“Con biết con sai rồi”

Thứ năm - 07/03/2019 17:01
Một người mắc bệnh dại vừa tử vong. Trước khi chết, trong lúc tỉnh táo, bệnh nhân nói với mẹ: “Con biết con sai rồi”. Anh đã chủ quan, không đi tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị con chó nhỏ cắn.
“Con biết con sai rồi”

Một người mắc bệnh dại vừa tử vong. Trước khi chết, trong lúc tỉnh táo, bệnh nhân nói với mẹ: “Con biết con sai rồi”. Anh đã chủ quan, không đi tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị con chó nhỏ cắn.

 

Xuất hiện tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, người đàn bà gầy gò gây chú ý với hai đứa trẻ: đứa nhỏ địu trước bụng; đứa lớn dắt đi bên cạnh. Hai đứa trẻ đó là con của một người đã phát bệnh dại, nhập viện vào trưa 23/1. Bệnh nhân tên L.V.H (sinh năm 1986, ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh), là đứa con độc nhất của bà!

 

Buổi chiều hôm đó, tôi thấy bà nhiều lần dán mắt vào mảnh giấy có ghi hàng loạt số điện thoại, lập cập dò ngón tay tìm kiếm, lập cập bấm số. Bà nói gọi về Sơn Giang, nhờ người xuống đây dắt hai đứa trẻ về. Bác sĩ bảo vậy. Ai lại để hai đứa trẻ đi tới đi lui ở nơi điều trị bệnh truyền nhiễm, rồi sáng lại bên cạnh người cha đã bị kích thích tâm thần vận động, sợ nước, sợ gió… - những biểu hiện lâm sàng do vi rút dại gây ra.

 

Hai đứa trẻ, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi, không hề biết chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chúng sẽ mồ côi cha. Cho đến nay, không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào một khi đã phát bệnh dại. Bệnh nhân tử vong 100%!

 

Hai đứa trẻ sẽ nhanh chóng mồ côi cha, còn bà mẹ góa bụa, gần 70 tuổi sẽ nhanh chóng mất đi đứa con độc nhất của mình! Tôi đoán là bà biết điều đó, vì bà nói hồi trước cũng từng làm việc trong một bệnh viện. Có thể bà làm y tá, có thể làm hộ lý, lao công… Cho dù làm gì thì một khi đã ở trong môi trường y tế, hẳn bà biết căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây ra nguy hiểm như thế nào. Tôi nghĩ rằng bà biết nên độ một tháng trước, sau khi con trai bà bị con chó nhỏ cắn, bà đã bảo con đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. (Con chó đó đã đi đâu không rõ).

 

Vậy nhưng con bà không nghe, nói không sao đâu, con chó nhỏ, lành mà. Một số người cũng nghĩ vậy. Con chó hung hăng, hay nổi điên, cắn lung tung thì mới có nguy cơ bị dại chứ, con này còn nhỏ, lành mà. Không sao đâu - một số người nghĩ vậy; con trai bà mẹ này cũng nghĩ vậy, cho đến khi bị sốt, đau đầu, chóng mặt, sợ nước, sợ gió… và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

Lúc này, vi rút dại (lây truyền từ nước bọt của con chó nhỏ đã bị dại mà không ai biết, qua vết cắn) đã tiến vào các dây thần kinh ngoại biên, di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ của anh H. Vì vậy, sau một tháng ủ bệnh (theo y văn, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ một vài ngày đến vài tháng, thậm chí có thể dài tới một năm, còn thời gian phát bệnh cho đến khi chết dao động từ 1-7 ngày), bệnh nhân H có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng “đặc trưng” của bệnh dại. Lúc này, các bác sĩ có thể làm gì khác ngoài việc giảm đau đớn, lo lắng bồn chồn cho bệnh nhân?

 

Biết mình đã phát bệnh dại, trong lúc tỉnh táo, anh H nói với mẹ: “Con biết con sai rồi”. Có những sai lầm có thể sửa chữa được, còn sai lầm do chủ quan, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo… cắn, cào trầy xước thì không! Và cái giá của sự chủ quan này là vô cùng đắt!

 

Sau hơn một ngày vào Khoa Truyền nhiễm, đến tối 24/1, bệnh nhân H - đứa con duy nhất của bà mẹ gầy gò, cha của hai đứa trẻ còn nhỏ xíu - trút hơi thở cuối cùng. Điều an ủi là vợ anh (đang làm công nhân ở tận miền Bắc) đã kịp trở về trước khi chồng chết.

 

Với người thầy thuốc, có đau không khi nhìn thấy bệnh nhân đang chết ngay trước mắt mình mà không thể nào cứu họ? Sau khi anh H chết, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng Khoa Truyền Nhiễm đã viết những dòng đau xót trên trang cá nhân facebook:

 

“Xin lỗi em!

 

Trách nhiệm giao anh phải cứu người. Riêng em, anh thấy chết không cứu được. Ngàn lần xin lỗi em!

 

Con em xuống ôm em mà anh đành phải giằng khỏi tay em. Ngàn lần xin lỗi em!

 

Em không uống được nước, khát không chịu nổi. Gió thổi qua lạnh không chịu nổi, mà sao bác sĩ đứng đó không giúp em? Ngàn lần xin lỗi em!

 

Em đập cửa cả đêm, kêu bác sĩ cứu em để còn lo hai con nhỏ. Sao bác sĩ đứng đó chỉ khuyên em về phòng rồi cho một mũi an thần? Ngàn lần xin lỗi em!

 

Em đòi về nhà mà sao bác sĩ trói em để em ra đi như vầy? Ngàn lần xin lỗi em!

 

Đau lắm! Thấy chết mà cứu không được! Em mắc bệnh dại lên cơn. Tử vong 100% em à. Xin con chó con về nuôi cho vui cửa vui nhà, ai ngờ nó cắn mà ra nông nỗi này! Em nghĩ rằng không có gì nên không đi tiêm ngừa. Ngàn lần xin lỗi em, vì anh không thể tuyên truyền cho mọi người về bệnh dại được.

 

Dẫu muộn màng rồi, thôi thì anh chỉ có thể báo rằng, ở Việt Nam mình là vùng lưu hành bệnh dại, tất cả ai bị súc vật cắn nên đi tiêm ngừa dại. Tiêm ngừa vắc xin phòng dại và cần thiết là cả huyết thanh kháng dại nữa mới mong cứu mình. Mà huyết thanh kháng dại chỉ tiêm trong 7 ngày đầu. Do đó xin bỏ giùm quan niệm cũ là theo dõi 10 ngày, có gì mới tiêm!”

 

“Tiêm phòng dại càng sớm càng tốt sau khi bị súc vật cắn!”, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm khuyến cáo.

 

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp