Thời gian qua, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã không ngừng mở rộng mạng lưới, đổi mới phong cách giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng... Qua đó sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mở rộng mạng lưới hoạt động
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên, trong năm 2017, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm 3 chi nhánh là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Hiện ngoài chi nhánh NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ở Phú Yên có 18 tổ chức tín dụng gồm: 4 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank); 8 chi nhánh ngân hàng TMCP (Sacombank, DongA Bank, Kienlongbank, Maritime Bank, ACB, LienVietPostBank, HDBank và MB); 2 chi nhánh ngân hàng khối chính sách là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển; 4 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (Châu Thành, Chí Thạnh, Hòa Trị và Hòa Thắng).
Không chỉ có mặt tại TP Tuy Hòa, mạng lưới phòng giao dịch, điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội đã vươn đến các huyện, thị, liên xã trên địa bàn tỉnh với 10 chi nhánh cấp 2 và 7 phòng giao dịch liên xã thuộc Agribank, 17 phòng giao dịch thuộc các ngân hàng thương mại, 112 điểm giao dịch thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội và 17 phòng giao dịch bưu điện thuộc LienVietPostBank. “Hiện mạng lưới các tổ chức tín dụng như vậy đã cơ bản đáp ứng được các dịch vụ về ngân hàng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Chưa kể sắp tới, Agribank Phú Yên sẽ đưa vào hoạt động điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 3 xã Sơn Long, Sơn Xuân và Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp ở các xã vùng xa có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ ngân hàng hiện đại”, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên, nói.
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, các ngân hàng còn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, tạo bộ mặt mới mẻ, khang trang cho trụ sở, phòng giao dịch. Những đơn vị này cũng xây dựng quy chế giao dịch văn minh, lịch sự, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; áp dụng các hình thức huy động vốn hấp dẫn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trên địa bàn để có thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp, người dân vay vốn sản xuất kinh doanh.
Đón làn sóng đầu tư
Tại buổi tổng kết công tác quyết toán năm 2017 do NHNN chi nhánh Phú Yên tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt chia sẻ: Tỉnh luôn giữ chủ trương nhất quán là “trải thảm” thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực thực sự. Với chủ trương này, từ nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nhiều phần việc cụ thể để hỗ trợ các nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai dự án. Và năm nay, những nỗ lực của tỉnh đã bắt đầu có kết quả khi ngay từ đầu năm, các nhà đầu tư đã tổ chức động thổ, khởi công hàng loạt dự án lớn trên địa bàn. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức vào ngày 19/1, tỉnh trao hàng loạt quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký ghi nhớ đầu tư... cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Đón làn sóng đầu tư nói trên, hiện các chi nhánh ngân hàng tại Phú Yên đang tích cực chủ động nguồn vốn để cung cấp kịp thời, đưa các dự án về đích đúng tiến độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Ông Lê Minh Phương, Giám đốc BIDV Phú Yên, cho biết đơn vị luôn bám sát chỉ đạo của hội sở chính và NHNN là tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện cho các khách hàng doanh nghiệp, người dân ở các địa phương vay vốn sản xuất, kinh doanh... Còn theo ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc VietinBank Phú Yên, khi xác định những nhà đầu tư có tiềm lực thực sự, có năng lực và kế hoạch triển khai dự án cụ thể, ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn. Điều này không chỉ giúp các nhà đầu tư có điều kiện sớm hoàn thành dự án, phát triển sản xuất kinh doanh mà còn giúp ngân hàng mở rộng quy mô tín dụng.
Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Agribank Phú Yên, thì cho hay: Nông nghiệp nông thôn là một trong những thế mạnh của Phú Yên và Agribank cũng rất chú trọng đầu tư vốn cho lĩnh vực này. Do đó, chúng tôi kiến nghị thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, triển khai các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để ngân hàng mạnh dạn đầu tư vốn.
Năm 2018, ngành Ngân hàng Phú Yên phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản: tăng trưởng huy động vốn 16-18%, tín dụng 18-20% so với cuối năm 2017; nợ xấu dưới 3%. Để đạt được các chỉ tiêu này, NHNN chi nhánh Phú Yên tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; phối hợp với địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên |
LÊ HẢO