Cuối tháng 8/1954, ta công khai tuyên bố giải tán chính quyền nhân dân. Lính ngụy đến tiếp quản vây ráp khắp các thôn trong xã Hòa Kiến.
Trên đà chiến thắng dồn dập, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, những năm dài khói lửa đã qua. Những tháng ngày đầu tiên trong không khí hòa bình, cán bộ và nhân dân xã nhà vui mừng trở về xây dựng, sửa sang lại nhà cửa trên nền đất cũ đã bị giặc Pháp đốt phá hoang tàn trong Chiến dịch Át-lăng. Đảng bộ xã đã kịp thời củng cố tổ chức, nắm quần chúng, ổn định tư tưởng, giữ vững lòng tin đối với Đảng, lòng tin đối với Bác Hồ, lòng dặn lòng chờ 2 năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Nhưng bản chất của địch là ngoan cố, hiếu chiến và tàn bạo, bất chấp Hiệp định Giơ-ne-vơ, chưa qua 30 ngày theo tinh thần hiệp định mà chúng đã cho lính đi lùng sục, cướp phá, khủng bố. Tại xã Hòa Kiến nổ ra những cuộc đấu tranh chính trị có hàng trăm người tham gia.
Mở đầu là cuộc đấu tranh tại Hồ Sơn (Ninh Tịnh), là nơi trong Chiến dịch Át-lăng địch đã lập được tề ngụy. Chiều 29/8/1954, một số thanh niên ta viết khẩu hiệu, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, không đi cướp phá, bắn giết đồng bào ta. Một trung đội lính ngụy từ căn cứ chùa Hồ Sơn được bọn tay sai báo, kéo lên vây bắt thanh niên tại Vườn Bông.
Nhân dân xung quanh trông thấy chúng vây bắt con em mình, hàng trăm người liền chạy đến đấu tranh, buộc chúng phải thả ngay những người bị bắt. Bà con đứng cản đường không cho chúng dẫn thanh niên về đồn. Một tên sĩ quan chỉ huy ngoan cố lên đạn giương súng nhắm vào đám đông. Lập tức ông Bùi Chỏ, một đảng viên nòng cốt, đứng gần xông vào giật phắt cây tiểu liên, tên sĩ quan chưa kịp gây tội ác. Cả trung đội lính ngụy chạy về đồn.
Giữa đường chúng ném lại một quả lựu đạn làm bị thương một phụ nữ. Được sự lãnh đạo của các đồng chí cán bộ xã, trên 500 bà con ở các thôn Ninh Tịnh, Liên Trì, Phước Hậu, phường 2, mang theo đèn đuốc, cây gậy, khiêng người bị thương kéo đến chùa Hồ Sơn nơi quân ngụy đóng, đấu tranh buộc chúng phải bồi thường thiệt hại. Ta tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của một số ngụy quân.
Lúc đầu địch hung hăng, kéo ra bao vây uy hiếp, bà con bình tĩnh, không nao núng. Anh Trần Quang Tỷ, một thanh niên thôn Ninh Tịnh đại diện cho bà con đứng lên đấu lý với tên chỉ huy gian ác. Chúng kê súng vào mang tai anh bắn dọa, và đá anh té nhào, anh vẫn đứng lên không run sợ. Dựa trên cơ sở pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ, anh đấu tranh buộc chúng phải bồi thường thiệt hại do chúng gây ra. Trước tinh thần bất khuất của nhân dân, cuối cùng địch phải nhượng bộ. Chúng xin lỗi bà con, hứa sẽ không bắt bớ, cướp phá và nhận chạy chữa cho người bị thương đến khi bình phục. Bà con ra về vui vẻ reo mừng thắng lợi đầu tiên.
Ngày 31/8/1954, một tiểu đoàn lính địch từ cứ điểm Núi Sầm (Hòa Trị) kéo vào xã chia làm hai cánh. Một cánh vào Minh Đức, Ngọc Phong, một cánh vào Sơn Cẩm Thọ, đánh cướp phá và uy hiếp nhân dân.
Đối với cánh lính ngụy vào Thanh Minh Ngọc, ta lãnh đạo nhân dân bất hợp tác với chúng, không cho chúng mượn nhà đóng quân, không để chúng cướp phá; đấu tranh cương quyết không bồi thường tài sản bị mất trong chiến tranh cho những người bỏ nhà theo giặc.
Cũng trong khoảng đầu tháng 9/1954, lính ngụy đóng ở cứ điểm mỏm Cổ Rùa, kéo quân ra Xóm Bầu (Liên Trì) bẻ bí, bắt gà, phá cây cối rào dậu của nhân dân. Một số bà con Xóm Bầu được đồng chí Lê Quang Chuẩn làm nòng cốt, đấu tranh ngăn chặn hành động ngang ngược của chúng. Cuộc xô xát diễn ra, nhiều người bị chúng đánh đập, bà con kêu la, lập tức hàng trăm người cả thôn Liên Trì kéo đến. Chúng vội vã rút về đồn, bắt theo 8 người, và chuẩn bị tư thế đàn áp bằng vũ lực. Nhân dân liền cử một số người đại diện vào tận đồn giặc, dùng lý lẽ hợp pháp vừa đấu tranh, vừa thuyết phục. Địch phải chấp nhận thả 8 người bị bắt, và hứa không chặt phá cây cối nữa.
Trong thời gian này, nhiều nơi, nhân dân đã dùng lý lẽ đấu tranh và dùng tình cảm thuyết phục buộc địch không đóng quân trong nhà dân, không giải tán các lớp học (ở Phước Hậu), không cho địch hạ cờ cách mạng (ở Thanh Đức), không cho chúng thành lập chính quyền ngụy (ở Thượng Phú).
Tại xã, sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, còn một tiểu đoàn địch đóng ở Núi Sầm uy hiếp phía tây xã. Một tiểu đoàn đóng ở Cổ Rùa. Một đại đội địch đóng ở chùa Hồ Sơn thường xuyên lùng sục vây ráp phía đông xã. Cuối tháng 8/1954, địch bắt đầu tiếp quản xã. Chúng cho một trung đội bảo chính, kèm theo một toán hành chánh lưu động cùng nhiều tên thuộc các đảng phái phản động (Đại Việt - Quốc dân Đảng) và những tên phản động đội lốt tôn giáo ngày đêm lùng sục từng thôn xóm. Bọn địa chủ gian ác lợi dụng cơ hội ngóc đầu dậy trả thù. Ngày 3/9/1954, chúng lùng bắt một số cán bộ đảng viên trong xã đưa vào nhà lao Ngọc Lãng gồm các đồng chí: Trần Hiệp, Trần Phước, Trần Quá (Sơn Cẩm Thọ), Mai Xướng, Đỗ Khanh, Lê Văn Toại (Xuân Hòa), Lương Công Xuân, đồng chí Tường (Quan Quang), Bùi Mãnh, Bùi Mười, Mang Muốn, Đỗ Trọng Cừu, Lê Phúc Nghiên (Tường Quang), Trần Tấn Nông, Lê Trọng Cảnh, Trần Quốc Cười, Trần Văn Minh (Minh Đức), Nguyễn Trọng Đàm, Huỳnh Lô (Ngọc Phong), Đỗ Tấn Hữu (Thượng Phú), Bùi Phùng (Thọ Vức), Trần Quắn, Phan Ngọc Cật, Lê Bông (Liên Trì), Trần Hích (Ninh Tịnh), Trần Tân, Lương Đường (Phước Hậu)... Bọn ngụy quân ngụy quyền và bọn phục thù giai cấp bộc lộ bản chất hiếu chiến, tàn bạo, hung hăng khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước. Chúng chia cán bộ đảng viên ra làm ba loại: loại một bắt thủ tiêu ngay; loại hai bắt đánh đập tra tấn, cầm tù; loại ba hù dọa khống chế tại địa phương. Chúng hèn hạ thủ tiêu đồng chí Trần Thành, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã, đồng chí Trần Hiệp (Thọ Bình) chi ủy viên xã. Đồng chí Lương Công Xuân (Quan Quang) bị chúng truy đuổi phải nhảy xuống ao tự vẫn. Những cuộc vây ráp bắt bớ hàng loạt xảy ra cả ngày đêm, nhất là vùng Thanh Minh Ngọc, Xuân Quang Tường, Phước Hậu, thánh thất Cao đài (Tường Quang) và các lẫm làng như lẫm Minh Đức và nhà của những tên địa chủ phản động trở thành những trại giam để tra tấn đánh đập cán bộ đảng viên hết đợt này đến đợt khác. Bất chấp địch hung hăng đàn áp, cán bộ đảng viên trong xã luôn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng. Đồng chí Đỗ Tào (Phước Hậu) bị chúng tra đánh mấy đêm liền, sau chúng đào hầm, bịt mắt bắn dọa ba viên đạn nổ, nóng rát mang tai, anh vẫn không run sợ.
Chúng lập ra nhà lao Ngọc Lãng, không chiếu, không giường, dơ bẩn hơn trại gia súc để giam cán bộ đảng viên và quần chúng yêu nước. 24 cán bộ xã Hòa Kiến bị địch bắt giam vào đây đầu tiên trong toàn tỉnh. Tại đây anh em thành lập chi bộ Đảng, là tổ chức Đảng đầu tiên của nhà lao. Nhờ cơ sở Đảng trong nhà lao, quần chúng bên ngoài giúp đỡ, tháng 2/1955 tổ chức của ta đã giải thoát được đồng chí Văn Gói và hai cán bộ tỉnh thoát khỏi nanh vuốt của địch.
Một không khí ngột ngạt căng thẳng, nặng nề bao trùm lên toàn xã. Hàng trăm thanh niên yêu nước trong xã kéo nhau tìm đường ra Bình Định, xung phong vào bộ đội, đi tập kết ra Bắc. Các đồng chí lãnh đạo ở tỉnh động viên một số anh em trở về. Một số du kích cũ đòi trang bị vũ khí bí mật diệt địch.
Trước sự khủng bố trắng vô cùng man rợ của địch, các đồng chí còn lại trong Ban chấp hành chi bộ xã họp nhau ở Thượng Phú, bàn bạc quyết định: “Trước tình hình địch khủng bố ác liệt như vậy, một số đồng chí không thể sống hợp pháp tại địa phương, phải tìm đường ra Bình Định tập kết. Một số có điều kiện thì về các thôn sống hợp pháp, quyết tâm sống chết, bí mật lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch”. Nhờ các đồng chí đảng viên nòng cốt quyết tâm sống chết bám phong trào nên nhân dân vẫn giữ được lòng tin yêu cách mạng, bất hợp tác với địch, đấu tranh với chúng bằng nhiều hình thức linh hoạt. Nhờ vậy đã cô lập bọn xấu ra mặt phản cách mạng, tiếp tay với địch. Qua 1 tháng đánh phá ác liệt, chúng mới dựng lên được chính quyền tay sai là hội đồng hương chính xã gồm 11 tên, và hội đồng hương chính thôn, mỗi thôn từ 7-9 tên. Thượng Phú là thôn chúng lập được chính quyền sau cùng (tháng 11/1954).
Việc làm đầu tiên của bọn tay sai này là lùng sục truy nã hòng tiêu diệt cộng sản, trấn áp nhân dân. Địch ra sức tiêu diệt những thành quả cách mạng trong kháng chiến. Chúng lập ngay nhà giam tại xã và cả nhà giam ở các thôn. Mỗi điểm canh đều ngăn ra một phòng giam kín, có thôn đến 3, 4 phòng giam. Chúng tập trung cán bộ đảng viên bắt làm tờ “thành khẩn ly khai” và “quy thuận quốc gia”. Chúng truy tìm các kho, các quỹ trong kháng chiến, thu hồi ruộng đất và truy thu tô tức của nông dân mà cách mạng đã thực hiện chính sách cấp phát cho bà con trong những năm kháng chiến. Chúng bắt cha mẹ, vợ con gia đình tập kết phải làm giấy “từ con”, “bỏ chồng”. Chúng điên cuồng tìm bắt số cán bộ đảng viên chủ chốt ở xã, thôn đưa vào nhà tù Ngọc Lãng. Đồng chí Lê Ứng (Liên Trì) vì sức yếu, bị tra tấn dã man đã chết sau 3 tháng bị giam ở nhà lao Ngọc Lãng.
Chúng tuyên truyền xuyên tạc tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, nói xấu Đảng, nói xấu lãnh tụ, nói xấu chế độ ta. Chúng phục hồi các tệ nạn mê tín dị đoan, phù thủy, đồng bóng, ma chay, hát án, tế thần, rước sắc... và các tệ nạn xã hội khác mà ta đã xóa sạch trong kháng chiến. Bà con ta đi lại ban đêm phải cầm đèn, ai tụ tập 3 người trở lên nói chuyện thì bị quy là cộng sản.
THÀNH NAM