Cuối năm 1953, thực dân Pháp mở chiến dịch Át-lăng đánh chiếm vùng tự do Liên khu V (Nam - Ngãi - Bình - Phú). Quân dân Phú Yên kịp thời triển khai các công tác chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công quy mô lớn của địch.
Ban chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên chỉ huy đập tan chiến dịch Át-lăng. Thứ hai từ phải sang là Chính trị viên Tỉnh đội Lê Đài (tháng 8/1954 là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) - Ảnh: TƯ LIỆU |
Chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ
Ngày 20/1/1954, thực dân Pháp huy động 22 tiểu đoàn bộ binh, có hải quân và không quân yểm trợ ồ ạt tiến công tỉnh tự do Phú Yên. Địch chia làm nhiều cánh tiến quân đồng loạt, một cánh nhảy dù xuống TX Tuy Hòa, một cánh đổ bộ từ biển, một cánh từ Cheo Reo tiến xuống Củng Sơn, một cánh từ đèo Cả đánh ra.
Quân dân Phú Yên tổ chức nhiều trận đánh vang dội. Ngày 10/3/1954, Tiểu đoàn 375 phục kích địch ở xóm Bàu Vườn (xã Xuân Sơn) phá hủy 26 chiếc xe và tiêu diệt bắt sống một đại đội Âu Phi. Ngày 17/3/1954, Tiểu đoàn 375 đánh tập kích quân địch đóng ở đèo Quán Cau tiêu diệt hơn 150 tên địch, đánh thiệt hại nặng 9 tiểu đoàn địch.
Ngày 21/3/1954, Tiểu đoàn 365 (thuộc Trung đoàn 803) phối hợp với dân quân tiêu diệt tiểu đoàn “Ngự lâm quân” số 1 của địch tại suối Cối (Xuân Phước) do thái tử Bảo Long (con Bảo Đại) làm Trung đoàn trưởng danh dự, bắt sống 200 tù binh, thu 28 trung liên, 20 tiểu liên, 60 súng trường và nhiều quân trang, quân dụng. Chiến thắng Suối Cối vang dội đã quét địch ra khỏi phía tây huyện Đồng Xuân.
Cuối tháng 3/1954, quân dân Sơn Hòa phục kích diệt 7 xe quân sự địch tại suối Quanh. Tháng 4/1954, du kích xã Sơn Hà đánh 2 xe bọc thép địch đi lấy nước ở sông Con (Ngân Điền) bắt sống 3 tên.
Ngày 10/4/1954, Tiểu đoàn 375 tập kích tiêu diệt cụm quân ngụy tại đèo Quán Cau lần thứ hai, giết và làm bị thương 100 tên địch.
Đêm 21/4/1954, Tiểu đoàn 365 tăng cường một đại đội của Tiểu đoàn 375 phối hợp với dân quân du kích và dân công các xã Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Tân, Hòa Hiệp tiến công tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch ở Bàn Nham, Bàn Thạch (Hòa Xuân). Du kích Hòa Xuân đánh sập cầu Lưới Gõ, cắt đứt giao thông đường sắt của giặc.
Sau đó, quân ta thừa thắng tấn công địch tại ga Gò Mầm (xã Hòa Bình) diệt và bắt sống 100 tên. Bộ đội địa phương huyện Tuy Hòa phối hợp với du kích Hòa Hiệp tấn công diệt gọn đồn Thạnh Lâm bắt sống 11 tên địch, thu toàn bộ vũ khí.
Chiều 1/6/1954, Trung đoàn 803 bắc cầu phao qua sông Ba chiếm lĩnh trận địa tấn công địch ở cứ điểm Tuy Bình đánh tan rã một tiểu đoàn khinh quân ngụy, đại đội pháo 105 ly và trung đội xe bọc thép. Quân ta làm chủ cứ điểm Tuy Bình, thu và phá hàng trăm súng các loại, thu nhiều xe pháo, bắt sống 500 tù binh.
Địch hoang mang rúng động. Quân ta tiếp tục tấn công. Quân địch ở Củng Sơn xin đầu hàng nộp súng cho ta, hai đại đội địch ở cứ điểm buôn AêRiêng bỏ đồn tháo chạy. Quân ta diệt và bắt sống trên 300 tên.
Cụm cứ điểm Tuy Bình - Củng Sơn - AêRiêng với hai tiểu đoàn ngụy đóng giữ bị tiêu diệt. Ta giải phóng hoàn toàn vùng đất rộng lớn ở tây nam Phú Yên. Thừa thắng, quân ta nổ súng tiến công địch khắp các chiến trường trong tỉnh.
Ngày 28/5/1954, địch hốt hoảng tháo chạy khỏi La Hai. Ngày16/6/1954, địch ở Sông Cầu rút chạy. 12 giờ trưa 19/6/1954, địch ở Chí Thạnh đốt doanh trại rút chạy về Tuy Hòa.
Không để địch hoàn hồn củng cố lại lực lượng, đêm21/6/1954, quân ta đồng loạt mở mặt trận tấn công địch từ núi Hùng (xã An Chấn) đến núi Sầm (xã Hòa Trị). Lửa từ các kho xăng bốc cháy cao hàng chục mét, tiếng nổ từ các kho đạn bị phá hủy rung chuyển cả một vùng rộng lớn. Quân ta đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn địch, phá hủy hàng trăm xe quân sự ở núi Hùng (An Chấn, Tuy An) và Màng Màng (Bình Kiến).
Tại trung tâm thị xã, quân ta tập kích tiêu diệt 1 tiểu đoàn khinh quân, diệt 200 tên, phá hủy 100 xe quân sự, đốt cháy một kho xăng và nhiều kho đạn dự trữ của địch.
Ngày 25/6/1954, quân ta tổ chức đánh phục kích giao thông trên đèo Cả, bắn cháy 79 xe quân sự của địch, diệt và bắt sống 300 tên, thu nhiều vũ khí, lương thực. Hai đại đội hộ tống đoàn xe (90 chiếc) bị đánh tan tác.
Ngày 29/6/1954, quân ta tập kích lần thứ hai vào trung tâm TX Tuy Hòa, sử dụng pháo cối hạng nặng, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngày8/7/1954, quân ta thọc sâu đánh phá các kho dự trữ của địch ở phường 5, phường 6, TX Tuy Hòa (khu vực xóm Chiếu, Phú Câu), lửa bốc cháy dữ dội sáng rực một góc trời, đạn pháo nổ từ nửa đêm đến sáng làm cho địch hoang mang, khiếp đảm.
Cuộc hành quân Át-lăng của địch nhằm đánh chiếm vùng tự do Khu 5 bị thất bại nặng nề.
Người Phú Yên trực tiếp tham gia trận Điện Biên Phủ
Trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có ba cán bộ chiến sĩ ưu tú của tỉnh Phú Yên. Đó là đồng chí Nguyễn Chấn (Tỉnh ủy viên năm 1935, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên năm 1951), đại tá Ung Răng và liệt sĩ Lê Công Hậu.
Đồng chí Nguyễn Chấn (khu phố Phước Hậu, phường 9, TP Tuy Hòa), sinh năm 1914. Là một trong những Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, đồng chí Nguyễn Chấn được Trung ương điều ra chiến khu Việt Bắc rồi được đi học ở Trung Quốc.
Sau khi học xong, ông về Bộ GT-VT làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Đường bộ. Năm 1954, ông được Bộ GT-VT phân công tham gia vào việc mở đường vào chiến trường Điện Biên Phủ, chỉ huy các tuyến vận tải lương thực vũ khí từ đồng bằng Khu 3 qua Hòa Bình lên Điện Biên Phủ. Với số quân tham gia Điện Biên hàng vạn người thì lượng lương thực, đạn dược là vô cùng lớn.
Lúc đầu, ta chủ trương đánh nhanh thắng nhanh để đỡ khâu hậu cần. Chiến trường Điện Biên Phủ không thể đánh nhanh thắng nhanh mà phải chuyển sang đánh chắc thắng chắc. Với phương pháp vây, lấn, tấn, diệt, tức thực hiện đào hào vây địch lại từng khu vực, từng mục tiêu, lấn từng tấc đất rồi tấn công và tiêu diệt. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ, thế giới đánh giá việc tiếp tế cho chiến trường là một thành công lớn, là một kỳ tích.
Đại tá Ung Răng (người làng Quy Hậu, xã Hòa Trị, Phú Hòa), là một trong số rất ít người Phú Yên bước vào ngưỡng cửa đại học dưới thời Pháp thuộc. Ông đang học năm thứ 2, Trường cao đẳng Công chính Hà Nội thì Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945.
Tổng khởi nghĩa 1945, ông tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó ông được điều ra Bắc tham gia ngành công binh của quân đội, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 444, thuộc Trung đoàn Công binh 161 nằm trong đội hình Sư đoàn Công pháo 351. Ông tham gia chiến dịch Hòa Bình năm 1951, tham gia mở đường ô tô từ Yên Bái lên Nghĩa Lộ phục vụ cho chiến dịch giải phóng miền Tây Bắc vào năm 1952.
Năm 1953, ông tham gia chiến dịch Thượng Lào. Cuối năm 1953, ông được lệnh tổ chức trinh sát đường tiếp vận Tây Bắc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã tham gia suốt chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 444, một trong ba tiểu đoàn mở đường thắng lợi ở Điện Biên.
Ông tham gia mở đường Tuần Giáo vào Điện Biên, sau đó mở đường cho Trung đoàn Pháo binh hạng nặng 105 vừa mới thành lập. Khi có chủ trương đánh chắc thắng chắc, công binh phải mở thêm nhiều tuyến đường để đưa vào gần lòng chảo Điện Biên hơn; phải mở cả con đường sang phía tây lòng chảo Điện Biên. Nhiệm vụ này được giao cho Tiểu đoàn Công binh 444 do ông đảm nhiệm.
Sau khi hoàn thành xuất sắc công tác mở đường, bảo đảm cho xe pháo cơ động tiêu diệt tập đoàn cứ điểm, ông được điều về Cục Công binh. Năm 1975, ông lại được tăng cường cho chiến dịch Hồ Chí Minh mở đường đưa pháo 122 nòng dài vào tham gia chiến dịch. Sau khi đất nước giải phóng, ông được điều về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Công binh.
Tháng 8/1950, đồng chí Lê Công Hậu (khu phố Phước Hậu, phường 9, TP Tuy Hòa) đang học năm thứ 3 Trường trung học Lương Văn Chánh ở Đồng Me, theo tiếng gọi của non sông “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, đồng chí xung phong nhập ngũ, được chọn đi đào tạo sĩ quan ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Liên khu 5.
Sau đó ông được chọn đi Việt Bắc để đào tạo cán bộ cho một binh chủng mới. Năm 1952, đồng chí Lê Công Hậu được gửi sang Trung Quốc để đào tạo sĩ quan pháo binh, một binh chủng mới hiện đại lúc bấy giờ. Ra trường, đồng chí được phân công làm Đội trưởng chỉ huy 2 khẩu 105 trong số 24 khẩu 105 của Trung đoàn pháo 675 thuộc Sư đoàn 351, đơn vị hỏa lực mạnh nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam thời bấy giờ.
Đưa pháo vào, kéo pháo ra rồi lại đưa pháo vào, để rồi trong lần nổ súng đầu tiên, pháo binh của ta đã khóa mồm pháo binh Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, trung đội trưởng Lê Công Hậu được đề bạt đại đội trưởng. Đến năm 1963, đồng chí được điều về miền Nam với quân hàm đại úy và hy sinh ngày 20/8/1963 tại chiến trường Đắk Lắk.
PHAN THANH - ĐẶNG CA