt hai năm 1815-1816, toàn trấn Phú Yên đo đạc xong ruộng đất và lập địa bạ cho từng thôn ấp. Theo Địa bạ triều Nguyễn, trấn Phú Yên gồm có 2 huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa, mỗi huyện có 3 tổng (Thượng, Hạ, Trung) và thuộc Hà Bạc. Huyện Tuy Hòa có trên 3.200 mẫu ruộng đất sử dụng trong số diện tích trên 15.406 mẫu.
Còn huyện Đồng Xuân có trên 13.492 mẫu ruộng đất sử dụng trong số diện tích trên 22.133 mẫu đất (1 mẫu bằng ½ha). Huyện Tuy Hòa cai quản 80 xã, thôn, giáp, phường. Huyện Đồng Xuân cai quản 63 xã, thôn, phường, châu. Còn thuộc Hà Bạc coi 28 thôn, ấp, phường.
Năm 1826, lại đặt làm phủ Phú Yên, đặt chức Tri phủ. Năm 1831, đổi làm phủ Tuy An cho thuộc vào Bình Định. Năm 1832 thăng hạng làm tỉnh Phú Yên, đặt hai ty Bố chánh, Án sát thuộc Tổng đốc Bình Phú thống hạt. Tại tỉnh có ty Hữu thừa và Tả thừa được đổi thành Án sát sứ (còn gọi là Ty Niết) do Án sát đứng đầu và Bố chánh sứ (còn gọi là Ty Phiên) do Bố chánh đứng đầu. Năm 1853 đổi làm đạo Phú Yên, đặt một Quản đạo, giấy tờ phải đặt ba chữ tỉnh Bình Định lên đầu. Năm 1876, lại đặt làm tỉnh Phú Yên vẫn do Tổng đốc Bình Phú thống quản.
Tháng 1/1888, người Pháp chính thức xác lập hệ thống chính quyền ở Phú Yên. Đứng đầu chính quyền bảo hộ là viên Công sứ nắm quyền công chính và thương chính, về sau thêm quyền lãnh sự, thay mặt Khâm sứ Trung Kỳ chỉ đạo mọi hoạt động từ tỉnh trở xuống. Giúp việc cho Công sứ có viên Phó sứ. Tòa Công sứ là cơ quan tổng hợp và chỉ đạo mọi hoạt động và là cơ quan lập pháp và tư pháp của chính quyền thực dân ở cấp tỉnh. Giúp việc cho Tòa Công sứ còn có các quan lại người Việt giữ chức vụ Tham tá, Phán sự và Thông ngôn. Thực dân Pháp xây dựng hệ thống sở, phòng ban chuyên môn như Sở Giám binh, Sở Thương chính, Sở Điện báo…, để giúp Công sứ trong việc cai trị.
Năm 1890, theo Nghị định ngày 27/3/1890 của Toàn quyền Đông Dương, Phú Yên sáp nhập vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, chức Công sứ Phú Yên bị bãi bỏ, tỉnh Bình Phú do Công sứ Quy Nhơn cai quản. Đến Nghị định ngày 25/11/1899 Pháp cho lập lại tỉnh Phú Yên nhưng sau đó Nghị định ngày 9/2/1913 thì đổi thành Đại lý Phú Yên (còn gọi Đại lý Sông Cầu). Phú Yên thời gian này do Công sứ Bình Định cai quản cho đến năm 1921 khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 17/10/1921 thành lập lại tỉnh Phú Yên. Đơn vị hành chánh này duy trì cho đến tháng 8/1945, khi chế độ thực dân Pháp cáo chung.
Để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quan lại Nam triều ở các tỉnh Trung Kỳ cũng như lôi kéo ngày càng nhiều tầng lớp tay sai người Việt vào bộ máy chính quyền thực dân, người Pháp đốc thúc vua Duy Tân ra đạo dụ ngày 29/4/1913, thành lập Hội đồng hàng tỉnh và đã được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bằng Nghị định ngày 4/6/1913. Hội đồng hàng tỉnh tuyển lựa từ hàng ngũ Chánh tổng của các phủ, huyện người Kinh; hàng ngũ Chánh tổng của người dân tộc thiểu số; hàng ngũ thân hào, nhân sĩ người Kinh có tiếng tăm. Danh sách ủy viên Hội đồng hàng tỉnh phải được Khâm sứ duyệt y. Nhiệm kỳ của ủy viên Hội đồng là 3 năm. Hội đồng hàng tỉnh có trách nhiệm góp ý kiến với chính quyền về chi phí các công việc có tính chất kinh tế và xã hội; phân chia khu vực địa lý hành chính ở tỉnh; bảo quản, xây dựng đường sá, đê điều… Đặc biệt tuyệt đối không được đề cập đến các vấn đề chính trị.
Song hành với bộ máy chính quyền bảo hộ, cũng như các tỉnh khác ở Trung Kỳ, tại Phú Yên tồn tại hệ thống chính quyền Nam triều từ tỉnh xuống phủ, huyện, rồi xuống tổng và đến xã. Nam triều xếp Phú Yên vào hạng tỉnh nhỏ nên đứng đầu tỉnh là quan Tuần vũ, kế đến quan Án sát, Đốc học, Lãnh binh. Số viên chức cấp tỉnh được quy định có 35 người.
Trước đó, theo Nghị định ngày 27/3/1890, tỉnh Phú Yên nhập vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, quan Tuần vũ Phú Yên chuyển ra Quy Nhơn giúp việc quan Tổng đốc Bình Phú, Nam triều được sự chuẩn y của Khâm sứ bổ nhiệm quan Bố chính đứng đầu tỉnh. Năm 1921, khi thành lập lại tỉnh Phú Yên, Nam triều đặt lại quan Tuần vũ đứng đầu tỉnh thay thế quan Bố chính. Ở tỉnh đường có 2 ty: Ty Phiên và Ty Niết. Đứng đầu Ty Phiên là quan Thông phán làm nhiệm vụ giúp việc cho quan Tuần vũ. Ty niết giúp việc cho quan Án sát, đứng đầu là quan Kinh lịch. Về võ quan có Chánh, Phó Lãnh binh, Quản cơ, Suất đội, Hiệp quản, Đội trưởng… Ngoài ra còn có Ty Lễ sinh, Ty Chiêm hậu, Ty Lương y.
Chịu trách nhiệm quản lý giáo dục thi cử trong tỉnh có quan Đốc học trông coi cả tỉnh, giáo thụ phụ trách phủ và Huấn đạo ở cấp huyện do quan Giáo thụ và Huấn đạo chịu trách nhiệm, các hương trường cũng tuân thủ theo quy định của Đốc học tỉnh.
Đơn vị hành chính dưới tỉnh là phủ, huyện, tương ứng với các chức quan đứng đầu là Tri phủ, Tri huyện. Giúp việc có 1 lại mục, 1 thừa phái, 1 lục sự và 1 đội lệ. Về nguyên tắc phủ thống hạt huyện, tri huyện dưới quyền tri phủ, huyện, châu, đạo là những cấp tương đương nhau.
Cấp tổng là đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã, có Chánh tổng và Phó tổng cai quản. Tùy theo thực tế của tỉnh, có tổng thêm chức Phó Tổng Vệ lâm (lo việc bảo vệ rừng), Phó Tổng Vệ nông (lo việc bảo vệ kênh, mương, nông giang). Chánh tổng có con dấu riêng để đóng vào các giấy tờ khi thi hành công vụ. Một số người có tiền nộp cho triều đình được ban hàm Phó tổng gọi là “Phó tổng dụng”. Những người này được miễn thuế đinh, miễn nộp công tư ích, có một chỗ ngồi vào hàng Tổng Lý ở nơi hội hè đình đám.
Mỗi tổng phân ra nhiều xã (ở Phú Yên, có nơi là xã, có nơi là thôn, phường, giáp, châu…).
Bộ máy trực tiếp quản lý công việc trong xã có Xã trưởng (sau đổi thành Lý trưởng) và một số kỳ hào. Xã trưởng chịu trách nhiệm về thu thuế, mộ lính và cung ứng các tạp dịch cho triều đình và nhà vua; xã có nhiều dân đinh có thể đặt thêm từ 1-2 Phó Lý trưởng. Từ đầu năm 1942 cho đến Cách mạng Tháng Tám (1945), bộ máy quản lý xã, thôn có thay đổi theo Đạo dụ ngày 5/1/1942 của vua Bảo Đại.
Bộ máy chính quyền ở xã, thôn có Hội đồng hào mục và Hội đồng hào dịch. Hội đồng hào mục là cơ quan bàn bạc và ra quyết nghị về công việc, hoạt động của xã, thôn; đề cử các ứng viên vào chức vụ Lý trưởng, Phó Lý, Ngũ hương. Hội đồng hào dịch là cơ quan chấp hành các quyết nghị của Hội đồng kỳ mục có Lý trưởng, Phó lý và Ngũ hương (Hương bộ, Hương bản, Hương kiểm, Hương mục, Hương dịch).
Hội đồng hào mục các xã, thôn tại Phú Yên thành phần thông lệ là những cựu Chánh, Phó tổng, Lý trưởng, Phó Lý, Ngũ hương trong xã, thôn đã nghỉ. Hội đồng có Ban thường trực gồm Chánh Trưởng ban và Phó Trưởng ban, nhân dân gọi tắt là Chánh ban, Phó ban.
Đứng đầu Hội đồng hào dịch là Lý trưởng. Lý trưởng có nhiệm vụ thi hành luật lệ và các quy định của cấp trên, thu thuế mà dân phải đóng góp, ký cấp “bài chỉ” (thẻ tùy thân cho dân trong xã). Hương bộ lo việc quản thủ văn khố của làng, ký cấp bản trích lục bộ khai sinh, khai tử, giá thú. Hương bản lo giữ quỹ làng, ký thu, chi chứng từ tài chính. Hương kiểm lo việc an ninh của làng, Hương mục lo trông coi tu bổ đường, công sở, Hương dịch lo việc liên lạc, tạp vụ. Có làng thêm chức Hương lâm (lo việc bảo vệ rừng), Hương nông (lo việc thủy nông), Hương yên (lo việc đôn đốc trồng và thu mua thuốc lá). Dụ của vua Thành Thái (ngày 14/8/1898) quy định Lý trưởng và kỳ hào các làng, xã có nhiệm vụ lập danh sách những người phải đóng thuế của làng, xã mình.
Để cai trị Phú Yên, chính quyền bảo hộ đã chọn Vũng Lắm làm nơi đặt Tòa Công sứ đầu tiên ở Phú Yên. Từ giữa năm 1888, hệ thống chính quyền thực dân tay sai ngày càng mở rộng, người Pháp xây dựng đồn Giám binh, Sở Thương chánh, Công chính, Y tế… phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa. Tháng 2/1889, chính quyền thực dân Pháp dời Tòa Công sứ ra làng Phước Lý (Sông Cầu) và đóng ở đây cho tới ngày chính quyền thực dân Pháp cáo chung.
Năm 1888, Nam triều cho dời Tỉnh đường ra làng Tân Thạnh (nay là Xuân Thọ 2, Sông Cầu) theo yêu cầu của người Pháp. Năm 1889, Tỉnh đường dời về lại thành An Thổ. Và đến năm 1899, Tỉnh đường dời ra thôn Long Bình (Sông Cầu), nằm bên cạnh Tòa Công sứ để cho người Pháp dễ bề cai trị.
PHAN THANH