Hòa Xuân đánh tan kế hoạch “bình định nước rút” năm 1971

Thứ sáu - 26/04/2019 04:51
Tháng 11/1970, Huyện ủy Tuy Hòa phổ biến chủ trương của Khu ủy và Tỉnh ủy về “chống bình định, diệt địch kìm kẹp, giành giữ dân”.
Hòa Xuân đánh tan kế hoạch “bình định nước rút” năm 1971

Tháng 11/1970, Huyện ủy Tuy Hòa phổ biến chủ trương của Khu ủy và Tỉnh ủy về “chống bình định, diệt địch kìm kẹp, giành giữ dân”. Đứng trước kế hoạch “bình định đặc biệt” bị thất bại nặng nề, tháng 11/1970, địch chuyển sang thực hiện kế hoạch “bình định nước rút” giành giật với ta từng mảnh đất, từng người dân bằng những thủ đoạn vô cùng tàn bạo, thâm độc.

 

Ông Ngô Văn Kin - người chỉ huy LLVT xã cải trang lính quân đội Sài Gòn, đánh đại đội bảo an địch ở núi Hiềm (trái) và ông Lê Hữu Sự - du kích mật tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ (phải)

 

Tại Hòa Xuân, địch dùng thủ đoạn “tam giác chiến” đánh phá căn cứ, vùng giáp ranh, đẩy mạnh chiến tranh gián điệp, tăng cường lực lượng cảnh sát xã, thẳng tay đàn áp, bắt bớ quần chúng cách mạng.

 

Để tạo thế đánh tan kế hoạch “bình định nước rút” của địch, ngày 1/1/1971, du kích Hòa Xuân phối hợp với công binh phục vụ tại cua Pi-đông (đèo Cả) phá hủy 3 xe quân sự của địch. Đêm 9/1/1971, du kích Hòa Xuân phối hợp với du kích Hòa Vinh và bộ đội Đại đội 203 đánh tan trung đội dân vệ ở ấp Đông Mỹ (Hòa Vinh), đồng thời đập tan bọn địch ở cầu Bàn Thạch kéo ra tiếp viện, diệt 6 tên.

 

Giữa lúc phong trào toàn dân đánh giặc thu được nhiều kết quả rất khả quan, ngày 15/1/1971, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 6 được triệu tập ở phía tây Đồng Tàu, xã Hòa Thịnh nhấn mạnh công tác xây dựng cơ sở, mở rộng phong trào, xây dựng vùng giải phóng liên hoàn.

 

Đến thời điểm này, bọn xâm lược Mỹ cơ bản đã cút khỏi Phú Yên. Tại Tuy Hòa chỉ còn bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên co cụm trong 14 chốt, chủ yếu là ở Tuy Hòa 1, trong đó có 3 chốt ở Hòa Xuân.

 

Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, Chi bộ Hòa Xuân đã phát động phong trào toàn dân đánh giặc, xây dựng chính quyền nhân dân, củng cố các đoàn thể, mở rộng vùng giải phóng.

 

Tối 21/2/1971, quân dân Hòa Xuân phối hợp với bộ đội đặc công nước (C24) dùng thuốc nổ TNT đánh sập hai nhịp cầu Bàn Thạch, cắt đứt giao thông địch trên quốc lộ 1. Sự kiện này gây tác động đến ngụy quyền tỉnh và cả cơ quan đầu não ở Sài Gòn, gây hoang mang cực độ trong bọn ngụy quân ngụy quyền. Còn quần chúng cách mạng thì vô cùng phấn khởi và tin tưởng cách mạng.

 

Sau chiến công phá sập cầu Bàn Thạch, du kích Hòa Xuân phối hợp cùng bội đội, pháo kích vào dốc Cu. Bộ đội ta xung phong tập kích diệt 65 tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Ngày 28/2/1971, quân ta bắn pháo vào Trung đoàn bộ Trung đoàn 28 Bạch Mã làm nổ một kho đạn, cháy một kho xăng, phá hỏng nhiều trại lính.

 

Một trong những chiến công tiêu biểu là trận chiến đấu đánh phá giao thông ở đèo Cả của Đại đội K65 công binh phối hợp với du kích Hòa Xuân đêm 15 và sáng 16/3/1971.

 

Quốc lộ 1, đoạn đi qua đèo Cả có chiều dài 12km, đường quanh co gấp khúc, nhiều dốc khá hiểm trở (tuyến đường sắt Bắc - Nam xuyên qua đèo chui qua 5 đường hầm). Phía tây nam nối liền với cảng Vũng Rô. Để phục vụ cho căn cứ Đông Tác, địch đã thiết lập một hệ thống đường ống dẫn dầu từ cảng dọc theo đường sắt chạy về sân bay Đông Tác.

 

Mặt khác, chúng còn mở một đường ô tô từ quốc lộ 1 nối với bến cảng để vận chuyển hàng, vũ khí từ các chuyến tàu về căn cứ. Trên đoạn đường này có một chiếc cầu dài khoảng 20m bắc qua một con suối sâu gọi là cầu Lớn, cầu này rất quan trọng, nếu bị hư hỏng, địch sẽ không có đường tránh.

 

Với địa hình hiểm trở, hai bên núi liền kề, vách đứng, vực sâu, đá gộp chồng chất, lực lượng ta dễ tiếp cận, giữ được bí mật, có địa hình che khuất, rất thuận lợi cho việc phục kích đánh giao thông.

 

Trên tuyến giao thông quan trọng này, bọn Mỹ - ngụy thiết lập một đoạn đường huyết mạch nằm trong quần thể khu căn cứ Đông Tác - Vũng Rô. Do tính chất vô cùng quan trọng của khu căn cứ nên địch đã bố trí lực lượng chốt giữ và bảo vệ giao thông vô cùng cẩn mật. Lực lượng gồm có: 1 đại đội bảo an chốt ở đồn Pê Tí, 1 trung đội Nam Triều Tiên chốt phía nam đồi Pi-đông, 1 đại đội Mỹ và 3 chỉ huy bên cảng đóng ở đồi Bằng, 1 trận địa pháo 4 khẩu 105.

 

Ở đỉnh dốc Cu, điểm cao nhất của đèo Cả, địch xây dựng điểm chốt gồm có 1 trung đội Mỹ, 1 trung đội Nam Triều Tiên và trạm rađa đối không và đối hải. Ngoài lực lượng chốt giữ, thường ngày có 1 trung đội Nam Triều Tiên tuần bộ, 1 chi đội xe thiết giáp 5-7 chiếc tuần tra cơ động từ Đông Tác đến Vũng Rô. Dọc tuyến đường sắt, chúng lắp một đường ống dẫn dầu từ cảng về các kho xăng dầu ở Đông Tác, có 2 ống song song, đường kính 46cm.

 

Mục đích trận đánh của ta là thực hiện tiến công liên tục địch trong chiến dịch xuân - hè 1971: đánh phá giao thông, đẩy và dồn địch vào thế bị động đối phó nhiều nơi. Phối hợp cùng các chiến trường trong tỉnh, gây áp lực với địch giữ thế chủ động và tạo thế mới cho ta.

 

Lực lượng ta tham gia trận đánh gồm Đại đội K65 công binh của tỉnh trực thuộc Tiểu đoàn 14 đặc công (chuyên trách đánh phá căn cứ Đông Tác - Vũng Rô), đơn vị chuyên trách đánh giao thông trên trục đường từ cầu Bàn Thạch đến Vũng Rô. Ngoài ra, đơn vị còn hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị bạn và du kích Hòa Xuân.

 

Đại đội tổ chức thành 3 bộ phận: Bộ phận chủ yếu đánh sập cầu Lớn gồm 28 đồng chí được trang bị 6 AK, 80kg thuốc nổ, do đồng chí Doãn, đại đội trưởng chỉ huy. Bộ phận phục kích đánh địch giải tỏa ở nam đồi Pi-đông có 9 đồng chí được trang bị 6 AK, 1 M79, 2 B40, 2 quả mìn ĐH10, do đồng chí trung đội trưởng chỉ huy. Bộ phận đánh phá đường ống dẫn dầu có 6 đồng chí do đồng chí Dậu, chính trị viên đại đội chỉ huy, được trang bị 4 AK, 1 M79 và 14kg thuốc nổ (2 khối).

 

Bộ đội và du kích Hòa Xuân bí mật tiếp cận các mục tiêu, thao tác kỹ thuật đặt mìn, thuốc nổ đúng thời gian quy định; ưu tiên cho tổ đánh cầu, 2 tổ phá đường ống dẫn dầu nổ tiếp; bảo đảm thu quân rời khỏi trận địa an toàn. Bộ phận phục kích đánh quân giải tỏa, tuyệt đối giữ bí mật chờ địch đến bấm mìn, nổ súng, đánh nhanh, xung phong nhanh, rời khỏi trận địa nhanh.

 

Tuân thủ theo mệnh lệnh hiệp đồng, lực lượng ta tiếp cận mục tiêu, xử lý kỹ thuật đặt thuốc nổ, mìn vào các mục tiêu đã định. Đến 0 giờ ngày 16/3/1971, tất cả việc chuẩn bị đã xong, chờ lệnh phá hỏa. Bộ phận phục kích tiếp cận kiểm tra địa hình chọn vị trí đặt mìn, phạm vi phục kích, sau đó vào các gộp đá nghỉ và tránh pháo của địch phản ứng sau khi ta nổ mìn phá cầu và đường ống.

 

Đúng 0 giờ 5, sáng 16/3/1971, một tiếng nổ rung chuyển cả khu phía bắc Vũng Rô, tiếp theo là tiếng nổ phá đường ống dẫn dầu trên tuyến đường sắt, lửa khói bốc cao hơn 20m và cháy lớn đến 5 giờ sáng mới tắt, cầu Lớn bị phá sập hoàn toàn. Hai bộ phận làm xong nhiệm vụ rút quân về nơi quy định.

 

Đúng như dự kiến của ta, sau khi 2 tiếng nổ vừa dứt khoảng 5 phút, 2 trận địa pháo ở Trung đoàn bộ 28 Bạch Mã và đồi Bằng cảng Vũng Rô, bắn hàng ngàn quả pháo 105 và 155 dọc sườn núi phía nam quốc lộ 1 từ nam Hảo Sơn đến phía nam đồi Pi-đông và dọc sườn núi phía bắc đường sắt. Hơn 2 giờ, pháo địch ngừng bắn, có 2 trực thăng vũ trang đến quần và thả đèn sáng để quan sát chiến trường. Gần 4 giờ sáng, bộ phận phục kích ra vị trí và đặt mìn.

 

Đúng 7 giờ sáng, 1 trung đội Nam Triều Tiên ở ngã ba Vũng Rô theo đường số 1 ra đồi Pi-đông để giải tỏa và kiểm tra cầu Lớn. Cùng thời gian này ở căn cứ Đông Tác, Hòa Hiệp có 1 đơn vị thiết giáp 6 chiếc và 5 xe chở 1 đại đội lính Mỹ vào giải tỏa.

 

Lúc 7 giờ 15, tốp đi đầu của trung đội Nam Triều Tiên lọt vào khu vực bố trí mìn và phục kích ta, đồng chí trung đội trưởng lệnh bấm mìn và nổ súng, tốp địch 8 tên chết tại chỗ. Lực lượng ta xung phong truy kích, đội hình địch phía sau tháo chạy hơn 200m mới dừng lại và bắn trả, ta dùng M79 bắn vào đội hình phía sau của địch nhằm ngăn chặn không cho chúng phản kích, thu vũ khí và nhanh chóng rời khỏi trận địa.

 

Nghe tiếng súng nổ ở đồi Pi-đông, quân Mỹ điều động lực lượng thiết giáp kéo đến cứu viện. Chúng bắn trọng liên, đại liên loạn xạ ra hai bên đường và các sườn núi. Nhưng khi đến cầu Lớn là tắc nghẽn, vì cầu bị ta phá sập hoàn toàn nên địch phải quay về. Lực lượng ta nhanh chóng rời trận địa.

 

Kết quả trận đánh, quân ta phá sập cầu dài 20m bằng bê tông cốt thép, giao thông tê liệt 2 ngày; phá 20m ống dẫn đầu, đốt cháy hàng vạn lít xăng dầu, diệt 11 tên lính Nam Triều Tiên, thu 1 khẩu M79, 2 súng AR15, 12 quả lựu đạn, ta không thương vong.

 

Trận chiến đấu đánh phá giao thông đèo Cả thắng lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Cắt đứt giao thông, phá phương tiện chiến tranh, nhằm uy hiếp và gây rối loạn căn cứ, hậu cứ địch, buộc địch đối phó phòng giữ, hạn chế lực lượng cơ động càn quét đánh phá vùng giải phóng căn cứ của ta, góp phần cùng các lực lượng đánh địch trên cả vùng, dồn và đẩy địch vào thế bị động.

 

Phối hợp cùng các hướng tiến công trong toàn huyện, ngày 28/4/1971, quân dân Hòa Xuân phối hợp với Đại đội 7 (C7) thuộc Tiểu đoàn 14 tập kích diệt gọn hai đội bảo an và ban chỉ huy đại đội chốt giữ cầu Lưỡi Gõ, diệt 40 tên. Ngày 26/5/1971, quân dân Hòa Xuân tiếp tục phối hợp cùng tiểu đoàn 14 tập kích hai trung đội bảo an giữ cầu Bàn Thạch, tiêu diệt 46 tên, phá hủy 4 đại liên, 1 súng cối 60, 1 máy điện, 1 máy liên lạc PRC 25, đánh sập 9 lô cốt và 5 trại lính.

 

Trong năm 1971, ta tổ chức xây dựng nhiều cơ sở và phát triển lực lượng du kích mật (du kích B) ở các thôn. Tiêu biểu, tại thôn Nam Bình, ta xây dựng một tổ du kích mật gồm 6 đồng chí: Lê Hữu Sự, Thành, Nam, Nháy, Hạnh, Se. Tổ du kích mật tổ chức gài mìn đánh địch, bố phòng cắm chông, rào làng chiến đấu.

 

Sau đó, tổ du kích mật Nam Bình gài mìn phục kích bọn lính Nam Triều Tiên tuần tra ban ngày từ đồn Nam Bình đến cầu Bàn Thạch, tiêu diệt 6 tên, bị thương 2 tên tại mương nhánh Nam Bình. Du kích mật Nam Bình còn gài mìn phản phục kích bọn Nam Triều Tiên đi phục kích trở về, tiêu diệt 2 tên tại Vườn Đình Nam Bình. Du kích mật Nam Bình còn rải truyền đơn, tổ chức địch vận, kêu gọi bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên không bắn pháo bừa bãi, nên co cụm trong đồn để bảo toàn mạng sống.

 

Tháng 5/1971, du kích xã chặn đánh bọn Nam Triều Tiên đang xây dựng đồn, củng cố công sự. Du kích bắn cháy 1 xe M113 diệt 5 tên lính đánh thuê. Địch cay cú tiến hành chiến dịch “bình định nước rút” đánh vào hạ tầng cơ sở, gây cho ta một số khó khăn.

 

Những chiến thắng dồn dập trên đã giáng cho địch những đòn choáng váng, địch suy sụp cả thực lực và tinh thần. Bọn tề ngụy ở Hòa Xuân co lại. Kế hoạch “bình định nước rút” tại Hòa Xuân hầu như chẳng thu được kết quả gì.

 

Đầu tháng 7/1971, Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy Hòa chủ trương tổ chức diệt ác để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh công khai của quần chúng nhân dịp bọn ngụy tổ chức trò hề bầu cử tổng thống độc diễn và Hạ nghị viện ngụy tháng 9/1971. Địch bố trí các tên ngụy quân ác ôn về làm trưởng ấp, phó ấp, ra sức dồn dân, tiến hành thanh lọc, ra sức tranh giành ảnh hưởng với ta. Chi bộ Đảng xã đã lãnh đạo nhân dân tẩy chay trò hề bầu cử độc diễn của tên Việt gian bán nước Nguyễn Văn Thiệu. Nhiều thùng phiếu tại xã Hòa Xuân có nhiều phiếu trắng. Bọn địch lồng lộn thanh lọc gắt gao nhưng đành bất lực trước phong trào quần chúng đang lên cao.

 

THÀNH NAM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp