Trong thời điểm cuối năm, nhu cầu vận tải thường tăng cao, nhất là hoạt động vận tải hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ngành GT-VT đang triển khai nhiều giải pháp, tăng cường tàu xe, không để xảy ra tình trạng tồn đọng khách tại bến, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều người đã tất bật tìm mua vé tàu, xe trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa và ngược lại. Đợt cao điểm vận tải năm nay sẽ diễn ra từ ngày 5-10/2/2021 trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa và từ ngày 15-20/2/2021 trên tuyến Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh.
Không lo thiếu vé
Trái với tình trạng ảm đạm ngày thường, nhiều ngày nay, tại phòng vé, người dân tìm mua vé xe ra vào khá tấp nập, đa số đều tìm mua vé xe Tết. Chị Nguyễn Thị Thúy ở TX Đông Hòa, cho biết: Vì loay hoay việc nhà nên tôi quên mua vé sớm cho con gái đang học tại TP Hồ Chí Minh. Tôi đã đi nhiều nhà xe nhưng vẫn không tìm mua được vé giường nằm về Tuy Hòa vào ngày 27 tháng Chạp.
Theo các nhà xe đang hoạt động trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa, sốt vé xe dịp Tết Nguyên đán là tình trạng đến hẹn lại lên. Như thường lệ, giá vé xe Tết tăng từ 40-60% so với ngày thường. Với mức tăng này, vé xe có giá từ 400.000-460.000 đồng; riêng vé xe giường nằm chất lượng cao có giá từ 700.000-800.000 đồng. Các doanh nghiệp giải thích giá vé tăng cao là để bù một chiều không có khách. Các nhà xe đã huy động lượng xe tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần ngày thường nhưng vẫn bán hết vé. Tuy nhiên, tình trạng này cũng chỉ diễn ra đối với các xe giường nằm.
Ông Hồ Nguyên Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Cúc Tư, cho biết: Để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân dịp Tết Nguyên đán năm nay, đơn vị đã huy động 21 xe giường nằm chất lượng cao (tăng gấp 3 lần so với ngày thường) và đã bán hết vé. Nếu nhu cầu của người dân vẫn còn thì nhà xe sẽ huy động thêm xe ghế ngồi để phục vụ.
Trong khi đó, theo Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt và Dịch vụ tổng hợp Tuy Hòa, dịp Tết Nguyên đán (từ 30/1-23/2/2021), trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy 10 đoàn tàu Thống Nhất từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh và 9 đoàn tàu khu đoạn. Trong thời gian từ 10-16/2/2021, ngành Đường sắt cũng tổ chức chạy thêm một số đôi tàu trên các tuyến: Sài Gòn - Huế, Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Tam Kỳ, Sài Gòn - Quảng Ngãi và Sài Gòn - Nha Trang. Căn cứ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết, ngành Đường sắt sẽ lập thêm tàu để phục vụ hành khách.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn bán vé chuyển đổi loại giường nằm mềm khoang 4 giường, một giường tầng 1 được bán 3 ghế ngồi mềm (riêng tàu SNT1/SNT2, SNT11/SNT12 chạy Sài Gòn - Nha Trang và ngược lại không bán chuyển đổi). Đồng thời, bán vé ghế phụ được bố trí ngồi bằng ghế nhựa với giá được tính bằng 80% giá vé loại chỗ thấp nhất quy định tại bảng giá vé trên đoàn tàu đó.
Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19
Song song với công tác đảm bảo đi lại thuận lợi cho người dân, không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện, ngành GT-VT cũng chủ động các phương án phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Bá Khải, Phó Giám đốc Sở GT-VT, đơn vị đã có văn bản yêu cầu các đầu mối giao thông chính như nhà ga, bến xe, cảng hàng không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19. Cương quyết không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 khi tham gia giao thông.
Tại Bến xe Nam Tuy Hòa, theo ông Hoàng Phó Lãnh, Giám đốc bến xe, các phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại bến được thực hiện nghiêm túc. Các chuyến xe hoạt động yêu cầu phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bến xe thường xuyên phát loa thông báo để tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi ra vào bến cũng như khi di chuyển trên xe.
Theo Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt và Dịch vụ tổng hợp Tuy Hòa, để đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như tránh lây lan dịch bệnh, nhà ga bố trí các điểm rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ hành khách; trên các tàu thường xuyên phát thanh biện pháp phòng chống dịch. Nhiệt độ trên tàu luôn được duy trì ở mức 260C, nhằm hạn chế thấp nhất virus có thể phát tán. Ở các nhà ga cũng như trên tàu luôn bố trí các phòng riêng để trong trường hợp hành khách có những biểu hiện ho, sốt thì sẽ có khu vực cách ly, đảm bảo an toàn cho các hành khách khác.
Trong khi đó, tại Cảng Hàng không Tuy Hòa, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng đang được triển khai quyết liệt. Ngoài việc giám sát y tế đối với hành khách, đơn vị này còn thực hiện đo thân nhiệt hàng ngày đối với cán bộ, nhân viên làm việc tại cảng, tạo tâm lý yên tâm cho nhân viên và hành khách. Các bảng khuyến cáo, hướng dẫn cho hành khách đi máy bay đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay được bố trí tại các khu vực dễ thấy trong nhà ga.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ký ban hành Chỉ thị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trên máy bay trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân năm 2021. Các hãng bay thông báo tới hành khách tại quầy làm thủ tục check-in và phát thanh trên máy bay về việc nếu vi phạm các quy định về phòng, chống dịch sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8, Nghị định 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, mức phạt đến 3 triệu đồng. |
HỒ NHƯ