Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Lễ phát động Năm An toàn giao thông

Thứ hai - 04/01/2021 23:45
Sáng 5/1, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2021

Sáng 5/1, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2021 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân năm 2021.

 

Tham dự lễ ra quân có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; đại diện các bộ, ngành, thành phố Hà Nội và đông đảo cán bộ, chiến sỹ các lực lượng liên quan của thành phố Hà Nội.

 

Phát biểu chỉ đạo và phát động Năm An toàn giao thông 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Vì vậy, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24/2/2003 và Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012, là những Chỉ thị rất quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

 

Theo thống kê từ Bộ Công an, giai đoạn 2016-2020, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91% so với 5 năm trước.

 

Đặc biệt năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua. Số vụ giảm gần 18%, số người bị thương giảm gần 20%, số người chết giảm trên 12% và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người/năm.

 

Trong 3 ngày đầu năm 2021, tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước giảm 9 vụ, giảm 16 người chết và 6 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020.

 

Năm 2021, với những sự kiện chính trị lớn sẽ diễn ra như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông” từ cấp Trung ương đến tận cấp cơ sở ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu kéo giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020; khắc phục ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

 

Các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội và đặc biệt là lực lượng thực thi pháp luật từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt và tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông với trọng tâm là hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông; lên án các hành vi “phi văn hoá” khi tham gia giao thông; vận động nhân dân ủng hộ, hợp tác với lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

 

Cùng với đó, thông tin về chế tài nghiêm khắc của pháp luật như quy định tại Nghị định 100, những hành vi vi phạm; tuyên truyền về tính khách quan, chính xác của việc xử phạt “nguội” qua hệ thống camera, cân xe tự động…, giúp người dân nhận thức đúng, thay đổi hành vi, từ đó tham gia giao thông một cách có văn hóa và an toàn hơn.

 

Các cơ quan, đơn vị hướng dẫn người dân thực hiện tốt phòng, chống dịch COVID - 19 khi tham gia giao thông; tập trung xây dựng hình ảnh cán bộ thực thi pháp luật “Liêm chính, nhân văn, tận tâm, vì dân phục vụ”.

 

Các ngành Giao thông vận tải, Công an và các ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh của trong toàn lực lượng.

 

Ngoài ra, các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quy hoạch, quản lý đô thị; xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng như trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

 

Mỗi cán bộ, công chức trong lực lượng thực thi pháp luật nhất định phải là một tấm gương về chấp hành tốt pháp luật nói chung và pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, coi đây là chìa khoá để thực hiện thành công Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong bảo đảm trật tự An toàn giao thông”.

 

Trước mắt, các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện 1711 ngày 7/12/2020, vừa bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vừa gắn với phòng, chống COVID -19 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021.

 

"Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không vì Tết mà nể nang, xuê xoa. Cương quyết không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 khi tham gia giao thông; có phương án ứng phó hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm SARS-CoV-2 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện công cộng; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông hoặc địa bàn thuộc phạm vi quản lý," Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đặc biệt lưu ý.

 

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về mua bán, vận chuyển chất nổ, chất cháy, các loại pháo; không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp