WHO: “Thế giới sẽ phải sống chung lâu dài với virus SARS-CoV-2”

Thứ năm - 23/04/2020 02:56
WHO ngày 22/4 đưa ra khuyến cáo các nước trên thế giới không nên vội mất cảnh giác vì cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn rất gian nan.

* Úc kêu gọi tăng quyền hạn cho WHO để đối phó đại dịch

 

WHO ngày 22/4 đưa ra khuyến cáo các nước trên thế giới không nên vội mất cảnh giác vì cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn rất gian nan.

 

Lời cảnh báo trên được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreysus đưa ra trong cuộc họp báo thường nhật của WHO tại Geneva, Thuỵ Sĩ chiều 22/4.

 

Theo người đứng đầu tổ chức Y tế thế giới, hiện tại dù diễn biến dịch COVID-19 tại các nước Tây Âu đang có xu hướng ổn định trong nhiều ngày qua nhưng tại nhiều khu vực khác trên thế giới, tốc độ lây lan của dịch là rất đáng lo ngại.

 

“Mặc dù số ca nhiễm hiện vẫn còn thấp nhưng chúng ta đang chứng kiến một xu hướng gia tăng đáng lo ngại ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Đông Âu. Hầu hết các nước này đều mới chỉ đang ở trong giai đoạn đầu của đại dịch, một số nước đã bị ảnh hưởng dịch từ sớm thì nay đang chứng kiến số ca nhiễm bùng lên trở lại.

 

Đừng phạm sai lầm, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài. Virus này sẽ còn sống chung với chúng ta trong thời gian rất lâu nữa”, ông Tedros Adhanom Ghebreysus nhấn mạnh.

 

Cũng trong buổi họp báo, Tổng Giám đốc WHO nhắc lại các vướng mắc gần đây trong quan hệ với chính quyền Mỹ và cho biết, ông hy vọng nước Mỹ sẽ sớm nối lại sự ủng hộ tài chính cho WHO vì điều đó cũng có lợi cho sự an toàn của chính nước Mỹ.

 

Đối với các nhiệm vụ quan trọng trước mắt của WHO, Giám đốc điều hành và là người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng, việc điều tra rõ ràng nguồn gốc động vật của virus SARS-CoV-2 có ý nghĩa vô cùng cấp thiết, vì cần phải tìm hiểu làm thế nào virus này vượt qua được rào cản về loài để lây nhiễm cho con người.

 

Trong diễn biến khác, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tăng thêm quyền hạn cho WHO để đối phó với các đại dịch trong tương lai.

 

Ông Morrison đã vận động các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emannuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trao thêm quyền hạn cho WHO tương tự quyền hạn của các thanh sát viên vũ khí để đối phó hiệu quả với sự bùng phát của các đại dịch mới trong tương lai.

 

Theo đề xuất trên, các quan chức y tế có quyền tiếp cận và điều tra nguồn gốc của dịch bệnh ở một quốc gia mà không cần lời mời của nước đó. Các quan chức WHO cũng có thể được quyền truy cập các dữ liệu và các thông tin quan trọng khác để theo dõi và ngăn chặn bệnh dịch.

 

Phát biểu trước truyền thông trong nước tối 22/4, ông Morrison cho rằng nếu thế giới được cảnh báo sớm hơn về mức độ nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch, có thể hàng trăm nghìn người đã cứu sống.

 

Nhà lãnh đạo Úc nhấn mạnh cần phải có một quy trình minh bạch và độc lập để xem xét những gì đang diễn ra và quan trọng hơn, các vấn đề cần phải thay đổi.

 

WHO đang hứng chịu sức ép nặng nề từ Úc và các quốc gia phương Tây khác vì đã quá chậm chạp trong việc ứng phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Trung Quốc cũng bị cáo buộc thiếu minh bạch về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19.

 

L.H (tổng hợp Vietnam+, VOV)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp