Cập nhật COVID-19: Thế giới gần 3 triệu ca mắc, hơn 200.000 ca tử vong

Chủ nhật - 26/04/2020 21:02
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6 giờ sáng ngày 27/4, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh COVID-19) trên toàn thế giới là 2.991.073 trường hợp, trong đó 206.882 trường hợp tử vong.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6 giờ sáng ngày 27/4, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh COVID-19) trên toàn thế giới là 2.991.073 trường hợp, trong đó 206.882 trường hợp tử vong.

 

Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 877.126 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 210 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

 

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 25.394 ca mắc và 1.121 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 986.046 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 55.377 trường hợp.

 

Điều phối viên Nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng, Tiến sỹ Deborah Birx dự báo số ca nhập viện và số người tử vong do COVID-19 tại Mỹ sẽ giảm mạnh vào cuối tháng 5. Dự báo của Tiến sĩ Deborah Birx đưa ra trong bối cảnh một số bang của Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại.

 

Các cuộc biểu tình đã xảy ra ở nhiều bang, kêu gọi các thống đốc mở cửa nền kinh tế, tuy nhiên, một số quan chức y tế cảnh báo nếu không tăng cường xét nghiệm, việc nới lỏng giãn cách xã hội có thể dẫn đến làn sóng thứ hai về COVID-19 trên toàn nước Mỹ.

 

Tại Tây Ban Nha, số ca mắc COVID-19 là 226.629 sau khi ghi nhận thêm 2.870 trường hợp trong ngày 26/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 3 thế giới và lớn thứ 2 ở châu Âu. Số ca tử vong do COVID-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 23.190 sau khi ghi nhận thêm 288 trường hợp trong ngày 26/4. Tây Ban Nha đã duy trì được đà giảm của dịch khi lần đầu tiên sau hơn 1 tháng có số nạn nhân trong ngày dưới 300 người.

 

Ngày 26/4, trẻ em Tây Ban Nha lần đầu được ra ngoài sau 6 tuần phong toả, sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất châu Âu. Tại thủ đô Madrid, những bậc phụ huynh đưa con ra ngoài trời chơi trong 1 giờ đồng hồ.

 

Theo sắc lệnh của Chính phủ, trẻ em dưới 14 tuổi giờ được ra ngoài nếu có người lớn đi cùng. Hướng dẫn mới cấm trẻ em không được tụ tập quá 3 người khi ở cùng một người lớn, và không được đi xa quá 1 km từ nhà. Chúng cũng được phép mang theo đồ chơi.

 

Ý ngày 26/4, nước này ghi nhận thêm 3.786 ca mắc mới và 525 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Ý hiện tại là 197.675, trong đó có 23.190 ca tử vong.

 

Tuyên bố trong cuộc họp báo tối 26/4, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ca ngợi sự hy sinh của người dân Ý đã giúp nước này duy trì được đà giảm của dịch COVID-19, dù đã có những thời điểm mọi việc tưởng như vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhờ đó, đất nước Ý có thể bắt đầu bước vào giai đoạn 2 kể từ ngày 4/5, khi một loạt các lệnh phong toả sẽ được nới lỏng.

 

Cụ thể, từ ngày 4/5, các công dân Ý sẽ được phép tổ chức các cuộc gặp mặt gia đình nhưng với điều kiện phải đeo khẩu trang, không quá 15 người. Những ai có thân nhiệt từ 37,5 độ trở lên phải ở lại trong nhà.

 

Một số hoạt động kinh tế được nối lại, chủ yếu là các nhà máy sản xuất, công trường xây dựng và các cơ sở bán buôn. Tiếp theo, đến ngày 1/6, các nhà hàng được mở cửa nhưng chỉ được phép bán đồ mang đi, không được phép tụ tập. Sau đó, đến ngày 18/6, đa số các hoạt động kinh tế khác sẽ trở lại bình thường.

 

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Pháp tính đến hết ngày 26/4 là 162.100 sau khi ghi nhận thêm 612 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 260, nâng tổng số ca tử vong lên 26.647.

 

Số ca mắc COVID-19 tại Đức đã là 157.495 trường hợp. Cụ thể, ngày 26/4 nước này ghi nhận thêm 982 ca mắc mới và 67 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức hiện tại là 157.495 trong đó có 5.944 ca tử vong.

 

Anh cũng thêm 4.463 ca mắc và 413 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 26/4. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện tại là 152.840 trường hợp, trong đó 20.732 ca tử vong.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận được hãng Opinium thực hiện với trên 2.000 công dân Anh trong thời gian từ ngày 21-23/4, lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Anh, sự ủng hộ của người dân Anh đối với chính phủ nước này đã trở thành thiểu số.

 

Cụ thể, với câu hỏi về việc liệu có tiếp tục giữ niềm tin vào cách thức xử lý của chính phủ Anh nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến như hiện nay hay không, chỉ có 49% tuyên bố sẽ vẫn ủng hộ. Đáng chú ý hơn, 63% cho rằng chính phủ Anh đã không hành động đủ nhanh để ngăn chặn đà lây lan của dịch.

 

Liên quan đến một chủ đề rất nóng tại Anh hiện nay là việc xét nghiệm, chỉ có 15% cho rằng chính phủ Anh đã xử lý tốt, còn 57% không đồng tình với cách thức tiến hành của chính phủ Anh.

 

Khi so sánh với các quốc gia khác trên thế giới, những người được hỏi cũng cho rằng chính phủ Anh chỉ đối phó với dịch COVID-19 tốt hơn các nước Mỹ, Ý và Tây Ban Nha, còn tệ hơn các nước Pháp, Đức, Hàn Quốc, Úc và cả Trung Quốc.

 

Tại Iran, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 90.481 sau khi ghi nhận thêm 1.153 trường hợp trong ngày 26/4. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 5.710 trường hợp.

 

Theo Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi, số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 đã giảm 70% so với đỉnh dịch và số người nằm viện điều trị cũng giảm một nửa.

 

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp với các doanh nghiệp tư nhân, Tổng thống Iran Rouhani tuyên bố, cần lên kế hoạch sản xuất dài hạn dựa trên viễn cảnh dịch bệnh có thể kéo dài trong nhiều tháng tới cuối năm nay, gây gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế.

 

Trong khi đó, Nga ghi nhận thêm 6.361 ca mắc và 66 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 80.949 trường hợp, trong đó 747 trường hợp tử vong.

 

Theo Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga, tại nước này hiện có gần 173.000 người đang được giám sát y tế do nghi ngờ mắc COVID-19. Ngoài ra, hơn 2,8 triệu xét nghiệm đã được tiến hành. Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga Anna Popova cho rằng, trong những ngày lễ tháng Năm tới vẫn phải tuân thủ hoàn toàn chế độ tự cách ly như hiện nay.

 

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã giao nhiệm vụ, đến ngày 30/4, chuẩn bị các đề xuất về dỡ bỏ theo từng giai đoạn các hạn chế đối với các doanh nghiệp. Ông cũng chỉ đạo Quỹ hưu trí cùng với chính quyền Moscow, đến ngày 27/4, xác minh dữ liệu về các nhân viên, tổ chức, các công ty tư nhân hoạt động trên lãnh thổ của đất nước.

 

Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga về bảo vệ quyền lợi của các doanh nhân Boris Titov dự báo rằng, kinh tế nước này trong năm 2020 có thể giảm 20% nếu các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 kéo dài trong nửa năm.

 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Maksim Reshetnikov cũng đã thông báo, kinh tế nước này đang mất đi gần 100 tỷ rúp mỗi ngày do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thâm hụt ngân sách trong năm 2020 có thể lên tới 5% GDP. Tổng quy mô gói hỗ trợ cho nền kinh tế Nga, theo ước tính mới của Bộ Tài chính, là khoảng 2,8% GDP.

 

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.827 trường hợp, trong đó có 4.632 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch COVID-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới.

 

Số ca mắc COVID-19 tại các nước châu Á khác vẫn tiếp tục tăng. Ấn Độ và Hàn Quốc có số ca mắc COVID-19 lần lượt là 27.890 và 10.728.

 

Trong khi đó, Philippines hiện đã có 7.579 ca mắc, trong đó có 501 ca tử vong. Các con số này ở Malaysia lần lượt là 5.780 và 38, ở Indonesia là 8.882 và 743, ở Singapore là 13.624 và 12.

 

Theo VOV

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp