Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Vùng đất dưới chân núi Chóp Chài chống trả chiến dịch Át-Lăng

Thứ ba - 21/05/2019 05:10
Cuối năm 1953 thực dân Pháp cho rằng ta không đủ sức tấn công Điện Biên Phủ, Nava quyết định tập trung 20.000 quân gồm: 14 tiểu đoàn khinh quân: 502, 504, 506, 510, 511, 515, 520, 603, 605, 609, 612, 715, 717 cùng một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn dù, một phi đội máy bay có 25 chiếc phi cơ vận tải C47.
Vùng đất dưới chân núi Chóp Chài chống trả chiến dịch Át-Lăng

Cuối năm 1953 thực dân Pháp cho rằng ta không đủ sức tấn công Điện Biên Phủ, Nava quyết định tập trung 20.000 quân gồm: 14 tiểu đoàn khinh quân: 502, 504, 506, 510, 511, 515, 520, 603, 605, 609, 612, 715, 717 cùng một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn dù, một phi đội máy bay có 25 chiếc phi cơ vận tải C47. Trong số đó có chín chiếc trực thăng, một hàng không mẫu hạm túc trực ngoài biển, một hải thuyền đổ quân và tiếp tế.

 

Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chọn (sinh năm 1895 - dưới chân núi Chóp Chài) có 5 con là liệt sĩ (trái) và Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thau (sinh năm 1914 - dưới chân núi Chóp Chài) có chồng và 4 con là liệt sĩ (phải) - Ảnh: MINH KÝ

 

Bộ chỉ huy chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp đóng tại Nha Trang dưới quyền điều khiển của đại tá Trần Văn Minh. Một kho vũ khí đạn dược và đồ tiếp tế đặt tại Ninh Hòa do trung tá Đồng Văn Khuyên biệt phái của Bộ tổng tham mưu quân Pháp chịu trách nhiệm điều hành.

 

Ở Phú Yên lúc này, có lệnh của Bộ Tư lệnh QĐND Việt Nam, các đơn vị quân đội ở Phú Yên phải rút, chỉ để lại một lực lượng nhỏ. Đối với cuộc tiến công của địch, chủ yếu là lực lượng dân quân địa phương. Các trung đoàn 803, 84 đều rút đi, chỉ để lại D40 gồm hai đại đội do đồng chí Phạm Dưng chỉ huy, cùng các đơn vị 377, 392, 389 của tỉnh do các đồng chí: Nguyễn Lầu, Huỳnh Môn, Võ Văn Khả chỉ huy.

 

Ngày 20/1/1954, chiến dịch Át-lăng bắt đầu. Nava ra lệnh: “Phải bình định cho được vùng đất còn lại của Việt Minh ở Trung Trung Bộ” (Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và nam Quảng Nam).

 

Đợt đầu có 6 tiểu đoàn khinh quân của địch đổ bộ lên bờ biển, chiếm xã Hòa An (nội thị Tuy Hòa hiện nay). Tiếp theo 6 tiểu đoàn đổ quân ra đèo Cả, phối hợp với tiểu đoàn dù nhảy xuống phía nam xã Hòa An. Địch bị dân quân du kích các xã: Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Tân, Hòa An, Hòa Kiến phối hợp cùng các đơn vị 377, 392, 389 chặn đánh khắp nơi, không tiến ra phía bắc tỉnh được. Đến tháng 2/1954, địch đưa hai liên đoàn Sơn cước 41, 42 tiến từ phía tây xuống phối hợp các tiểu đoàn phía nam tiến ra đánh chiếm hai huyện Tuy An, Đồng Xuân. Đi đến đâu, địch cũng bị dân quân du kích chặn đánh tơi bời.

 

Ở Hòa Kiến, lần đầu tiên một tiểu đoàn địch có phi pháo yểm trợ tấn công vào Phước Hậu, bị dân quân chặn đánh 3 ngày liền, địch không tiến sâu vào xã được. Từ quốc lộ 1 chạy thẳng lên phía tây có 2 trung đội du kích trang bị 10 súng trường và hơn 200 lựu đạn, 200 bàn chông sắt, đào 150 hầm chông và hàng vạn chông tre các cỡ cắm các con đường vào làng.

 

Lúc địch mới đến chưa có công sự kiên cố, dân quân đã tập kích đánh địch trên các đồi cát, diệt hàng chục tên. Địch hoảng sợ bỏ chạy, ta thu được 56 cây dù và nhiều quân trang quân dụng.

 

Cánh quân càn lên chân núi Chóp Chài bị dân quân du kích chặn đánh từ chùa Khánh Sơn đến lẫm Thanh Đức, diệt và làm bị thương 86 tên địch, được Tỉnh đội Phú Yên tặng bằng khen.

 

Ở Ninh Tịnh, ngày 20/1/1954 địch vừa đổ quân là chiếm ngay chùa Hồ Sơn, vì ở đây là một đồi cao. Địch cho một đại đội chiếm giữ. Nhân dân xóm Chùa, xóm Chiếu tìm đường tản cư ra hướng bắc. Lực lượng du kích một số chạy theo gia đình lo việc tản cư, chỉ còn lại một phần ba. Nhưng anh em đã dũng cảm bám đất, bám làng chiến đấu, nòng cốt là các đồng chí Lê Hân, Hồ Mạch, Nguyễn Dũng, Lê Thệ. Nhờ vậy đồng bào rất tin tưởng, lần lượt trở về bám đất, bám ruộng sản xuất.

 

Ngày 20/2/1954, một đơn vị địch lùng sục vào xóm Chùa (Ninh Tịnh) bị tổ du kích ở tại nhà ông Trần Nga chặn đánh, tiêu diệt hai tên địch.

 

Một góc núi Chóp Chài, nhìn từ đường Nguyễn Tất Thành - Ảnh: THU HẰNG

 

Đến 7/3/1954, D40 do đồng chí Phạm Dưng chỉ huy đánh tan một đoàn xe địch từ Chí Thạnh đi La Hai tại Bầu Vườn, xã Xuân Sơn. Tiếp đến, ngày 23/3/1954, Tiểu đoàn 365 do đồng chí Hà Vi Tùng chỉ huy đánh tan tiểu đoàn “ngự lâm quân” của địch ở Suối Cối. Ngày 10/4/1954, một tiểu đoàn địch từ Hòa Quang hành quân qua đèo Cẳng Cu thọc sâu vào Cẩm Tú. C.377 đứng ở đây đã phối hợp với du kích các xã Hòa Trị, Hòa Quang, Hòa Kiến chặn đánh. Anh Đỗ Sửu bị địch bắn chết ở Thọ Bình. Trận đánh bao vây Xuân Hòa và Quang Quang, du kích Xuân Hòa rút xuống công sự bí mật, bị địch phát hiện và bắt gồm các anh: Huỳnh Tờ, Phan Ích, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Cát, Nguyễn Xí, Đoàn Chùm, Trương Chước… đem về Hòa An. Địch bắn chết các anh Huỳnh Tờ, Phan Ích, tra tấn anh Nguyễn Ngọc Minh đến chết.

 

Ngày 12/5/1954, địch mở cuộc càn quét lớn do trung tá Nguyễn Khánh chỉ huy tấn công ba mũi vào Hòa Kiến. Một mũi đi dọc quốc lộ 1 ra Màng Màng vòng lên cầu Cây Tiên, tấn công vào Liên Trì. Một mũi đi theo tổng lộ Phước Khánh đến cầu Ông Vạn, tấn công vào Xuân Hòa. Một cánh đi ra cây số 3 tấn công lên Tường Quang.

 

Lực lượng ta có các đơn vị: 377, 375 của huyện và tỉnh, cùng dân quân du kích Hòa Kiến phối hợp tác chiến. Ta phục kích và gài mìn ở cầu Cai Tiên chờ địch đến nổ súng. Địch bất ngờ lùi xuống Phú Vang, một số chạy qua Ngọc Phong; cánh phía tây địch vừa đến Xuân Hòa thì bị quân ta nổ súng đánh bật ra, địch chạy sang Phụng Nguyên.

 

Lực lượng chính của ta bố trí từ cầu Đúc xuống đến Mương Ngang. Chờ địch đến ta đồng loạt nổ súng. Các mũi ở Xuân Quang Tường xông ra, đơn vị ở Minh Đức, Ngọc Phong xung phong áp đảo quân địch. Ta diệt 150 tên, bắt sống 50 tên, trong số đó có trung tá Nguyễn Khánh. Nhưng khi giải về đơn vị, anh em du kích không biết mặt nên Nguyễn Khánh cải trang chạy thoát. Ta thu hơn 200 súng các loại, riêng du kích Ngọc Phong, Minh Đức thu được hơn 10 súng.

 

Du kích Hòa Kiến phối hợp với chủ lực đánh địch ở Eo Gió, Liên Trì và diệt hàng chục xe chở đầy lính của địch ở Màng Màng. Ngày 20/6/1954, ta diệt nhiều xe và bắt sống hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí trên đường Nguyễn Huệ, xã Hòa An. Ông Phan Cung (xóm Hóc - Phước Hậu) dùng một quả mìn lép do xưởng cơ khí chế tạo giật nổ ném vào đội hình giặc làm cho một tên giặc Pháp càn vào xóm Hóc bị thương. Địch bắn ông bị thương.

 

Sau khi Điện Biên Phủ bị thất thủ, binh lính địch nghe ta nổ súng là bỏ chạy. Ta nắm được tình hình, đẩy mạnh công tác địch vận.

 

Kết quả công tác địch vận làm nhiều binh lính địch mang vũ khí chạy sang với cách mạng, hoặc bỏ trốn về nhà. Có lúc, địch rã ngũ lẻ tẻ, có lúc kéo ra cả tiểu đội. Ngày 4/6/1954, đội công tác địch vận gồm các anh Lê Hân, Hồ Mạch, Nguyễn Ưng… liên lạc bằng thư từ với Lê Dần phụ trách trung đội. Lê Dần đã đưa cả trung đội 22 người mang theo vũ khí về với cách mạng. Ta còn bố trí chị Phan Thị Ỷ (Liên Trì) tìm hiểu bọn địch đang ở Cổ Rùa tuyên truyền 3 lính bỏ ngũ mang súng ra với cách mạng.

 

Trong chiến dịch Át-lăng, ta vận động được 292 tên địch bỏ ngũ, mang 250 vũ khí các loại giao cho ta.

 

THÀNH NAM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp