Ở độ cao trên 400m, được ví như “nóc nhà” của Phú Yên, cao nguyên Vân Hòa có vẻ đẹp rất khác biệt. Vân Hòa quyến dụ lòng người không chỉ bởi không gian bao la của núi đồi, khí hậu mát lành của “một Đà Lạt thu nhỏ”, mà còn bởi những món ăn dân dã độc đáo và tình đất, tình người nồng ấm nơi đây.
Sau nhiều ngày mưa gió se sắt, nắng ấm cũng bật lên trên những triền đồi chập chùng nơi miền sơn cước. Chúng tôi về cao nguyên Vân Hòa khi mùa xuân vừa chạm ngõ nơi này.
Một “Đà Lạt” giữa lòng xứ nẫu
Từ TP Tuy Hòa, chúng tôi đi theo quốc lộ 1 về hướng bắc đến thôn Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) rồi rẽ trái theo ĐT643 ngược lên hướng tây khoảng 30km để đến Vân Hòa. Những ồn ã, náo nhiệt của phố xá bị đẩy lùi về phía sau khi các triền lau trắng hoang sơ, núi đồi, đồng cỏ, vườn mía, rừng keo xanh ngát trải dài trước mắt.
Buổi sáng nơi đây sương mờ bảng lảng trên mặt hồ Suối Phấn, Suối Phèn, trên những triền đồi, dưới những thung sâu. Trong hơi lạnh miên man của núi đồi, tôi nhớ đến hình ảnh những mùa sương giăng mà nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ (Trần Huiền Ân) - quê ở Vân Hòa từng viết trong tập sách Chân dung một làng quê Vân Hòa thuở ấy gần 10 năm trước: “Ở Vân Hòa vào mùa sương buổi sáng, sương giăng trắng cả vườn, cả lối đi, tiếng sương rơi lộp bộp nghe rõ trên tán lá. Ngày hè, nắng vàng dịu nhẹ, từ Tuy Hòa lên đây như đi từ hạ sang thu...”.
Thoáng chốc trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà nhỏ khiêm nhường bên cạnh vườn trà, tiêu, thơm, mít tươi xanh. Những khóm hồng, dâm bụt, cẩm tú cầu... rập rờn trước hiên nhà. Chúng tôi bắt gặp nụ cười hiền như đất của người dân vùng cao khi hỏi thăm đường về xã Sơn Xuân. Hôm tôi đến, những vườn đỏ nơi đây đã thôi xôn xao bước chân du khách. Bà Trần Thị Thắm, 70 tuổi, một chủ vườn đỏ mỉm cười hồn hậu: “Thời gian này, cây đỏ đang “nghỉ” để ra trái cho mùa sau đó cháu. Cây ra hoa, kết trái từ tháng giêng đến tháng mười hàng năm. Đến mùa đỏ chín rộ, rất nhiều khách du lịch, có cả người nước ngoài đến đây tham quan chụp hình, vui lắm!”.
Dạo bước quanh khu vườn yên tĩnh, dưới tán lá xanh rợp mát, trong tôi chợt ùa về ký ức tuổi thơ nơi quê nhà. Cái thời tôi và nhiều đứa trẻ trong làng đợi chờ mùa đỏ chín từ cánh rừng xa. Những người anh, chú bác ở quê tôi phải vượt qua nhiều chặng đường chông chênh dốc núi hái, gùi những chùm đỏ tròn chín mọng ngọt chua thanh mát về nhà trong niềm hân hoan của đám trẻ con. Trái đỏ trên rừng, về nhà, xuống chợ quê, chợ phố trở thành món quà “đặc sản” của núi rừng ban sơ.
Còn giờ đây, tôi đứng trong khu vườn có đến 50 cây đỏ của bà Thắm trong sự ngạc nhiên và vui thích. Bà Thắm nói, cây đỏ “có mặt” khắp ba xã cánh bắc Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của huyện Sơn Hòa, nhưng nhiều nhất ở Sơn Xuân. Cây đỏ mọc từ trên đồi, bên suối, rồi “bước vào” những khu vườn, gắn bó với người dân cao nguyên từ bao đời nay. Họ yêu cây đỏ và gìn giữ món quà thiên nhiên ban tặng. Tình yêu ấy tạo nên một vẻ đẹp rất riêng cho vùng đất cao nguyên.
Một nửa chân trời...
Ở Vân Hòa, chúng tôi gặp Út Mười (Ngô Thị Mười) trên chiếc xe máy bám đầy bụi đường. Cô cười tươi rói: “Em không muốn xa quê. Dù sống ở đâu, em cũng muốn dõi theo những đổi thay của quê mình”. Sinh ra, lớn lên trên vùng đất ba xã, xuống phố đi học, làm việc ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, cưới chồng sống ở Suối Bạc cách xa quê gần 20 cây số nhưng khi nào rảnh là Út Mười tranh thủ về Vân Hòa.
Cao nguyên Vân Hòa có vẻ đẹp rất khác biệt - Ảnh: MINH CHÂU |
Út Mười thuộc thế hệ 8X rất năng động, tự tin. Hơn 2 năm nay, cô dốc lòng “hồi sinh” món mắm thơm dân dã truyền thống của vùng ba xã, tạo nên thương hiệu Mắm thơm Út Mười nổi tiếng, góp phần đưa văn hóa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng nơi đây.
Để giúp chúng tôi hiểu thêm về Vân Hòa, Út Mười tình nguyện làm “hướng dẫn viên” đưa đi thăm những khu vườn mênh mông hoa lá của người dân nơi đây chuẩn bị đón Tết. Nhìn cách cô giới thiệu về những ngọn đồi, con suối, về khu di tích lịch sử quốc gia Nhà thờ Bác Hồ, khu căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, cách cô mang máy ảnh đi khắp nơi để chụp những làn khói mỏng tang trên rẫy, lưu giữ khoảnh khắc nắng chiều rơi trên cao nguyên..., tôi cảm nhận tình yêu quê nhà đậm sâu trong Út Mười.
Tôi cũng nhận ra tình cảm ấy trong ánh mắt, nụ cười của anh Huỳnh Công Tuấn ở thôn Suối Phèn (xã Sơn Long). Thật hiếm có nông dân nào “lãng tử” như anh bỏ rất nhiều thời gian, công sức đi bứng từng gốc cây mua, cây sim trên triền đồi về trồng, nhân giống trên 2 sào đất để làm du lịch. Đứng giữa khu vườn xôn xao những khóm hoa mua tím ngát bên hồ Suối Phèn, nghe anh nói về từng loại cây, hoa lá nơi đây cảm thấy tình yêu núi đồi tràn ngập trong anh.
Có lẽ những tình cảm của bà Thắm, Út Mười, anh Tuấn cũng như bao người dân thuần hậu nơi đây mà tôi gặp đã tạo nên một vẻ đẹp rất riêng ở Vân Hòa. Tôi lại nhớ đến nhà văn Trần Huiền Ân, dù mấy mươi năm sống ở phố, nhưng hồn quê, chất quê vẫn thấm đậm trong ông. Nhà văn - nhà nghiên cứu này như con chim xa rừng lúc nào cũng thương cây nhớ cội. Ông đã dành nhiều tình cảm khi viết tập sách Chân dung một làng quê Vân Hòa thuở ấy để nói về cỏ cây, mưa nắng, núi đồi, chim trời cá nước, về những làng xóm dân cư, các món ăn, nghi lễ, phong tục, những chuyện xưa tích cũ trên vùng đất cao nguyên... Với ông, đó là “một nửa chân trời” gió dịu, mây lành, đồi xanh, suối mát. Ở đó có những triền sim tím ngát, những gò cỏ rộng, có những tảng đá ong to bằng cái nền nhà, những mùa trái cây rừng chín thoảng hương thơm... Ông nói, bây giờ Vân Hòa có nhiều đổi thay, cảnh cũ ngày trước không còn, thay vào đó là bao cái mới, cái khác. Mong sao con người Vân Hòa ngày nay có được tầm mắt nhìn xa trông rộng, khối óc sáng suốt hơn, tấm lòng bao dung, nhân hậu hơn để kiến tạo một Vân Hòa giàu có, sung túc, đẹp đẽ hơn.
Từ mong ước của ông, tôi nhớ cách đây 2 năm trước, Sở Xây dựng công bố Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Vân Hòa đến năm 2035. Với vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh cùng với các lợi thế về khí hậu, cảnh quan, di tích lịch sử, hy vọng Vân Hòa sẽ trở thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng của tỉnh nhà trong tương lai không xa.
NGỌC DUNG