Trong tổng số hơn 2,6 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới thì ít nhất 183.723 người đã tử vong. Gần 2/3 trong số các nạn nhân này ở châu Âu, nơi ghi nhận hơn 111.137 ca tử vong.
Theo số liệu của trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng 23/4 (giờ Việt Nam), Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với hơn 47.430 ca, tiếp đến là Ý với hơn 25.085 ca và Tây Ban Nha với hơn 21.717 ca. Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Pháp (hơn 21.340 ca) và Anh (18.100 ca).
Vẫn còn có 56.678 trường hợp bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.
Tại Việt Nam, tính đến 6 giờ sáng 23/4, Việt Nam vẫn ghi nhận 268 trường hợp mắc bệnh COVID-19; trong đó có 160 người từ nước ngoài, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong số đó, cả nước đã ghi nhận 223 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm tỉ lệ 83%). Như vậy, đến nay đã 7 ngày liên tục Việt Nam không có ca mắc mới.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Ý vượt ngưỡng 25.000
Ngày 22/4, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý thông báo nước này đã ghi nhận thêm 3.370 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 187.327 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng lên 25.085 trường hợp (tăng 437 ca) và số ca hồi phục là 54.543 ca (tăng 2.943 ca).
Cơ quan trên cũng cho biết Ý hiện có 23.805 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 2.384, giảm 87 trường hợp.
Trong khi đó, vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Ý, ghi nhận 9.692 ca nhập viện (giảm 113 trường hợp), trong đó, số ca điều trị tích cực là 817 ca (giảm 34 trường hợp). Tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng này là 69.092 ca (tăng 1.161 trường hợp), số ca tử vong là 12.740 ca (tăng 161 trường hợp), và số ca hồi phục là 42.820 trường hợp (tăng 1.147 ca).
Cùng ngày, Chính phủ Ý đã công bố giai đoạn 2 nhằm ứng phó với dịch COVID-19 sẽ bắt đầu từ ngày 4/5. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nêu rõ chính phủ sẽ thông qua sắc lệnh mới về tình trạng khẩn cấp với gói hỗ trợ không dưới 50 tỉ euro. Trong giai đoạn 2, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội đảm bảo khoảng cách an toàn khi mà vẫn chưa có liệu pháp điều trị bệnh và vắcxin phòng ngừa.
Pháp ghi nhận hơn 21.300 ca tử vong vì COVID-19
Giới chức y tế Pháp tối 22/4 thông báo số ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua đã tăng thêm 544 ca lên 21.340 người, bao gồm 13.236 ở bệnh viện (tăng 336 ca) và 8.104 ở các viện dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 208 ca).
Hiện ở Pháp có 29.541 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện (giảm 365 ca so với hôm trước), trong đó 5.218 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 215). Tổng cộng có 40.657 người đã khỏi bệnh và xuất viện.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo một số chi tiết về kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong thời gian tới, bao gồm các biện pháp và thời gian nhanh hay chậm tùy thuộc ngành nghề và địa phương. Ông cho biết có thể thực hiện nới lỏng nhanh hơn ở những nơi mà virus SARS-CoV-2 không lây lan.
Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh rằng chiến lược xét nghiệm, cách ly và hỗ trợ y tế phải tránh được sự bùng phát của làn sóng dịch mới. Ông lưu ý rằng Pháp đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 ứng phó với dịch COVID-19 mà "không biết sẽ kéo dài trong bao lâu".
Anh ghi nhận thêm 763 ca tử vong do COVID-19: Bước qua đỉnh dịch
Ngày 22/4, Bộ Y tế Anh thông báo tính đến 17 giờ ngày 21/4 ( giờ Anh) số người tử vong tại bệnh viện ở Anh sau khi dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tăng thêm 763 người trong vòng 24h, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên thành 18.100 người.
Mức tăng này thấp hơn mức 828 ca tử vong ghi nhận một ngày trước đó. Trong khi đó, tính đến 9h ngày 22/4 (giờ Anh), số người mắc COVID-19 tại Anh hiện là 133.495 ca.
Bỉ bất đồng với Mỹ cách thống kê số ca tử vong vì COVID-19
Ngày 22/4, Bỉ đã giải thích về phương pháp thống kê số người tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này và khẳng định việc bị coi là quốc gia có tỉ lệ tử vong do bệnh dịch cao nhất thế giới không phải là một sự so sánh công bằng.
Trước đó, Nhà Trắng hôm 18/4 đã nhận định Bỉ là nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất với 45,20 người chết/100.000 dân, hơn cả Tây Ban Nha hay Ý và gấp 4 lần Mỹ.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Bỉ, Steven van Gucht, nhận định đây không phải là một sự so sánh công bằng vì cách thống kê của Bỉ toàn diện hơn nhiều. Nước này không chỉ tính các trường hợp tử vong tại bệnh viện mà cả các trường hợp xảy ra trong cộng đồng, ví dụ như trong các nhà dưỡng lão.
Đối với hầu hết các quốc gia, số người tử vong vì COVID-19 được áp dụng với các bệnh nhân chết trong bệnh viện và đã cho kết quả dương tính với COVID-19. Bỉ là một trong số ít các quốc gia ở châu Âu tính cả những người chết mà không nhập viện và chỉ bị nghi là mắc bệnh.
Cho đến nay, Bỉ ghi nhận 41.889 trường hợp mắc bệnh và 6.262 ca tử vong, trong đó 52% số ca tử vong là tại các viện dưỡng lão. Chỉ 4,5% trong số các trường hợp qua đời tại viện dưỡng lão chính thức được xác nhận mắc COVID-19, phần còn lại chỉ là các trường hợp nghi ngờ.
Với tỉ lệ tử vong chung khoảng 15% trên tổng số người mắc bệnh COVID-19, Bỉ trở thành một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu vì đại dịch.
Mỹ tiếp tục quy trách nhiệm cho Trung Quốc về sự lây lan dịch COVID-19
Ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay Washington tin chắc rằng Trung Quốc đã không thông báo kịp thời với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Pompeo cũng cáo buộc Trung Quốc báo cáo chậm một tháng về những ca lây nhiễm từ người sang người của chủng virus này cho đến khi bệnh dịch xuất hiện ở tất cả các tỉnh của Trung Quốc.
Bang New York nâng gấp đôi khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2
Ngày 22/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết giúp bang này nâng gấp đôi khả năng xét nghiệm, lên mức 40.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày.
Ông Cuomo cũng cho biết Tổng thống Trump đã nhất trí sẽ xem xét miễn trừ cho bang New York không phải tuân thủ thỏa thuận tiêu chuẩn là phải chi đối ứng 25% số tiền bang nhận được từ Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Theo ông, hiện bang New York không có khả năng chi trả khoản này bởi các hoạt động kinh tế tại đây đã hoàn toàn tê liệt vì dịch bệnh.
Tình hình dịch COVID-19 tại bang New York cũng có nhiều dấu hiệu tích cực với số ca tử vong trong 3 ngày vừa qua đều dưới 500 ca và số người nhập viện cũng liên tục giảm trong 9 ngày qua. Số ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ qua là 474, ít hơn hôm trước 7 ca nhưng tổng số ca tử vong tính đến nay đã vượt ngưỡng 15.000, chính xác là 15.302 người.
Trước đó cùng ngày, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết thành phố đang nỗ lực tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho khoảng 400.000 người dân gặp khó khăn sinh sống tại các khu chung cư nhà công của thành phố như ưu tiên cho họ được xét nghiệm tại các điểm xét nghiệm sắp được mở trong thời gian tới và cung cấp cho họ khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn tay và thức ăn.
Số ca mắc COVID-19 ở Trung Đông tiếp tục tăng cao
Ngày 22/4, Bộ Y tế Ả-rập Xê-út thông báo, nước này đã phát hiện thêm 1.141 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.772 người.
Trong khi đó, số trường hợp tử vong do COVID-19 ở Ả-rập Xê-út hiện là 114 người, trong đó có 5 ca tử vong được ghi nhận trong 24h qua. Đến nay, vương quốc này đã có thêm 172 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi bệnh, nâng tổng số ca bình phục lên 1.812 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Qatar cho biết, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện là 7.141 người, trong đó có 608 trường hợp mới phát hiện. Thông báo của bộ này nêu rõ: “75 người đã bình phục, nâng tổng số người khỏi bệnh lên thành 689, trong khi có thêm một người tử vong, nâng số ca tử vong do COVID-19 lên đến 10 người”.
Phần lớn các trường hợp mới phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 là lao động nước ngoài đã được cách ly sau khi được phát hiện đã tiếp xúc trực tiếp với những người mắc bệnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 22/4 cho hay dịch COVID-19 đã nằm trong tầm kiểm soát của nhà chức trách nước này khi số liệu thống kê cho thấy có thêm 117 người tử vong do căn bệnh này và tổng số trường hợp tử vong hiện là 2.376. Trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 3.083 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 98.674 trường hợp. Số bệnh nhận đã bình phục và ra viện là 16.477 người, trong khi số trường hợp được xét nghiệm trong 24 giờ qua đạt 37.535 người.
Cùng ngày, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), quốc gia đầu tiên ở Vùng Vịnh phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, cũng có thêm 483 trường hợp mắc COVID-19 và tổng số người nhiễm bệnh đã lên tới 8.238.
Theo nhà chức trách UAE, các ca nhiễm mới là những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và tất cả đều đang được điều trị và có sức khỏe ổn định. Đến nay, tại UAE đã có 52 bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Cũng trong ngày 22/4, Bộ Y tế Iraq đã xác nhận việc phát hiện thêm 29 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.631 trường hợp. Đến nay nước này đã có 83 bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Ai Cập cùng ngày cũng ghi nhận thêm 169 người mắc COVID-19 và 12 trường hợp tử vong do căn bệnh nguy hiểm này. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập là 3.659 trong khi số trường hợp tử vong đã lên đến 276 người. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã kêu gọi người dân nước này nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm tránh để xảy ra những tình huống khó khăn hơn.
Trong khi đó, Quốc hội Ai Cập cùng ngày đã bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi một số điều khoản trong luật quy định về tình trạng khẩn cấp nhằm trao cho Tổng thống những quyền lực lớn hơn để xử lý những tình huống y tế nghiêm trọng như sự bùng phát của dịch COVID-19.
Theo TTXVN/Vietnam+