Những sáng kiến chống bạo lực học đường

Thứ bảy - 01/06/2019 09:31
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 50% thanh thiếu niên trên thế giới, tức 150 triệu học sinh, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bạo lực học đường.
Những sáng kiến chống bạo lực học đường

Bạo lực học đường đang là vấn nạn của nhiều nền giáo dục trên thế giới. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 50% thanh thiếu niên trên thế giới, tức 150 triệu học sinh, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bạo lực học đường. 

 

Ác mộng ở trường học

 

Nhận định về vấn nạn bạo lực học đường, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết, giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình. Tuy nhiên, đối với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, chính trường học lại là nơi không an toàn.

 

Mỗi ngày, học sinh đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm: đánh nhau, bị ép tham gia các băng nhóm, bắt nạt - cả trực tiếp và trên mạng, kỷ luật bạo lực, quấy rối tình dục và bạo lực có vũ khí. Về ngắn hạn, bạo lực ảnh hưởng đến việc học tập của các em, về lâu dài bạo lực có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và thậm chí tự sát.

 

Châu Á là nơi vấn nạn bạo lực học đường có xu hướng tăng cao nhất thế giới. Đứng đầu danh sách này là Nhật Bản. Theo tờ Yomiuri Shimbun, tình trạng bắt nạt tại trường học ở Nhật đã tăng cao kỷ lục. Theo khảo sát công bố vào cuối năm ngoái của Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản, các vụ bắt nạt trong trường công và tư ở nước này trong năm học kết thúc ngày 31-3-2018 lên tới 414.378 vụ, tăng hơn 91.000 vụ so với năm học trước. Trong đó, 474 vụ bị coi là nghiêm trọng và 55 vụ bị coi là đe dọa tính mạng. Đáng báo động hơn là việc có khoảng 10 học sinh đã phải tự tử vì thường xuyên trở thành mục tiêu bị tấn công trong học đường.

 

Giải pháp được một số trường học Nhật Bản áp dụng hiện nay là tổ chức khảo sát học sinh định kỳ để phát hiện sớm tình trạng bạo lực trong lớp. Tại Trường Trung học Miyagino ở Sendai, học sinh điền bảng khảo sát hàng tháng về hành vi thường nhật của mình, trong đó có những câu hỏi như, có biết ai bị bắt nạt không. Giáo viên sẽ dựa theo câu trả lời để xử lý vụ việc một cách phù hợp với các cá nhân có liên quan.

 

Từ năm 2019, chính quyền TP Sendai cũng tăng số tư vấn viên trong trường học. Trong tháng 4 năm nay, TP Otsu sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để giúp giáo viên phát hiện dấu hiệu các vụ bắt nạt nghiêm trọng trong trường học.

 

Thái Lan và Hàn Quốc cũng nằm trong nhóm các quốc gia có nạn bạo lực trường học nghiêm trọng không kém. Thậm chí, để con yên tâm đến trường học, một số phụ huynh Hàn Quốc còn thuê vệ sĩ bảo vệ con với mức giá  450 - 1.790 USD/ngày. Họ còn chụp ảnh, ghi hình làm bằng chứng để gửi cho trường học và phụ huynh. Theo tờ Telegraph, dịch vụ bảo vệ khác thường này xuất hiện trong bối cảnh các băng nhóm du côn học sinh trong trường học xuất hiện ngày càng nhiều ở Hàn Quốc.

 

Theo ông  Noh Yoon-ho, luật sư chuyên phụ trách các vụ bạo lực học đường, Hàn Quốc đã thắt chặt biện pháp pháp lý với hành vi bắt nạt từ năm 2012. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ người lớn có xu hướng phớt lờ vấn đề, họ chỉ nghĩ đơn giản là trẻ con đánh nhau. Tình trạng này đã khiến nhiều học sinh học hành sa sút, trầm cảm và dẫn đến tự tử. Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường lắp camera giám sát và tăng số nhân viên an ninh trong trường học. Có khoảng 18.000 camera trong các trường học quanh Seoul.

 

Theo trang tin The Nation, khảo sát của Cơ quan Sức khỏe Tâm thần cho thấy, khoảng 600.000 trẻ em Thái Lan bị tấn công ở trường học. Văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản (OBEC) Thái Lan đã phải lập kế hoạch để ngăn chặn tình trạng bắt nạt trong trường học để trình Bộ GD- ĐTxem xét.

 

Ngoài châu Á, châu Âu cũng đang nhức nhối với vấn nạn bạo lực học đường. Nghiên cứu gần đây cho thấy số trẻ em Tây Ban Nha bị bắt nạt ở lớp học là 23%. Trong số đó, trẻ em người nước ngoài là đối tượng bị bắt nạt thường xuyên nhất, vì các em có phần khác biệt so với bạn cùng lứa. Áo là quốc gia có nạn bạo lực học đường trầm trọng nhất châu Âu, nước này thực hiện 14 chương trình phòng ngừa bạo lực trong giới trẻ. Tuy nhiên, trong năm 2017, mới 131.855 học sinh được tiếp cận. Trong khi, có tới 455.000 học sinh 15 - 19 tuổi ở Áo.

 

Ở Đức, do nhiều vụ liên quan tới bắt nạn bạn học xuất phát từ tư tưởng bài Do Thái nên nước này đã đưa 170 chuyên gia chống bắt nạt tới các trường học đối phó với sự gia tăng tư tưởng này. Nghiên cứu của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2017, cho thấy, cứ 6 học sinh Đức thì có 1 em bị bắt nạt thường xuyên tại trường. Nghiên cứu nhận xét, bắt nạt là vấn đề nghiêm trọng ở các trường học Đức.

 

Nói không với bạo lực

 

Tại châu Âu, Phần Lan được đánh giá là quốc gia đi đầu về việc giảm thiểu bạo lực tại trường học nhờ sáng kiến giáo dục mang tên KiVa giúp học sinh luôn cảm thấy thoải mái, an toàn khi đến trường. KiVa viết tắt của cụm từ Kiusaamista Vastaan, có nghĩa là chống lại bắt nạt ở Phần Lan.

 

Chương trình KiVa được Bộ Giáo dục Phần Lan triển khai từ năm 2007 và ngay trong năm đó, KiVa đã giảm được 40% các trường hợp bắt nạt trong các trường học. Khoảng 90% trường học Phần Lan đang thực hiện theo phương pháp này. Mục tiêu của KiVa là làm cho học sinh nhận thức được sự nguy hiểm của bạo lực học đường và giúp đỡ học sinh trở thành những người bảo vệ học sinh đang bị bắt nạt, cũng như không có hành vi bắt nạt người khác.

 

KiVa hoạt động dựa trên việc sử dụng hộp thư ảo nơi các trường hợp bắt nạt có thể được báo cáo ẩn danh. Giáo viên sẽ phụ trách việc quan sát các trường hợp yêu cầu được hỗ trợ. Sau đó, giáo viên và chuyên gia giáo dục sẽ tư vấn tâm lý cho nạn nhân và cảm hóa các đối tượng cho đến khi vấn đề được giải quyết. Phương pháp này đã và đang được thực hiện ở các quốc gia khác.

 

Năm 2015, giai đoạn đầu tiên thực hiện chương trình chống bắt nạt KiVa đã được triển khai tại Argentina, Colombia, Tây Ban Nha, Mexico và Chile. Sau đó, KiVa lần lượt được áp dụng tại Hà Lan, Anh, Đức, Bỉ, Ý, Luxembourg, Estonia, Thụy Điển, Hungary. Khu vực Trung Đông cũng đang triển khai các chương trình chống lại nạn bạo lực học đường.

 

Tại Dubai và Sharjah, khoảng 9.000 học sinh đã tham gia chiến dịch nói không với bạo lực học đường. Ngoài việc học cách bảo vệ mình, các em còn được học một số biện pháp tâm lý để hỗ trợ bạn học khi bị bắt nạt tại trường lẫn ở nhà. Sharjah còn mời lực lượng cảnh sát đến hướng dẫn học sinh cách tự vệ và chống trả khi bị tấn công. Chương trình còn nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường giáo dục của mỗi học sinh khi đến lớp và thay đổi nhận thức những em học sinh cá biệt và có xu hướng bạo lực ở trường học.

 

Trong khi đó, dưới sự hướng dẫn của cơ quan cảnh sát, khoảng 200 học sinh tại trường công và trường tư thục ở Dubai đã trở thành “Đại sứ an toàn” trường học. Các em đảm nhận nhiệm vụ quan sát, hỗ trợ bạn học khi bị bắt nạt và báo cáo với nhà trường nếu phát hiện có vụ tấn công bạn học. Giới chuyên gia giáo dục của Dubai và Sharjah kỳ vọng rằng, chương trình sẽ mang đến cho học sinh hồi ức đẹp khi cắp sách đến trường và đảm bảo rằng mọi trẻ em đều hạnh phúc và vui vẻ dưới ngôi trường đang học tập.

 

Để hỗ trợ thêm cho hoạt động chống bạo lực học đường trên toàn cầu, UNICEF đã triển khai chương trình #End Violence, kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về vấn nạn này. Toàn bộ số tiền từ chiến dịch #End Violence không những để góp phần chấm dứt bạo lực đối với thanh thiếu niên mà còn giúp những người trẻ đang phải đấu tranh với những cơn đau thể xác lẫn tinh thần vì bạo lực gây nên.

 

Theo UNICEF, để giảm thiểu vấn nạn này, các biện pháp an ninh trong trường học cần được tăng cường. Nhà trường cần nghiên cứu và mở chương trình chống bạo lực học đường. UNICEF cũng kêu gọi giao tiếp trong môi trường học tập và gia đình vì bạo lực học đường không phải là điều cấm kỵ.

 

Các thành viên trong cộng đồng, cùng cha mẹ và giáo viên nên chia sẻ với học sinh về bạo lực và hậu quả của nó để giúp các em có đủ nhận thức trước vấn nạn nguy hiểm này. Giáo viên cần nhấn mạnh với học sinh rằng, họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức bắt nạt nào, còn cha mẹ thì cần hợp tác với nhà trường để phản ứng với hành vi bắt nạt.

 

Theo SGGPO

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp