Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, cuộc họp chung lần thứ 2 giữa bộ trưởng Tài chính và bộ trưởng Y tế Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khẳng định cam kết tăng cường năng lực về kiến trúc y tế toàn cầu.
Tại hội nghị, bộ trưởng Tài chính và bộ trưởng Y tế các nước thành viên G20, khách mời và các tổ chức quốc tế đã thảo luận và cập nhật tiến độ của Quỹ trung gian tài chính cũng như trao đổi việc xây dựng các thỏa thuận phối hợp giữa các bộ Tài chính và Y tế để chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với đại dịch.
Chủ trì sự kiện này, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết hội nghị đã thảo luận biện pháp phối hợp giữa các cơ quan liên quan của các nước, mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng đặc nhiệm tài chính - y tế, cũng như các ưu tiên hoạt động của lực lượng này trong năm 2023.
Theo bà Mulyani, trong năm 2023, lực lượng đặc nhiệm này sẽ tiếp tục do Indonesia và Ý đồng chủ trì, đại diện cho G20 tiếp tục các nhiệm vụ chuyên môn và phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức liên quan khác, cùng với sự hỗ trợ của Ấn Độ - nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2023 - để triển khai lộ trình cụ thể được đưa ra tại hội nghị.
Củng cố kiến trúc y tế toàn cầu là một trong những ưu tiên quan trọng và đạt được thành tựu đáng kể đối với Chủ tịch G20 Indonesia năm nay, trong đó, thành lập Quỹ đại dịch là một trong những thành công lớn của Indonesia.
Trước thềm Hội nghị G20, ngày 13/11, các nhà lãnh đạo y tế và tài chính các nước thành viên đã công bố một quỹ trị giá 1,4 tỉ USD phòng trường hợp thế giới phải ứng phó với một đại dịch tương tự đại dịch COVID-19 trong tương lai.
Tham gia đóng góp quỹ có 24 nước và đây được xem là một trong những kết quả có sớm của Hội nghị thượng đỉnh G20.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã công bố quỹ này trong cuộc họp báo do Tổng thống Indonesia Joko Widodo - nước chủ nhà các sự kiện G20 tới đây - tổ chức.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Widodo nêu rõ G20 đã nhất trí xây dựng quỹ trên để ứng phó và phòng chống các dịch bệnh trong tương lai.
Tài trợ cho quỹ là các nước thành viên G20 cùng một số nước khác cùng các tổ chức nhân đạo. Tuy nhiên, ông khẳng định khoản quỹ 1,4 tỉ USD này là không đủ, mà con số cần để giải quyết dịch bệnh trong tương lai có thể lên tới 31 tỉ USD.
Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của quỹ mới thành lập, đó là đảm bảo khả năng chống đỡ của thế giới trước một đại dịch vì không chỉ cướp đi nhiều sinh mạng, đại dịch còn có thể gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)