Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Những hang đá từng là căn cứ cách mạng ở Hòa Xuân

Thứ sáu - 24/05/2019 05:12
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều hang đá ven núi phía tây Hòa Xuân, huyện Đông Hòa là nơi cách mạng chọn làm căn cứ để lực lượng ta trụ bám chiến đấu.
Những hang đá từng là căn cứ cách mạng ở Hòa Xuân

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều hang đá ven núi phía tây Hòa Xuân, huyện Đông Hòa là nơi cách mạng chọn làm căn cứ để lực lượng ta trụ bám chiến đấu.

 

Đồng chí Nguyễn Quyền (Mười Thơm) - cán bộ Hòa Xuân, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, người trực tiếp chỉ huy quân dân Hòa Xuân khóa chặt đèo Cả trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975

Hang Bầu Giữ

 

Hang nằm hướng nam sát Bầu Giữ dãy núi sông Tra, sông Ván thuộc xã Hòa Xuân Đông ngày nay. Núi ở nơi đây có nhiều tảng đá chồng lên nhau tạo ra nhiều hang động, là nơi che chở, bảo vệ lực lượng cách mạng, là căn cứ cách mạng của thôn Phú Khê trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nơi đây cán bộ thôn Phú Khê (xóm Quán và xóm Mới) trụ bám để về thôn xây dựng cơ sở cách mạng, phá ấp chiến lược, mở phong trào.

 

Năm 1962, lực lượng bộ đội địa phương và du kích xã ẩn nấp trong hang Bầu Giữ tiến ra chặn đánh đoàn xe quận Khang - quận trưởng Hiếu Xương, chuyển công tác đi tỉnh khác. Lực lượng ta nổ súng xung phong đẩy toàn bộ lực lượng của quận Khang và quân lính hộ tống tiễn đưa xuống ruộng sình sông Ván. Địch chạy thục mạng vào Hảo Sơn, bỏ lại trên đường 2 xe Dos, 1 xe Jeep. Ta thu nhiều quân trang, quân dụng, bắt 1 tù binh, thu 1 súng trường mas, 1 carbin.

 

Hang Hóc Trùm

 

Là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cán bộ xã Hòa Xuân và thôn Bàn Thạch trụ bám để về thôn Bàn Thạch thuộc xã Hòa Xuân Tây ngày nay xây dựng cơ sở, phá ấp chiến lược, mở phong trào, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch. Núi nơi che chở cán bộ, tránh pháo địch, thuận tiện sinh hoạt, an toàn trong mọi tình huống.

 

Tại hang Đá Lợp, cửa ngõ vào hang Hóc Trùm (cách hang Hóc Trùm 100m), ngày 1/1/1996, thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh cục bộ, địch mở Chiến dịch mùa khô lần thứ 1 tại huyện Tuy Hòa 1. Địch huy động 2 tiểu đoàn lính đánh thuê Nam Triều Tiên thuộc Lữ đoàn “Rồng Xanh” và 3 tiểu đoàn lính ngụy Sài Gòn tấn công ồ ạt vào các gộp và vực ở Đồng Nẩy nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng đang bám trụ tại đây.

 

Vừa tang tảng sáng, đại đội Nam Triều Tiên đi đầu tiến quân sát gộp Đá Lợp. Lực lượng ta gồm cán bộ Đại đội 377, 8 đồng chí cảnh vệ Trung đoàn 10 và du kích xã làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường đang trú ở đây phát hiện địch, quân ta để địch đến sát gộp Đá Lợp nổ súng diệt gọn đại đội Nam Triều Tiên đi đầu. Do địa hình hiểm trở, bị ta bất ngờ đánh phủ đầu, đội hình phía sau không ứng cứu kịp, nên bọn địch phía trước hoảng loạn bỏ chạy. Ta làm chủ trận địa, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

 

Đây là trận đánh phủ đầu đầu tiên của bộ đội và du kích Hòa Xuân diệt bọn lính Nam Triều Tiên khi chúng vừa đặt chân lên đất Phú Yên.

 

Đồng chí Đỗ Thơm (Thu) - người tổ chức trận đánh xóm Lưới Gõ trong chiến dịch Át-lăng, Bí thư Chi bộ xã Hòa Xuân đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ

Hang Hóc Gạo

 

Là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Núi có nhiều đá to chồng lên nhau, tạo thành nhiều gộp rộng có thể che chở hàng trung đội, đại đội, tiểu đoàn trụ bám. Tại đây có suối nước trong mát, có hang sâu vào núi. Có lần, chị Tắc phụ nữ xã đi lạc vào hang 7 ngày mới tìm được đường ra. Kẻ thù giội lên Hóc Gạo, xã Hòa Xuân Tây không biết bao nhiêu bom đạn nhưng cán bộ, chiến sĩ trụ bám ở đây vẫn rất an toàn.

 

Cạnh hang Hóc Gạo có đường giao liên xuyên rừng núi từ Hòa Xuân lên Hòa Thịnh, Hòa Tân, Hòa Đồng. Hang Hóc Gạo là địa điểm tập kết dân công từ huyện Tuy Hòa 1 để chờ đêm tối vượt quốc lộ 1 và đường xe lửa xuống căn cứ miền Đông tiếp nhận vũ khí từ Tàu Không số, và cũng là nơi dân công từ căn cứ miền Đông mang vũ khí lên, tạm dừng nghỉ ngơi để tiếp tục hành trình ven núi lên Nam Bình, qua Đồng Lão về Hòa Thịnh.

 

Hang Hóc Cau

 

Là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây có nhiều hóc đá lớn che chở mưa, nắng, bom, pháo có thể trú ẩn các trung đội, đại đội. Địch tấn công vào đây nhiều lần nhưng đều bị cán bộ mũi công tác và dân quân xã đánh bật ra và tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

 

Bên cạnh hang Hóc Cau, xã Hòa Xuân Tây về phía bắc có đường giao liên đưa thanh niên các xã Hòa Hiệp, Hòa Vinh, Hòa Xuân thoát ly tham gia cách mạng những năm 1960, 1961, 1962 về căn cứ huyện Tuy Hòa ở xã Hòa Tân, Hòa Thịnh.

 

Ngược hang Hóc Cau hướng tây khoảng 200m có hang Sơn Dương. Hang này có nhiều gộp đá to, có suối nước mát. Chiều chiều ra ngồi trên tảng đá phía trước hang nhìn thấy chợ Bàn Thạch. Nơi đây là trạm dừng chân của cán bộ cách mạng hoạt động trong những năm 1954-1959. Đây là trạm dừng chân đầu tiên của cán bộ xã Hòa Xuân được Huyện ủy rút ra hoạt động bất hợp pháp, tạm đứng chân ở đây để chờ liên hệ với cấp trên và trên đường từ căn cứ trở về trụ bám để móc nối xây dựng cơ sở.

 

Hang Đồng Đân

 

So với các hang Hóc Gạo, Hóc Cau, hang Đồng Đân ít gộp hơn nhưng có địa hình hiểm trở. Nơi này địch ít đến. Hang Đồng Đân là căn cứ của xã lân cận Hòa Vinh.

 

Hang Hóc Cối Xay

 

Nơi đây là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ít có gộp đá to so với các căn cứ khác của xã. Khi phát động phong trào giải phóng thôn Nam Bình, nơi đây là nơi trú ngụ cho cán bộ thôn Nam Bình và du kích vào sinh hoạt. Tháng 8/1962, một đại đội địch càn vào Hóc Cối Xay, du kích ta nổ súng và dùng loa làm công tác binh vận, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Địch rút lui. Bà con thôn Nam Bình gọi chiến công đó là một trận đánh không cần nổ súng.

 

Cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa về nguồn tại khu vực Đồng Đân, xã Hòa Xuân Tây - Ảnh: CTV

 

Gộp Hóc Môn

 

Nơi này là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có nhiều gộp sâu, có suối nước trong, che chở cán bộ và du kích thôn Nam Bình.

 

Kề bên Gộp Hóc Môn có đường giao liên lên núi Đồng Lão, xuống Hóc Đồng Mọi (xã Hòa Tân) và ven núi lên xã Hòa Thịnh.

 

Đến năm 1963, ta phá ấp chiến lược Nam Bình, xây dựng Nam Bình thành làng chiến đấu chống địch, thành lập chính quyền tự quản thôn. Ta đưa ngụy quân, ngụy quyền trong thôn lên Hóc Đồng Mọi mở lớp học tập chính trị và nơi đây trở thành trường giáo dục chính trị cho các đối tượng liên gia, ấp trưởng đang làm việc cho địch. Các lớp giáo dục chính trị này do 2 đồng chí Lưu Tấn Huê và Lê Nghệ phụ trách. Khu vực này nhiều hang gộp lớn và cách xa địch nên mũi công tác xã Hòa Xuân đưa kho lương thực về đây.

 

Gộp Hóc Môn đối với xã Hòa Xuân có dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 20/4/1961, đồng chí Nguyễn Duy Luân, Phó Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1 về Hóc Môn (Nam Bình) họp các đảng viên chủ chốt xã Hòa Xuân công bố quyết định của Huyện ủy Tuy Hòa 1 về việc thành lập Chi bộ xã Hòa Xuân và chỉ định cấp ủy đầu tiên của chi bộ xã.

 

THÀNH NAM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp