Xử lý thí sinh gian lận: Trường đại học không thụ động ngồi chờ bộ

Thứ hai - 13/05/2019 14:53
“Các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của bộ, như các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ”.
Xử lý thí sinh gian lận: Trường đại học không thụ động ngồi chờ bộ

“Các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của bộ, như các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ”.

 

Đây là khẳng định của Bộ GD-ĐT khi thông tin tới báo chí về quan điểm xử lý thí sinh có điểm thi gian lận trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia của bộ.

 

Trước đó, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc các trường đại học dân sự cho các thí sinh có điểm thi gian lận nhưng điểm thật vẫn đủ điểm chuẩn được tiếp tục theo học, trong khi khối trường Công an đã buộc thôi học tất cả các thí sinh có điểm thi gian lận.

 

51 thí sinh có điểm gian lận vẫn đang học đại học, cao đẳng

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh có điểm thi bị can thiệp trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa bình là 222 thí sinh.

 

Trong đó, kết quả chấm thẩm định của thí sinh thuộc tỉnh Hà Giang có trước khi các sở GD-ĐT xét tốt nghiệp và các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Có 114 thí sinh có bài thi sau khi chấm thẩm định bị hạ điểm, trong đó có 39 thí sinh đủ điểm xét tuyển đại học, cao đẳng và đang học tại 23 trường.

 

Kết quả chấm thẩm định tại Sơn La, Hòa Bình có sau khi xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Số thí sinh bị hạ điểm do chấm thẩm định của hai tỉnh này là 108 thí sinh, trong đó Hòa Bình có 64 thí sinh, Sơn La có 44 thí sinh.

 

Trong số 108 thí sinh này có một thí sinh điểm thật không đủ đỗ tốt nghiệp. Có 13 thí sinh không nhập học tại các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống. Có 94 thí sinh trúng tuyển vào 26 trường đại học. Trong đó 82 thí sinh bị hủy kết quả trúng tuyển do điểm thật không đủ điểm trúng tuyển hoặc đủ điểm nhưng vi phạm quy định về tuyển sinh của ngành công an.

 

Còn 12 thí sinh sau khi bị hạ điểm vẫn đủ điểm trúng tuyển đang học tại 10 trường đại học do đăng ký xét tuyển bằng kết quả học tập lớp 12, hoặc môn hạ điểm không nằm trong tổ hợp xét tuyển, hoặc môn hạ điểm thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển.

 

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, vẫn có 51 thí sinh, gồm 39 thí sinh ở Hà Giang và 12 thí sinh thuộc hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình có điểm thi bị can thiệp nhưng vẫn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Trong khi các trường khối ngành công an đã buộc thôi học tất cả các thí sinh có điểm thi gian lận thì các trường khối dân sự và quân sự chỉ buộc thôi học với các thí sinh có điểm thi thật thấp hơn điểm chuẩn.


Thẩm quyền thuộc trường đại học

 

Bộ GD-ĐT cho biết, Luật Giáo dục đại học quy định “cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Quy chế tuyển sinh cũng quy định các trường có quyền “lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tố chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến thí sinh”.

 

Theo các quy định trên, cơ sở giáo dục đại học tự chủ và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh, phù hợp với quy chế tuyển sinh. Việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường.

 

Cũng theo Bộ GD-ĐT, việc xử lý sai phạm liên quan đến kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia của thí sinh không chỉ được áp dụng bởi các quy định trong Quy chế thi mà còn có các quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật các và các quy định cụ thể, đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học.

 

Bộ đã chỉ đạo các trường phải căn cứ vào quy định của Quy chế tuyển sinh, của Đề án tuyển sinh đã công bố, các quy định riêng của từng trường và quy định có liên quan của cơ quan có thẩm quyền để chủ động xử lý nghiệm, đúng pháp luật, đảm bảo có căn cứ và có trách nhiệm giải trình với xã hội.

 

Cũng theo Bộ GD-ĐT, việc các trường vẫn cho những thí sinh có điểm thật đạt điểm chuẩn tiếp tục theo học chỉ là tạm thời. Khi có kết luật chính thức của cơ quan điều tra, thí sinh nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Quan điểm của bộ là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có sự gian lận trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

 

Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, tham khảo ý kiến chuyên gia pháp luật để hoàn thiện các quy chế, quy định của ngành để giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học, đặc biệt là quy định các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý được ngay đối với các loại vi phạm trong gian lận thi cử.

 

Theo Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp