Hầu hết các bệnh lý không lây nhiễm liên quan nhiều đến chế độ sinh hoạt, ăn uống, lối sống tĩnh tại, môi trường sống. Những yếu tố này có thể điều chỉnh được bằng hành vi cá nhân. Việc vận động, thể dục thể thao phối hợp với chế độ ăn hợp lý có thể điều chỉnh được hoặc hạn chế sự tiến triển của bệnh. Điều đó cho thấy thể dục thể thao có vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới cứ 10 ca tử vong thì có 8 ca do các bệnh lý không lây nhiễm, chiếm 80%. Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo bệnh không lây nhiễm là vấn đề sức khỏe có tính toàn cầu. Các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), goute (viêm khớp do tăng axít uric)… tăng rất nhanh ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, tỉ lệ người bị cao huyết áp chiếm gần 20% dân số, tiểu đường gần 5% dân số. Các biến chứng do cao huyết áp, tiểu đường hết sức nguy hiểm như đột quỵ, suy thận, tổn thương mắt…, làm cho gánh nặng y tế nặng nề hơn đối với mỗi người, mỗi gia đình và cả trên phạm vi quốc gia.
Hầu hết các bệnh lý không lây nhiễm liên quan nhiều đến chế độ sinh hoạt, ăn uống, lối sống tĩnh tại, môi trường sống. Những yếu tố này có thể điều chỉnh được bằng hành vi cá nhân. Chẳng hạn như cao huyết áp có liên quan đến chế độ ăn nhiều muối; những người béo phì, lười vận động, hay tiểu đường týp 2 phần lớn có liên quan đến chế độ ăn, chế độ sinh hoạt; hen phế quản xảy ra nhiều ở những nơi không khí bị ô nhiễm.
Phác đồ điều trị các bệnh lý không lây nhiễm nói chung, tiểu đường, cao huyết áp, goute nói riêng đều phối hợp 3 yếu tố: thể dục thể thao, chế độ ăn và thuốc. Việc vận động, thể dục thể thao phối hợp với chế độ ăn hợp lý có thể điều chỉnh được hoặc hạn chế sự tiến triển của bệnh, khi hai biện pháp trên không hiệu quả mới sử dụng thuốc. Điều đó cho thấy vai trò của thể dục thể thao hết sức quan trọng.
WHO đã khuyến cáo vận động thể lực đều đặn mỗi ngày từ 45-60 phút, 6 ngày trong tuần sẽ giảm được 40-60% các trường hợp đột quỵ, 20-40% các tai biến khác do các bệnh lý không lây nhiễm. Những người có lối sống tĩnh tại có nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường cao từ 2-2,5 lần so với người bình thường.
Cách đây 73 năm, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài trên báo Cứu Quốc, khuyên mọi người cần rèn luyện thể dục thể thao để có sức khỏe. Bác nói mỗi người dân yếu ớt thì cả nước yếu ớt, mỗi người dân khỏe mạnh thì cả nước khỏe mạnh, có sức khỏe mới làm việc được, để có sức khỏe cần phải rèn luyện thể dục thể thao. Lời dạy của Bác được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa trong các nghị quyết, chỉ thị triển khai thực hiện hàng chục năm qua và đã đem lại kết quả to lớn.
Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, COPD ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phòng chống các bệnh không lây nhiễm là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân, trong đó các cấp chính quyền trực tiếp chỉ đạo, ngành Y tế là nòng cốt.
Kiểm soát nguy cơ lây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực cùng với chủ động giám sát, phát hiện sớm, điều trị, quản lý liên tục và lâu dài tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu là yếu tố quyết định hiệu quả trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
Ngày 20/3/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường (tiểu đường), COPD và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Chiến lược đề ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp vận động xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng vùng, miền và từng nhóm đối tượng, chú trọng trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe và thành phố vì sức khỏe; đề xuất phát động phong trào Toàn dân thực hiện lối sống tăng cường sức khỏe gắn với phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Vai trò của thể dục thể thao trong phòng và chống các bệnh không lây nhiễm là hết sức quan trọng. Vì vậy mỗi người, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện hãy phát động phong trào rèn luyện thể lực để phòng chống các bệnh không lây nhiễm, đồng thời tạo được môi trường sống thoải mái, giảm các tác động tiêu cực trong lao động sản xuất. Có thể tập thể dục giữa giờ, tập thể thao vào cuối ngày làm việc, cường độ thể dục thể thao vừa phải; thời gian luyện tập từ 45-60 phút mỗi ngày, đều đặn các ngày trong tuần.
Mỗi người hãy dành từ 45-60 phút luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm!
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên