Thường nghe “Trà Thái, gái Tuyên” nên trở lại Thái Nguyên dịp cuối xuân đầu hạ khi tiết trời vừa nhạt hương xuân và festival trà thường niên kết thúc chưa đầy tháng, chúng tôi chọn điểm đến là vùng chè đặc sản Tân Cương.
Đệ nhất danh trà
Rời TP Thái Nguyên về phía Tây Nam chừng 10 phút đi xe, bạn sẽ được hòa mình trong không gian xanh ngát chập chùng - nơi sản xuất loại đặc sản mà người dân địa phương tự hào là đệ nhất danh trà Việt Nam. Vùng đồi bao la hơn 1.300ha được tạo hóa và con người - không rõ bằng thứ nghệ thuật sắp đặt bền bỉ hay ngẫu nhiên - đã tạo nên vô số chiếc bát khổng lồ trang trí hoa văn cái thì xoáy tròn, cái chạy dọc úp xen sát nhau, cùng mơn mởn vuốt ve ánh nhìn và gợi nhớ thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Những vệt hoa văn ấy là những luống chè mấy chục năm tuổi, miệt mài sinh trưởng trong khí hậu dịu mát ở độ cao hơn 1.000m, nhận được nguồn nước của sông Công và hồ Núi Cốc ngấm qua các mạch ngầm lại thêm dãy Tam Đảo bốn mùa che chắn, xanh càng thêm xanh.
Giới thiệu cách thu búp chè với khách tham quan - Ảnh: HOÀNG QUYÊN |
Lịch sử của cây chè Tân Cương gắn liền với tên tuổi ông Đội Năm - người được tôn vinh là Ông Tổ chè Tân Cương. Tài liệu quảng bá du lịch tại địa phương ghi: “Người dân khu vực Đồi chè Tân Cương bảo rằng cây chè có ở đất này từ lâu lắm rồi, nhưng mới trở thành đặc sản lừng danh hơn 100 năm nay, nhờ ông Đội Năm tới đây khai phá, mở đồn điền trồng chè, rồi chế biến thành những gói chè Bạch Hạc bán đi khắp nơi. Những ẩm khách sành trà rất ưa dùng và tôn vinh là đệ nhất danh trà”.
Chè Tân Cương trở thành “đệ nhất danh trà” không chỉ nhờ thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để cây chè phát triển mà còn ở bí quyết chế biến độc đáo, tạo nên sản phẩm hội tụ đủ 4 tiêu chuẩn “thanh, sắc, vị, thần”. Đọt chè có màu xanh vàng, cong như móc câu, uống vào có mùi cốm, lúc mới uống có vị chát dịu nhẹ, uống xong có vị ngọt lắng sâu nơi đầu lưỡi và hương thanh thoát.
Chúng tôi ghé thăm Cơ sở sản xuất chè Tiến Yên tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương. Cơ sở là một khu nhà nằm sâu giữa vườn chè bạt ngàn, có hàng cau xanh, hồ sen và những hàng liễu rũ quanh ao cá đậm chất nông thôn Bắc bộ... là nơi ở của gia đình, cũng là nơi sản xuất chè và kinh doanh dịch vụ homestay. Anh Bùi Trọng Đại, chủ cơ sở vui vẻ giới thiệu quy trình chế biến chè và mời dùng thử sản phẩm chè đinh thượng hạng.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn trên ngọn đồi sau nhà, anh Đại hướng dẫn cách hái chè. Tùy vụ thu hoạch và loại sản phẩm sẽ có kỹ thuật thu búp chè khác nhau “1 tôm, 1 lá”, “1 tôm, 2 lá” hoặc “1 tôm, 3 lá”... “Tôm” là cách gọi búp chè non mới nhú, hay còn gọi là “đinh”, hái thêm lá non liền kề chính là thu búp “1 tôm, 1 lá”. Thu búp tôm kèm lá chỉ để sản xuất ra những sản phẩm trà ngon có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg. Một công lao động mỗi ngày có thể thu hái 10kg búp chè tươi, đủ chế biến 2kg trà thành phẩm.
Chè sau khi sao khô, đổ ra nia để nhặt cuống và lá già rồi sảy sạch, chuẩn bị lên hương - Ảnh: HOÀNG QUYÊN |
Chè hái xong phải để nơi thoáng mát ít nhất 2 tiếng cho héo hoặc khô nước rồi tiến hành quy trình chế biến, gồm các bước sao và lên hương. Chảo ga được dùng để sao chè tươi hay còn gọi là “diệt men” chè, mỗi mẻ sao mất chừng 5 phút. Chè sau khi sao tươi được chuyển sang máy vò để tạo búp chè xoăn hình móc câu. Kế đến là công đoạn rũ tơi để tránh tình trạng chè đóng vón.
Và cuối cùng là bước sao khô bằng chảo hay còn gọi là lên hương, rồi dồn vào túi lớn, đợi khi khách đặt hàng thì mang ra quay hương, phân loại thành phẩm. Xưa, các cụ dùng phương pháp thủ công, từ diệt men cho đến lên hương phải mất nửa ngày mới được 1kg chè búp khô. Nay nhờ chảo ga, máy vò nên chỉ trong 1 giờ đã có thể chế biến được 10kg sản phẩm.
Với sản phẩm chè đinh thượng hạng có giá từ 3-5 triệu đồng/kg, quy trình chế biến không khác chè búp thông thường, tuy nhiên phải cần đến bày tay của các nghệ nhân làm chè. Ngay từ khâu thu hái phải mất 15 công lao động khéo nghề mới thu đủ nguyên liệu chế biến 1kg chè đinh thành phẩm. Hái chè đinh cực kỳ tỉ mỉ vì chỉ hái mỗi cái đinh (mầm lá) nhỏ. Phải là người trồng chè lâu năm mới đủ kinh nghiệm chọn bãi và cây chè cho nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng. Còn yếu tố quyết định để tạo nên sản phẩm chè thượng hạng nằm ở khâu sao và lên hương. Tất cả phụ thuộc vào cảm nhận không thể diễn tả bằng lời của những nghệ nhân tài hoa để có nhiệt độ chảo ga thích hợp khi sao chè hay điểm dừng lúc lên hương để chè đạt độ thơm nhất, cánh chè đẹp và xanh hơn.
Nghệ thuật uống trà và giai thoại kỳ thú
Đến kinh đô trà phải biết nghệ thuật uống trà. Câu hỏi đặt ra là có hay không “trà đạo” Việt Nam? Đoàn chúng tôi ghé thăm Không gian văn hóa trà Tân Cương - nơi bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên và được nghe nhiều điều thú vị.
Những bộ đồ trà xưa và nay trưng bày tại Không gian văn hóa trà Tân Cương - Ảnh: HOÀNG QUYÊN |
Từ thời Hậu Lê đến đầu thời nhà Nguyễn đã phát triển “chè Chuyên” - một phong cách uống trà tinh tế được tầng lớp quý tộc và nho sĩ đặc biệt ưa thích. Đó là nghệ thuật tạo nên từ những thứ nhỏ nhắn, tinh xảo như chén hạt mít, ấm quả quýt cùng sự kiểm soát kỹ càng chất nước và độ sôi để đạt được hương vị tuyệt vời nhất khi pha trà. Qua đúc kết, phong cách trà Việt gói trọn trong 11 chữ: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.
“Nhất thủy” là yêu cầu đầu tiên để có ấm trà ngon. Nước dùng pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời, hay từ các nguồn suối tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm mai. “Nhì trà” - thứ hai, là cách chọn loại trà tùy sở thích. “Tam bôi” tức là chén uống trà xếp thứ ba. Một bộ đồ trà thường có bốn chén quân, một chén tống; chén quân thường là loại chén dạng hạt mít. Rót trà cần lưu ý để các chén trà đều đậm đà như nhau. “Tứ bình” là bình (ấm) pha trà xếp thứ tư. Tùy theo lối uống “độc ẩm”, “song ẩm”, “tứ ẩm” hay “quần ẩm” mà có những loại bình tương ứng. “Ngũ quần anh” - thứ năm là người thưởng trà. Có được bạn trà là có được người hiểu mình, là tri kỷ.
Tân Cương có sản phẩm trà mộc, là loại trà thô không ướp hương. Loại trà này thích hợp với ấm chén bằng đất nung để thẩm thấu hương trà sau những lần sử dụng. Có giai thoại kỳ thú về cuộc so tài giữa các “trà nhân” liên quan đến bộ đồ trà đất nung ưa dùng của người Thái Nguyên. Chuyện kể rằng, hai lão “trà nhân” Phú Thọ và Thái Nguyên gặp nhau, ai cũng nhận mình đạt trình độ “siêu đẳng”.
Lão “trà nhân” Thái Nguyên mang ra bộ đồ trà bằng đất nung, cặn trà bám dày thành chén, rót nước nóng vào chiếc bình không, sau đó chuyển ra chén mời “trà nhân” Phú Thọ. Trong chốc lát nước trong chén chuyển màu vàng xanh, thoảng hương. Lão “trà nhân” Phú Thọ gật gù, mượn 2 chiếc chén sứ sạch, rót nước nóng vào 1 chén. Đợi nước nguội bớt, ông hớp một ngụm rồi nhả vào chiếc chén còn lại thứ nước có màu xanh ngả sang vàng óng ả đượm hương loại trà đinh hảo hạng...
Chiếc ấm “Đệ nhất danh trà” làm từ gốm Bát Tràng trưng bày tại Không gian văn hóa trà Tân Cương - Ảnh: HOÀNG QUYÊN |
Câu chuyện kỳ thú có lẽ là sản phẩm dân gian Phú Thọ, bởi người dân địa phương kể rằng ông Đội Năm đã mang cây chè tổ từ Phú Thọ về trồng ở Tân Cương, đến nay gần trăm năm tuổi mà vẫn xanh tốt.
Phát triển du lịch cộng đồng
Vì vai trò khá quan trọng của bộ đồ trà nên trong Không gian văn hóa trà Tân Cương trưng bày rất nhiều mẫu đồ trà xưa và nay. Ngoài ra, tại khu nhà có kiến trúc mở lạ mắt này, du khách có thể tìm hiểu quy trình chế biến trà từ những mô hình có kích cỡ như thật, rất lạ lẫm đối với du khách.
Chủ cơ sở sản xuất chè Tiến Yên Bùi Trọng Đại - Ảnh: HOÀNG QUYÊN |
Không gian văn hóa trà Tân Cương cũng là nơi hằng năm diễn ra Lễ hội Trà xuân với các hoạt động: rước cây chè, sao chè và các trò chơi ném còn, đẩy gậy. Du khách thưởng thức chén trà được pha bởi những người con gái Thái Nguyên xinh đẹp, lắng nghe khúc hát chầu văn... Nhờ đó mà góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở Tân Cương.
Năm 2012, Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc tế CIDA, thông qua Liên đoàn Đô thị Canada (FCM) đã tài trợ xây dựng Mô hình điểm về làng văn hóa du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương. Chương trình đã mở nhiều khóa tập huấn kỹ năng cho các hộ gia đình tham gia và Cơ sở sản xuất chè Tiến Yên là một trong những homestay thu hút khách. Anh Bùi Trọng Đại cho biết khách nước ngoài đặc biệt ưa thích đến đây vì trải nghiệm trực tiếp tham gia chế biến sản phẩm được tôn vinh là “đệ nhất danh trà” Việt.
Thái Nguyên, vùng đất gắn với lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc với ATK Định Hóa, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước và nhận quá nhiều ưu đãi của thiên nhiên với danh thắng hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà... Nhưng đến Thái Nguyên nếu không thăm và trải nghiệm vùng chè đặc sản Tân Cương sẽ là chưa đủ, cũng bởi tình người thuần phác ở đất này.
HOÀNG QUYÊN