Anh khẳng định sẽ thúc đẩy thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) trước một số chỉ trích từ liên minh này cho rằng vòng đàm phán mới đây không đạt được tiến bộ nào.
Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn tuyên bố từ văn phòng chính phủ ngày 24/4 khẳng định "Anh giữ nguyên cam kết tìm kiếm thỏa thuận tự do thương mại là mục đích quan trọng chính yếu của mình”. Tuyên bố cũng thừa nhận "có những sự khác biệt đáng kể về nguyên tắc trong một số lĩnh vực”.
Cũng trong tuyên bố, phía Anh nêu rõ "chúng tôi lấy làm tiếc chi tiết những đề nghị EU đưa ra trong lĩnh vực thương mại hàng hóa ít hơn so với những hiệp định tự do thương mại mà EU đã ký với các nước khác gần đây”. Anh cho rằng: "Điều này đã làm giảm đáng kể giá trị thực tế của việc không áp dụng thuế khóa và chỉ tiêu hạn ngạch mà hai bên chúng ta cùng mong muốn”.
Phía Anh cũng đề nghị hai bên cần áp dụng nguyên tắc sân chơi bình đẳng cho một cuộc chơi công bằng và cởi mở.
Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của EU đã chỉ trích Vương quốc Anh vì làm chậm các cuộc đàm phán cho các mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên. Trong cuộc họp báo sau vòng đàm phán thứ hai kể từ khi Anh rời EU, ông Barnier cho biết nước Anh không thể từ chối gia hạn giai đoạn chuyển tiếp và đồng thời nước này đã khiến cuộc thảo luận về các lĩnh vực quan trọng bị chậm lại.
Cùng ngày 24/4, Ủy viên phụ trách vấn đề công nghiệp của EU Thierry Breton cho biết nền kinh tế của liên minh này dự kiến sẽ suy giảm khoảng 5-10% trong năm nay do sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Phát biểu với kênh truyền hình France 2, ông Breton đồng thời cảnh báo nếu dịch COVID-19 tái bùng phát, suy thoái kinh tế khu vực này "thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn”.
Những số liệu thống kê chính thức công bố ngày 24/3 cho thấy doanh số bán lẻ của Anh đã sụt giảm kỷ lục trong tháng 3 vừa qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp ở nước này phải đóng cửa.
Bất chấp nhu cầu mua lương thực gia tăng đột biến, tổng doanh số mua sắm tại Anh vẫn giảm tới 5,1% trong tháng Ba so với tháng trước đó. Mức giảm này cao hơn so với mức dự báo trung bình 4,0% trong cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin Reuters thực hiện đối với các chuyên gia kinh tế, đồng thời là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1996, khi Cơ quan thống kê quốc gia của Anh triển khai công tác thống kê trong lĩnh vực này.
Doanh số bán nhiên liệu tại Anh cũng giảm 3,7% trong tháng 3 vừa qua, mức giảm thấp nhất kể từ năm 1988 khi hạng mục này được thống kê. So với tháng 3/2019, tổng doanh số nhiên liệu đã giảm 5,8% - mức giảm cao hơn so với mức dự báo của các nhà kinh tế.
Doanh số trong lĩnh vực may mặc cũng giảm 34,8%. Trong khi đó, doanh số bán thực phẩm tại Anh đã tăng lên mức kỷ lục 10,4% trong tháng 3 vừa qua so với tháng trước đó, do nhiều người dân mua tích trữ nhu yếu phẩm để chủ động thực hiện lệnh phong tỏa của chính phủ.
Đại dịch COVID-19 cũng gây tác động lớn đối với kinh tế của quốc gia Bắc Âu - Na Uy trong quý 1/2020. Tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2020 cũng dự kiến sẽ sụt giảm 5,5% khi nhiều ngành công nghiệp của nước này tạm ngừng hoạt động nhằm nỗ lực ngăn chặn chuỗi lây lan của COVID-19.
Theo số liệu do Cơ quan thống kê Na Uy (SSB) công bố ngày 24/4, nền kinh tế nước này - không bao gồm các hoạt động sản xuất dầu khí ngoài khơi, đã giảm 1,9% trong quý 1/2020 so với quý cuối trong năm 2019. Riêng trong tháng 3 vừa qua, kinh tế Na Uy đã sụt giảm 6,4% so với tháng trước đó.
Theo TTXVN/Vietnam+