Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Vượt qua trận càn

Thứ ba - 07/05/2019 21:00
Vào khoảng trung tuần tháng 2/1954. Chiến dịch Át-lăng (Atlente) tại Phú Yên đang vào thời điểm quyết liệt nhất. Trong khi đó trên chiến trường chính Bắc Bộ - mặt trận Điện Biên Phủ từ khi 3 tiểu đoàn dù quân Pháp nhảy xuống lòng chảo Điện Biên Phủ (20/11/1953)(*) cho đến “26/1/1954, hai bên đối địch đã ở trong thế đối mặt”(**).
Vượt qua trận càn

Vào khoảng trung tuần tháng 2/1954. Chiến dịch Át-lăng (Atlente) tại Phú Yên đang vào thời điểm quyết liệt nhất. Trong khi đó trên chiến trường chính Bắc Bộ - mặt trận Điện Biên Phủ từ khi 3 tiểu đoàn dù quân Pháp nhảy xuống lòng chảo Điện Biên Phủ (20/11/1953)(*) cho đến “26/1/1954, hai bên đối địch đã ở trong thế đối mặt”(**).

 

… Ở Phú Yên - toàn huyện Đồng Xuân cũ (trừ Xuân Lãnh và một số buôn làng vùng cao tây Đồng Xuân) đều đã bị quân Pháp chiếm đóng lập đồn bốt. Lúc này cơ quan Ty Công an Phú Yên cũng đã hoàn tất việc di chuyển về ATK(1) Kỳ Lộ một cách an toàn. Vùng ATK lúc này nhân dân các xã, thị trấn lân cận bị địch chiếm vẫn đi lại mua bán - trao đổi hàng hóa, sản xuất bình thường. Tuy nhiên liên lạc giữa ty và công an các xã lân cận đều bị đứt.

 

Trong khi đó, tin tức thu được qua người dân mua bán thì hình như địch chuẩn bị một trận càn lớn vào ATK Kỳ Lộ. Lúc này Văn phòng ty là cơ quan thường trực làm tham mưu phục vụ chiến đấu cho ty lại thiếu thông tin về địch tình. Lãnh đạo đã quyết định cử một cán bộ đột nhập vào vùng địch chiếm thuộc các xã lân cận để bắt liên lạc với công an xã và nắm tình hình địch.

 

Qua nhiều lần cân nhắc, đồng chí Bùi Hóa, lúc đó là Trưởng Văn phòng ty (và trong Ban chi ủy), đã quyết định phân công tôi nhiệm vụ đột nhập về Triêm Đức - Xuân Quang và Xuân Long (thị trấn La Hai). Đồng chí Bùi Hóa căn dặn: “Nếu không gặp được công an xã thì liên lạc với xã đội nắm tình hình rồi quay về trong vòng 3 ngày”. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, nhận phần cơm ăn trong ngày và lên đường. Trong người không mang theo bất kỳ một thứ giấy tờ gì và cũng không mang theo một thứ vũ khí nào dù chỉ là một con dao găm, như là được về phép thăm nhà chứ không phải đi vào vùng địch chiếm, mà lại là vùng chiến sự ác liệt!

 

Với ít kinh nghiệm trong mấy ngày đêm luồn rừng vượt suối di chuyển cơ quan những ngày đầu chiến dịch, nên tôi lên đường với tinh thần thoải mái tự tin. Vượt qua Suối Cối theo hướng nam rồi ngoặt về phía đông để vượt qua dốc Đá Chẹt thẳng hướng về Triêm Đức. Rừng núi lúc này vẫn còn xanh tươi. Những nương sắn ngoằn ngoèo uốn lượn lưng chừng núi, chấm phá một màu vàng của những tầng lá úa như một dải lụa thắt eo lưng các ngọn đồi; khiến cảnh vật càng nên thơ. Nếu chốc chốc không có tiếng đại bác ầm ầm vọng lại, tiếng máy bay Bà-già(2) rè rè thỉnh thoảng lướt qua thì không ai hình dung được cuộc chiến đang diễn ra ngay dưới chân những ngọn núi này. Vì vậy tôi cứ luồn lách, mồm hát nghêu ngao theo đường mòn đi mải miết. Khoảng 10 giờ, lúc này sương đã tan trên những ngọn cây, nắng nghe nóng hai lỗ tai và mồ hôi trán bắt đầu lấm tấm. Cũng là lúc tôi nhìn thấy dốc Đá Chẹt sừng sững trước mặt và lố nhố - nhấp nhô những xóm nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Nhân dân Phú Yên sử dụng xe goòng làm phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh: Tư liệu

 

Tôi chọn một nhà còn có người và gần con suối để nghỉ chân và nắm tình hình. Tôi dừng ở chân cầu thang và quan sát xem trên đó có ai không? Thì một thanh niên ló đầu ra cửa sổ và hỏi: “Mày gặp ai? Cần gì?”. Tôi nói: “Mình đi tìm hiểu thằng Tây, xem nó có đông và nhiều súng không? Từ đây về Triêm Đức còn bao xa nữa?”. Người thanh niên dân tộc lại hỏi: “Mày là bộ đội hả?”. Tôi trả lời: “Đúng, mình là bộ đội”. Thế là anh thanh niên reo lên: “Gặp bộ đội rồi! Thế sao mày không mang súng?”. Tôi cười và nói ngay: “Mình đi tìm hiểu thằng Tây ngay nơi nó đóng quân mà mang theo súng thì lộ bí mật còn gì”. Anh thanh niên: “Lúc này mày về đó nguy hiểm lắm”. “Mình không đi không được, vì đây là mệnh lệnh của thượng cấp mà”. Anh thanh niên liền bảo: “Thôi được, tao sẽ đi cùng để giúp mày”. Lúc này đã quá trưa, tôi lấy nắm cơm mời anh thanh niên cùng ăn cho vui (hình như cả nhà tản cư vào núi). Trong khi ăn, anh thanh niên lại bàn không nên đi ngay chiều nay vì sẽ khó gặp xã đội; chiều tối cán bộ họ phân tán về các thôn xóm để công tác. Nên nghỉ lại sáng mai lên đường sớm. Đề phòng bị địch bắt, tôi gửi lại bộ quần áo lót vải xi-ta cổ vuông (loại quần áo lót thời 9 năm bộ đội thường dùng). Hai chúng tôi ra đi lúc màng sương còn phủ trắng núi rừng, gần trưa thì đến rìa làng Triêm Đức. May sao lúc đó gặp 3 anh du kích ngồi tụm dưới một gốc cây lớn để quan sát chiếc máy bay Bà-già đang quần đảo trên đầu. Ba anh du kích thấy tôi hơi lạ nên nhìn chằm chặp vẻ cảnh giác. Với anh người dân tộc thiểu số thì họ nhận ra ngay người quen liền vỗ vai nhau cười “Bọn mày à! Tao đưa bộ đội về làng đấy. Cho nó gặp xã đội đi, cần lắm”. Tôi tiếp lời: “Mình ở ATK của tỉnh về gặp công an xã và xã đội nắm địch tình, đề nghị các anh giúp cho”. Tôi vừa nói dứt câu thì một phụ nữ nai nịt gọn gàng, lựu đạn cài thắt lưng, vai mang súng trường Mút(3) đã cũ; ra vẻ con “nhà lính” nhưng không giấu được vẻ duyên dáng tiến thẳng đến chỗ chúng tôi. Chị cất tiếng chào các đồng chí. Một trong ba du kích liền giới thiệu: “Báo cáo chị H…(4), đây là anh cán bộ trên ATK tỉnh về liên hệ công tác”. Tôi liền tiếp lời anh du kích: “Báo cáo chị, tôi ở chỗ anh Bùi Hóa, cần liên lạc với công an xã và xã đội để nắm tình hình địch. Chị thông cảm vì tình hình chiến sự ác liệt nên không thể mang theo giấy giới thiệu; thậm chí không mang cả vũ khí mà chỉ đóng vai như một dân thường”. Lúc đó thì một du kích bước vào báo tin: “Xã đội Xuân Phước gửi thông báo về địch tình”. Sau khi đọc những dòng chữ trên mảnh giấy nhỏ. Chị H nói với tôi: “Theo tin quân báo từ Xuân Phước thì địch sắp mở cuộc càn lớn vào Triêm Đức - Xuân Quang cho đến La Hai. Vậy là anh có dịp quan sát nắm tình hình địch rồi đó. Vấn đề bây giờ là anh sẽ ăn ở, làm việc với tổ chiến đấu nào cho thuận tiện”. Chưa dứt lời, chị H lại nói tiếp: “Tôi nghĩ ra rồi: - Anh sẽ ở nhà bác X”(5).

 

Trong khi tôi, chị H và mấy du kích đang trao đổi công việc và quan sát địa hình khu vườn nhà bác X… nơi có bịch lúa(6), sẽ là “hầm bí mật” để tạm lánh khi có địch ập đến, thì cũng là lúc chiếc máy bay Bà-già quần đảo trên bầu trời Triêm Đức. Lúc lên cao lúc xuống thấp, dòm ngó xoi mói các lùm cây, ruộng mía trong làng. Chúng tôi liền ngụy trang kỹ cá nhân rồi luồn lách qua các vườn nhà dân để đến tổ quan sát địch như chị H giới thiệu.

 

Ở đây, sau nhiều giờ theo dõi hoạt động máy bay trinh sát của quân Pháp, tôi rút ra một quy luật là: Điểm nào nghi vấn (dù tĩnh hoặc động) thì máy bay lập tức bắn thẳng vào mục tiêu hoặc ném trái mù làm hiệu cho phi pháo. Riêng đàn trâu bò, hoặc những nông dân đang làm việc đồng áng thì chúng bay lướt qua mà không bắn. Với kết luận này tôi bàn với chị H tạo điều kiện để tôi cải trang thành nông dân đi làm đồng: Vác cày và lùa theo đôi bò. Nhưng với điều kiện phải có một du kích đóng vai người lùa bò cùng đi; để khi đến giáp ranh La Hai thì đồng chí này vác cày và lùa bò quay trở về Triêm Đức. Chị H đồng ý ngay phương án này. Và liền tổ chức việc cải trang giúp tôi kịp lên đường đi La Hai. Lúc này là thời điểm trưa ngày thứ hai tôi đến Triêm Đức. Và cũng là lúc có nhiều tiếng súng đủ loại, trong đó rõ nhất là những tràng lựu pháo nổ - đùng đoành phát hỏa từ Xuân Phước khói bốc mù mịt; chốc chốc xen lẫn cùng tiếng súng bộ binh là hàng loạt tiếng mìn nổ liên hồi báo hiệu sự đụng độ giữa lực lượng ta và địch. Đó cũng là lúc chị H trao đổi những thông tin địch tình cuối cùng với tôi. Tôi không còn nhớ lúc đó mình đã nói gì với chị H và anh em du kích vì thời gian đã quá dài với biết bao biến cố… Nhưng một điều chắc chắn là chúng tôi đã chia tay nhau trong ánh mắt và nụ cười lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu của chuyến đi đặc biệt đầy ấn tượng khó quên này.

 

-------------------------------

(1) ATK: Viết tắt chữ an toàn khu.

(2) Máy bay trinh sát Mo-ran 2 cánh bằng

(3) Súng trường Mút-cà-tông của Pháp

(4) Chị H. Nhớ tên chị là Hồng nhưng lâu ngày không bảo đảm chính xác xin gọi là H

(5) Tên bác nông dân không nhớ chính xác xin gọi là X

(6) Bịch lúa: Là cái vựa đựng lúa vách trát đất kín xung quanh (cả nóc vựa) chỉ có một cửa nhỏ ra vào.

(*) Xem Báo QĐND số 4658 ngày 24/4/1974

(**) Xem Báo QĐND số 4653 ngày 19/4/1974

 

XUÂN SINH

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp